Thế hệ áo xanh - Những người đi trước
Ngẫu nhiên xuất hiện trên hiện trường buổi thi thực hành tay nghề hôm ấy có 2 màu áo đan xen rất sinh động; màu áo vàng cam của thế hệ công nhân trẻ đang thao tác bài thi trên trụ, hay thực hiện đo, cân pha, điều chỉnh thông số các máy biến áp, các thiết bị điện. Nổi bật trong các tốp áo cam ấy là màu áo xanh truyền thống của thế hệ công nhân vận hành máy phát điện Diesel đang làm nhiệm vụ phụ trợ, giúp các đội thi thao tác theo nội dung được phân công.
Chung quanh hiện trường, các cụm máy phát điện Diesel cũ vẫn còn xếp thẳng hàng như những đội quân đang chờ lệnh: Vào ca! Đội quân ấy đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình và đang chờ… thanh lý!
Thực vậy, cũng những ngày này 39 năm về trước, khi tiếng súng giải phóng quân ngừng hẳn, cũng là lúc dòng điện của 14 máy phát điện diesel khu vực trung tâm thị xã Quy Nhơn “sập” xuống theo chế độ tự động. Những người thợ điện trung thành bám máy đã phối hợp với Ban tiếp quản nhanh chóng khôi phục nguồn, lưới và đến từng nhà vận động các công nhân kỹ thuật quay lại làm việc. “Lẽ nào cách mạng về lại không có điện?”. Đó là suy nghĩ, là động lực để đội ngũ những cán bộ tiếp quản bằng mọi cách khôi phục 14 máy GM 2100 này đưa điện lên lưới, Thị xã Quy Nhơn sáng ánh điện ngay đêm hôm sau.
Tình cờ chúng tôi gặp các anh Nguyễn Văn Trạch, Phạm Luận, Nguyễn Ánh Sáng, Trần Nam, Nguyễn Văn Hoàng… đang trò chuyện thân mật cạnh tổ máy GM cũ. Câu chuyện của các anh gây xúc động như làm sống lại hình ảnh và không khí hừng hực, căng thẳng của Nhà máy điện Diesel Nhơn Thạnh thời “4 có, 3 không” ấy.
Chỉ có 4 ngày có điện trong một tuần là đã tốt rồi, đó là thời điểm điện quốc gia chưa về đến Bình Định và nhà máy điện Nhơn Thạnh sau đó đã hình thành, di chuyển 14 máy GM từ trung tâm Quy Nhơn về đây cùng với các máy khác do Lãnh đạo Công ty Điện lực 3 (nay là Tổng Công ty Điện lực miền Trung) quan hệ, xin điều động về từ các địa phương trong cả nước.
Có thể nói, Nhà máy điện Nhơn Thạnh thời ấy như một bảo tàng thế giới về máy phát điện Diesel, bởi có đến hàng chục chủng loại máy Diesel được quy tụ về đây, giải quyết nạn “đói điện” cho Bình Định: Máy MAN của Đức, máy SKODA của Tiệp Khắc, máy Ghe của Liên Xô, máy GM 2100 của Mỹ…. Tổng cộng lên đến 25 máy, rồi đến con số đỉnh là 32 máy Diesel, khi nhu cầu cấp điện thi công nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn hình thành, thì tổng công suất khả dụng điện Nhà máy Diesel Nhơn Thạnh lên đến 33MW với đội ngũ lính thợ “thiện chiến” trên 200 người.
Đội ngũ thợ điện hôm nay
Anh Phạm Luận đưa 2 bàn tay thô ráp với những dấu sẹo màu trắng khoe với bạn bè: “Đây là những “bông hoa nhỏ”, chứng tích bệnh dị ứng dầu sau 17 năm vận hành máy Diesel. Nhiều bệnh nghề nghiệp đồng đội mình còn mang trong người như: bụi phổi, ù tai, mất ngủ đau đầu, viêm xoang…, trường hợp của mình là nhẹ đấy!”.
Thực vây, người công nhân vận hành máy phát điện Diesel một thời luôn là bạn đồng hành của khói, bụi, độ rung và tiếng ồn, hơi nóng và tình trạng căng thẳng khi vào ca. Khổ nhọc không chỉ là việc dựng tó, rút ruột để sửa chữa, đại tu định kỳ. Mài trục cơ, hỏng sec măng, carte, đỏ cổ thoát khói… là những bệnh đặc trưng thường xuyên của máy phát điện diesel cũ, mà khó nhất là thiếu phụ tùng thay thế. Có những phụ tùng phải gửi mua tại nước sản xuất máy mà chưa chắc có vì… đời máy đã qua lâu rồi!
Tổ trưởng Trần Nam tâm sự: “Hồi ấy tôi phải bàn với anh em, tận dụng Bbu lông cảo của máy GM2100 thay con đội (kít) để chỉnh thẳng hàng trục cơ đưa máy vào vận hành kịp thời, đợi đi gia công trục cơ mới là Tổ sửa chữa cơ không đạt Tổ lao động XHCN rồi! Phong trào hiến kế, đề xuất giải quyết “tình thế” để tiếng máy được liên tục trong 3 ca, tiết kiệm từng giọt dầu diesel theo định mức rất nghiệt ngã, hạ chỉ tiêu điện tự dùng xuống… đồng nghĩa với nhiều đảng viên trẻ được kết nạp tại chỗ và trưởng thành, nhiều chiến sĩ thi đua, nhiều tổ Lao động XHCN xuất hiện. Chị Nguyễn Thị Đào, “người Chị cả” của nhà máy, anh Nguyễn Văn Trạch, anh Trần Nam, anh Nguyễn Ánh Sáng… là những chiến sĩ thi đua cấp tỉnh của một thời gian khó ấy…
Sau thời điểm điện quốc gia về Bình Định tháng 8/1993, Nhà máy điện Diesel Nhơn Thạnh ở vào tuổi 17 đã đi vào chế độ dự phòng nóng, cấp điện phủ đỉnh công suất trong các dịp lễ, tết và các sự kiện chính trị lớn tại địa phương. Đội ngũ những lính thợ vận hành, sửa chữa năm xưa đã lần lượt chuyển công tác, được đào tạo lại để “chuyển tay lái” màu áo xanh vận hành máy được chuyển sang màu vàng cam để tỏa đi làm công tác kinh doanh, quản lý và xây dựng lưới điện. Nhiều trưởng ca vận hành, cán bộ, công nhân đã đến tuổi nghỉ chế độ, có người đã ra đi vĩnh viễn như Chủ tịch Chủ tịch Công đoàn Nguyễn Văn Hương… còn lại một số anh em tóc đã chuyển màu, vẫn bám trụ tại nhà máy trở thành công nhân Xí nghiệp Cơ điện, làm nhiệm vụ bảo dưỡng và cũng là nhân chứng cuối cùng cho cuộc chia tay các cỗ máy Diesel đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình.
Ngoài kia, ánh nắng trên thao trường thi thợ giỏi bắt đầu đứng bóng, màu áo vàng cam của thế hệ công nhân mới đang giao hòa sinh động vào màu áo xạnh của thế hệ công nhân vận hành máy Diesel năm xưa. Có ai biết rằng họ đang làm cuộc chuyển giao thế hệ trên một địa danh rầm rập tiếng máy của một thời gian khó, kết thành truyền thống đầy mồ hôi, nước mắt của Công ty Điện lực Bình Định,Tổng Công ty Điện lực miền Trung vì dòng điện Diesel đầu tiên trên quê hương Bình Định.
Văn Thuận