Ngày 28 tháng 12 năm 2016, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 36/2016/TT-BCT quy định dán nhãn năng lượng cho các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương.
Theo đó, hình thức của nhãn so sánh và nhãn xác nhận có sự thay đổi. Dưới đây là cách phân biệt nhãn năng lượng cũ theo Thông tư số 07/2012/TT-BCT ngày 04 tháng 4 năm 2012 và nhãn năng lượng mới theo Thông tư số 36/2016/TT-BCT ngày 28 tháng 12 năm 2016 quy định dán nhãn năng lượng cho các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương.
Cách phân biệt những thay đổi trên nhãn năng lượng mới so với nhãn năng lượng cũ. Ảnh: Bộ Công Thương
Liên quan đến hoạt động dán nhãn năng lượng cho phương tiện, thiết bị, Bộ Giao thông Vận tải cũng ban hành Thông tư 40/2017 hướng dẫn việc dán nhãn năng lượng với ôtô con loại từ trên 7 chỗ đến 9 chỗ.
Theo đó, các cơ sở sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và thực hiện việc bán, phân phối xe ra thị trường phải thực hiện đúng lộ trình theo quy định từ ngày 1/1/2018, ôtô từ trên 7 chỗ đến 9 chỗ được sản xuất, lắp ráp từ linh kiện rời, hoàn toàn mới; xe nhập khẩu chưa qua sử dụng phải được dán nhãn năng lượng trước khi đưa ra thị trường.
Thông tư này không bắt buộc áp dụng với các trường hợp sau: xe được sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu sử dụng trực tiếp vào mục đích quốc phòng, an ninh của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; xe tạm nhập tái xuất; xe quá cảnh, chuyển khẩu; xe của ngoại giao, lãnh sự; xe nhập khẩu đơn chiếc và không vì mục đích kinh doanh xe; xe nhập khẩu theo quy định riêng của Thủ tướng; xe sử dụng nhiên liệu không phải là xăng, điêzen, khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), khí tự nhiên (NG).
Theo Thông tư, nhãn năng lượng của xe được hiểu là nhãn cung cấp các thông tin liên quan đến loại nhiên liệu sử dụng, mức tiêu thụ nhiên liệu của xe giúp người tiêu dùng nhận biết và lựa chọn xe theo nhu cầu.
Nguồn VietQ