Thứ Bẩy, 23/11/2024 04:47:22 GMT+7
Lượt xem: 1026

Tin đăng lúc 27-03-2024

Nhà máy Điện Hàm Rồng – Đi qua miền ký ức

Tôi sinh ra, lớn lên trên mảnh đất Hàm Rồng nơi mà cách đây 60 năm đã trở thành biểu tượng của chiến tranh nhân dân để chống lại cuộc leo thang phá hoại của đế quốc Mỹ, biểu tượng anh hùng của cuộc “đất đối không, không đối không với không lực Hoa Kỳ”.
Nhà máy Điện Hàm Rồng –  Đi qua miền ký ức

Chiến tranh đã lùi xa, cây cầu Hàm Rồng lịch sử vẫn hiên ngang soi mình bên dòng sông Mã như một minh chứng thép học lịch sử: Khi một dân tộc đã đoàn kết, cùng chung một lý tưởng, cùng chung một chiến hào thì không có một sức mạnh nào có thể khuất phục được dân tộc đó.

 

Thanh Hóa hôm nay trên chặng đường đổi mới với những dự án, khu công nghiệp, các công trình kiến trúc đã và đang hiện hữu trên mảnh đất địa linh nhân kiệt có bề dày lịch sử hào hùng, tạo nên một xứ Thanh đổi mới, hiện đại, văn minh và bền vững. Mỗi khi nhắc về vùng đất hào hùng này, chúng ta không thể không nói đến Nhà máy điện Hàm Rồng cùng những người thợ điện năm ấy.

 

Một sáng mùa xuân năm 2024 thật đẹp và yên bình giữa tiết trời lất phất mưa phùn, tôi vinh dự được gặp và trò chuyện cùng bác Hà Đức Dũng – Một trong những công nhân - chiến sỹ Nhà máy điện Hàm Rồng năm xưa, cảm giác hồi hộp như những người thân mà đã rất lâu rồi tôi chưa gặp… !

 

Nhấp xong ngụm trà nóng hổi, bác Dũng đưa tôi về kỷ niệm một thời oanh liệt của bác và đồng nghiệp đầy bồi hồi xúc động. Chiến tranh đã lùi xa nhưng đọng lại trong mỗi người thế hệ các bác là những ký ức hào hùng, sâu lắng về tháng ngày vừa chiến đấu, vừa sản xuất vẫn còn đó vẹn nguyên. Gương mặt bác khi nhắc đến nhà máy, đến các anh chị em đồng nghiệp lại ánh lên rạng ngời.

 

Tuổi thanh xuân của các bác là biểu tượng cho lòng dũng cảm, kiên quyết bám lò, giữ nhà máy đến cùng. Tinh thần lao động quên mình, bất chấp gian khổ, hy sinh để cho dòng điện được tải đi khắp mọi miền quê hương.

 

 

Hai Anh hùng Lao động Đỗ Chanh (Giám đốc Nhà máy) và Lê Kim Hồng (Công nhân bậc 7/7) sửa chữa tại vườn điện tăng áp Nhà máy điện Hàm Rồng

 

Kể về đồng nghiệp, bác Dũng chia sẻ: Anh Đỗ Chanh, người đã dẫn dắt nhóm trong những thời điểm khó khăn nhất của nhà máy. Anh Lê Kim Hồng, một thợ điện bậc 7/7, luôn sẵn sàng hy sinh cho công việc. Anh thợ trẻ Phạm Đình Quế bị mảnh bom xuyên vào chân, khói bụi sặc sụa, vẫn bình tĩnh không rời vị trí máy phát. Khi trạm bơm tuần hoàn bị bom đánh hỏng, thợ hàn Bùi Khóa - ông của tôi, không sợ hy sinh, xông ra đào bới sâu xuống lòng đất tìm chỗ ống hỏng hàn vá kịp thời. Ông Lâm Văn Duyên là công nhân trạm bơm tuần hoàn, suốt thời gian chiến tranh, ông cùng đồng đội sống trong hang núi Rồng, nhận rõ không có nước bơm từ sông Mã lên thì không chạy được máy phát, vì vậy dù có lúc mệt lả người, có lần bị sức ép của hơi bom, ông vẫn bám chặt chiếc máy bơm có công suất 1.500 m3/giờ, việc làm của ông đã được Quân khu tặng bằng khen “Dũng sĩ đầu cầu”, vợ ông là bà Nguyễn Thị Huệ, nhân viên cấp dưỡng nhà máy, mỗi ngày hai bữa sáng, chiều gánh cơm từ bếp chung theo giao thông hào đưa đến sáu, bảy nhóm công nhân làm việc ở từng địa điểm phân tán. Ông Đinh Thiết Đặng mặc dù bom đạn nổ ở tầng trên, vẫn cùng anh em đun lò ở tầng dưới, bởi cần làm cho nước bốc hơi - nước khô tinh khiết mới đạt chỉ tiêu đưa nước vào máy phát. Sau trận bom, khi vừa ra khỏi lò, mắt hoa lên nhìn thấy quang cảnh nhà cửa tan hoang, chứng kiến đồng đội hy sinh mà nghẹn lời...

 

Qua ánh mắt, giọng kể tôi hiểu nỗi nhớ sâu sắc về quãng thời gian trẻ trung, nhiệt huyết của các bác đầy gian khổ, hiểm nguy như thế nào, khi mà mỗi người đều kiên định sắt đá sẵn sàng quên mình hiến thân cho sự nghiệp đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước.

 

 

Tác giả cùng bố - ông Vũ Tiến Dũng, nguyên cán bộ Nhà máy điện Hàm Rồng (hiện đã nghỉ chế độ)

 

Lại kể về bố tôi - Vũ Tiến Dũng, năm 1987 ông chuyển về trực trạm trung gian 35kV Nhà máy điện Hàm Rồng, đến năm 1991, ông được phân công làm Tổ trưởng Tổ trực trạm Trung gian của nhà máy. Trong miền ký ức của tôi, nơi bố làm việc là cái lô cốt trên cao. Mỗi khi giờ tan ca kết thúc, bố luôn mang về cho con gái vài chú cào cào và những bông hoa từ vườn trạm.

 

Thời gian có thể trôi đi, nhưng những người đồng nghiệp đặc biệt của bố, tôi sẽ mãi không bao giờ quên, tôi vẫn nhớ rõ Chú Hải, chú Trịnh Huy Hoàng (nay là Giám Đốc Điện lực Bá Thước), cô Dung (hiện làm thu ngân Điện lực Thành Phố), bác Chúc, bác Duyên (người đã khuất). Những ngày tháng ấy, bố luôn bận rộn với công việc, nhưng đối với tôi nó trở thành dấu ấn không thể phai. Bố truyền lửa cho tôi tinh thần trách nhiệm, sự tận tụy với công việc và lòng yêu nghề đến cháy bỏng. Những giá trị ấy đã được bố gửi gắm và khuyến khích tôi cần phải giữ gìn, theo đuổi suốt cuộc đời.

 

 

Ông Lê Thanh Bình – Phó Giám đốc Công ty Điện lực Thanh Hóa (người nghe điện thoại trong ảnh) kiểm tra công tác trực vận hành tại Trung tâm Điều khiển xa

 

Viết tiếp và kế thừa truyền thống qua các thế hệ, Thạc sỹ Lê Thanh Bình, người tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, hiện đang đảm nhận vị trí Phó Giám đốc Kỹ thuật tại Công ty Điện lực Thanh Hóa, là một trong những người ưu tú đã lĩnh hội tinh thần và truyền thống của ngành Điện lực. Anh là con của ông Lê Duy Kháng - Nguyên Quản đốc, người đã từng gắn bó với Nhà máy điện Hàm Rồng trong thời kỳ chiến tranh, sau này là Giám đốc Sở Điện lực Thanh Hóa. Anh Bùi Tiến Vinh, con của ông Bùi Khóa, con, cháu rể của ông Đặng Thiết … và còn nhiều con, cháu cán bộ, công nhân viên khác cũng đang cùng các thế hệ cha anh viết tiếp truyền thống vẻ vang của ngành, đơn vị.

 

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, lớp lớp các thế hệ cán bộ công nhân viên Nhà máy Điện Hàm Rồng anh hùng trước đây, Công ty Điện lực Thanh Hóa ngày nay đã tiếp bước nhau vượt qua mưa bom, bão đạn của kẻ thù trong thời chiến đến khó khăn, thách thức đặt ra ở thời bình... Công ty Điện lực Thanh Hóa đã khẳng định được vị thế, vai trò và trở thành một trong những lực lượng xung kích đi đầu cho công cuộc xây dựng quê hương, đất nước. Họ là những đại sứ mang ánh sáng văn hóa, trao gửi niềm tin và khơi dậy lòng khát vọng thịnh vượng đến khắp mọi miền trong tỉnh.

 

 

Những năm qua, hệ thống điện của Công ty Điện lực Thanh Hóa không ngừng được đầu tư, cải tạo, áp dụng công nghệ tiên tiến góp phần nâng cao hiệu quả cấp điện an toàn, ổn định phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng – an ninh và đời sống của nhân dân trên địa bàn

 

Từ một Nhà máy điện Hàm Rồng chỉ có tổng công suất 3.000 kW với đội ngũ thợ điện thời chiến chỉ độ hơn 100 người, đến nay đường điện Thanh Hóa được nối thông với lưới điện quốc gia, trong đó có cả thủy điện Cửa Đạt trên sông Chu, Trung Sơn trên sông Mã… hòa chung nguồn, đưa điện về tất cả các xã, thôn bản trong tỉnh. Lực lượng hơn 1.500 cán bộ công nhân viên toàn Công ty đã đoàn kết một lòng, lao động sáng tạo, xây dựng hệ thống điện có quy mô quản lý với 24 trạm biến áp/41 MBA 110kV (tổng công suất đặt 1780 MVA), 60 đường dây 110kV (tổng chiều dài 1047,3km), 7.367 km đường dây trung áp, 12.745 km đường dây hạ áp... đảm bảo cung ứng điện cho hơn 800 nghìn khách hàng trong toàn tỉnh. Những việc đã làm, con số đã nêu cho ta thấy niềm tự hào về truyền thống xây dựng và phát triển ở một đơn vị Điện lực Anh hùng.

 

Sáu mươi năm dài bằng cả cuộc đời của mỗi con người, các bậc tiền bối như Bác Chanh, Bác Hồng, Bác Chúc, Bác Duyên và bao người đồng đội khác đã không còn nữa… Xin mãi ghi nhớ công ơn, thế hệ con cháu hôm nay xin được kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ!

 

 

Các thế hệ CBCNV PC Thanh Hóa dâng hương tại Nhà bia tưởng niệm khu di tích lịch sử cấp Quốc gia Nhà máy điện Hàm Rồng

 

Năm 2024 này ghi dấu mốc kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024), 55 năm Ngày truyền thống của Tổng công ty Điện lực miền Bắc (6/10/1969 - 6/10/2024) và 60 năm Ngày truyền thống Nhà máy điện Hàm Rồng anh hùng (4/4/1964 - 4/4/2024). Xác định vinh dự lớn, trách nhiệm cao, bước vào chặng đ­ường mới tuy có nhiều thuận lợi và thời cơ mới, nhưng cũng nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của toàn thể cán bộ, công nhân viên Công ty Điện lực Thanh Hóa cùng giữ vững đoàn kết, nêu cao quyết tâm thực hiện tốt mục tiêu “thắp sáng niềm tin”. Qua đó góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh xây dựng Thanh Hóa sớm trở thành tỉnh kiểu mẫu theo lời Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời đã căn dặn.

 

Thùy Dương – ĐL.Triệu Sơn (PC Thanh Hóa)


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang