Thứ Sáu, 22/11/2024 20:18:51 GMT+7
Lượt xem: 2022

Tin đăng lúc 23-03-2017

Nhà máy lọc dầu Dung Quất đạt 10 triệu giờ công an toàn

Tính đến hết ngày 28/2/2017, Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất đạt 10 triệu giờ công an toàn (tính từ 2/6/2014), không để xảy ra tai nạn lao động gây mất ngày công.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất đạt 10 triệu giờ công an toàn
NMLD Dung Quất đạt 10 triệu giờ công an toàn

NMLD Dung Quất cung cấp khoảng 30% nguồn xăng dầu cho cả nước. Vì vậy, nếu nhà máy gặp sự cố liên quan đến vận hành, sản xuất sẽ gây ảnh hưởng đến an ninh năng lượng cũng như nền kinh tế đất nước. Đồng thời, sự phát triển của ngành Dầu khí và nguồn thu ngân sách Nhà nước cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Vì vậy đảm bảo an ninh, an toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ-PCCN) cho con người cũng như máy móc, thiết bị, là điều kiện cần thiết cho sự an toàn và ổn định của vận hành sản xuất, phải được đặt lên hàng đầu.

 

Với đặc thù là nhà máy lọc dầu có nhiều thiết bị vận hành ở áp suất, nhiệt độ cao và tồn tại nhiều yếu tố gây ăn mòn, mài mòn và các lưu chất dễ cháy nổ (với hàng trăm nghìn tấn dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ được lưu chứa) nên luôn tiềm ẩn các nguy cơ xảy ra sự cố cháy nổ và tai nạn lao động. Nhận thức rõ điều đó, ngay giai đoạn chuẩn bị vận hành NMLD Dung Quất, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, chương trình nhằm kiểm soát an toàn như: Ban hành các nội quy, quy định về an toàn lao động, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường; Tổ chức đào tạo huấn luyện về an toàn cho CBCNV và nhân sự các nhà thầu làm việc tại nhà máy, thực hiện công tác giám sát nhà thầu theo 3 cấp độ khác nhau (cấp 1 là nhà thầu chịu trách nhiệm, cấp 2 là ban đầu mối công việc của BSR giám sát nhà thầu và cấp 3 là Ban An toàn, Sức khỏe và Môi trường (ATSKMT). Bên cạnh việc giám sát hằng ngày, công ty cũng thành lập các đoàn kiểm tra hằng tuần, hằng tháng công tác đảm bảo ATSKMT và động viên người lao động (NLĐ) làm việc trên công trường với sự tham gia của các cấp quản lý các cấp từ tổ trưởng, lãnh đạo ban và lãnh đạo công ty. Sự tham gia của các cấp quản lý trong việc kiểm tra công trường thể hiện sự cam kết và ưu tiên cao nhất đối với công tác đảm bảo nhà máy được vận hành an toàn và ổn định.

 

Công tác đảm bảo an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ và bảo vệ môi trường tại NMLD Dung Quất đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Năm 2016, BSR đã đào tại 89 khóa đào tạo an toàn cho nhân sự nội bộ với 11.512 lượt CBCNV tham dự, đạt gần 50 nghìn giờ công an toàn, trung bình mỗi CBCNV đạt 31,6 giờ/người. Đào tạo cho 4.646 lượt nhà thầu với 11.083 giờ công đào tạo. Năm 2015, công ty đã triển khai 68 khóa với hơn 24.846 giờ đào tạo an toàn cho 7.288 lượt người (xấp xỉ 16 giờ/người/năm).

 

Hệ thống quản lý an toàn sức khỏe môi trường của BSR tích hợp tiêu chuẩn ISO 14001:2015 về hệ thống quản lý môi trường, tiêu chuẩn OHSAS 18001: 2007 về hệ thống quản lý an toàn, sức khỏe nghề nghiệp, tiêu chuẩn OSHA 3132 về hệ thống quản lý an toàn công nghệ và các tiêu chuẩn khác… đã được Tổ chức Chứng nhận quốc tế DNV cấp giấy chứng nhận phù hợp lần đầu vào ngày 8-3-2011 và tái chứng nhận lần thứ 3 bởi BSI vào ngày 19-12-2016.

 

Tháng 5-2013, BSR đã đưa chương trình quan sát hành vi an toàn (SAO) vào áp dụng. Tính đến nay, đã có hơn 104 nghìn thẻ đóng góp của CBCNV thông qua chương trình SAO. Đây thực sự là công cụ hữu hiệu trong việc khuyến khích hành động an toàn và giảm thiểu hành vi không an toàn của từng cá nhân NLĐ. Ngoài ra đây cũng là công cụ để phát huy được sức mạnh trí tuệ của tập thể NLĐ trong công tác nhận diện và kiểm soát các mối nguy hiểm, góp phần cải thiện môi trường làm việc an toàn. Bằng việc tham gia tích cực chương trình SAO, CBCNV còn được rèn luyện kỹ năng nhận diện mối nguy, nhờ đó có thể dễ dàng phát hiện được mối nguy hiểm từ chính công việc của mình và cần phải hành động như thế nào để bảo đảm an toàn. Việc triển khai chương trình SAO đã góp phần thay đổi lớn nhận thức của CBCNV đối với công tác ATSKMT. Chương trình SAO là bước tiền đề cho việc xây dựng văn hóa an toàn tại BSR.

 

Để đảm bảo nguồn nhân lực thực hiện công tác an toàn PCCC, Công ty BSR đã thành lập Đội PCCC cơ sở thuộc Ban ATSKMT theo Quyết định số 238/QĐ-BSR ngày 11-5-2009 gồm 50 nhân sự. Đội PCCC làm việc theo chế độ 2 ca 4 kíp thường trực 24/24h tại nhà máy để ứng phó kịp thời với các sự cố xảy ra. Để phù hợp với nhiệm vụ được giao, phù hợp với thực tế về đặc thù của NMLD Dung Quất và đáp ứng theo yêu cầu của pháp luật về PCCC, công ty đã thành lập Đội PCCC chuyên ngành tại Quyết định số 3092/QĐ-BSR ngày 3-9-2015 bao gồm 46 thành viên. Lực lượng làm công tác PCCC của công ty đã được Cảnh sát PCCC tỉnh Quảng Ngãi đào tạo, huấn luyện, tham gia các khóa đào tạo trong và ngoài nước, học hỏi kinh nghiệm trong công tác an toàn, PCCC từ các chuyên gia nước ngoài (Petronas - Malaysia, SK Energy - Hàn Quốc).

 

Kiểm tra thông số kỹ thuật tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất

 

Để tăng cường khả năng chữa cháy tại chỗ, công ty cũng đã thành lập Đội PCCC kiêm nhiệm tại các khu vực sản xuất với 160 chiến sĩ là CBCNV trực tiếp vận hành và bảo dưỡng tại nhà máy. Những cán bộ này được tổ chức đào tạo, huấn luyện kỹ năng PCCC và ứng cứu sự cố nhằm đáp ứng yêu cầu ứng phó sự cố tại chỗ, kịp thời khi có tình huống khẩn cấp xảy ra. Theo lộ trình, lực lượng kiêm nhiệm này sẽ xem xét tăng lên trong thời gian tới.

 

Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo sẵn sàng cho công tác xử lý sự cố cháy nổ xảy ra tại nhà máy, Cảnh sát PCCC tỉnh Quảng Ngãi đã hỗ trợ lực lượng PCCC chuyên nghiệp với 2 nhân sự và một xe chữa cháy luôn thường trực 24/24 tại nhà máy.

 

Đặc biệt, công ty còn phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức diễn tập, ứng phó với các tình huống khẩn cấp, diễn tập an ninh cảng biển, diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu, diễn tập phương án chữa cháy. Phó tổng giám đốc BSR Khương Lê Thành cho biết: Hằng năm, công ty tổ chức diễn tập 80 lần đối với tình huống cấp I và 1 lần đối với tình huống cấp II. Tính đến nay, công ty đã tổ chức khoảng 550 lần diễn tập tình huống cấp I và 5 lần tình huống cấp II, 1 lần diễn tập phòng chống khủng bố cấp ngành. Hiện công ty có đầy đủ quy trình vận hành, quy trình giám sát các tình huống khẩn cấp nhằm mục đích khi thật sự xảy ra sự cố thì tất cả vật lực, nhân lực đều ở tư thế sẵn sàng ứng phó. Công ty cũng đã kiện toàn ban chỉ đạo các tình huống khẩn cấp và hàng trăm CBCNV đồng thời vừa là công nhân, kỹ sư trên công trường, vừa là nhân sự thuộc lực lượng ứng phó sự cố khẩn cấp.

 

Nhiệm vụ trọng tâm của BSR trong năm 2017 là tiếp tục vận hành nhà máy lọc dầu an toàn ổn định và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công tác bảo dưỡng tổng thể nhà máy lần thứ III, trong đó có sự tham gia của nhiều nhà thầu trong và ngoài nước với các công việc có mối nguy cao được tiến hành trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Vì vậy, công tác an toàn, đảm bảo vệ sinh môi trường trong công việc của các nhà thầu phải được quán triệt đến từng công nhân, kỹ sư và tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt của BSR cũng như thực tiễn công việc.

 

Mục tiêu năm 2017 là BSR cùng các nhà thầu phấn đấu đạt mốc 14,5 triệu giờ công an toàn. Quá trình làm việc không để xảy ra bất kỳ sự cố cháy nổ, sự cố an ninh ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của BSR.

 

Tổng giám đốc Trần Ngọc Nguyên nhiều lần đã nhắc đến phương châm: “An toàn là trách nhiệm của mọi người, mỗi CBCNV là một giám sát an toàn tại nơi làm việc”. An toàn trong công việc trước hết phải nghĩ đến tính mạng của bản thân, những người xung quanh và công ty. Đảm bảo an toàn phải được chuẩn hóa từ quy trình làm việc, giám sát trên bản vẽ, thực tế… Bộ phận trực tiếp vận hành, sản xuất phải thường xuyên kiểm tra hệ thống, đường ống, máy móc, thiết bị. Đồng thời, cần đưa ra những biện pháp dự phòng để nhận diện, đánh giá và kiểm soát rủi ro. Không để những sai sót nhỏ đáng tiếc xảy ra dẫn đến nguy cơ mất an toàn, cháy nổ, gây ảnh hưởng đến tính mạng, đến tài sản quốc gia.

 

Nguồn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang