Ưu điểm của đồng phát nhiệt điện từ bã mía là không gây hiệu ứng nhà kính do sử dụng lò hơi công nghệ hiện đại; không ảnh hưởng đến môi trường do không sử dụng nhiên liệu hóa thạch, đồng thời không cạn kiệt như dầu mỏ hay nguy hiểm như điện hạt nhân.
Bên cạnh đó, quy trình sản xuất điện từ bã mía không quá phức tạp. Bã mía sau khi ép được đưa vào lò đốt sinh hơi, trải qua áp suất và nhiệt độ cao trước khi được sử dụng làm quay tuabin và máy phát sinh ra điện.
Theo thống kê, năm 2010, Việt Nam có tổng số 41 nhà máy đường, với khoảng 24 triệu tấn mía ép tạo ra 7,8 triệu tấn bã mía, khoảng 80% trong số đó được đốt để nạp vào nồi hơi phục vụ sản xuất điện và nhiệt điện.
Hiện nay cơ chế hỗ trợ mới cho giá điện sinh khối là 5,8 cent/kWh, kết hợp chi phí tránh được lên đến 7 - 9 cent/kWh, là cơ hội để mía đường Việt Nam mở rộng đầu tư vào đồng phát điện từ bã mía.
Với công nghệ hiện đại, mỗi tấn mía có thể Sản Xuất được 100 kWh điện; dự báo đến năm 2020 cả nước sẽ sản xuất khoảng 24 triệu tấn mía, tương đương 2.400 MW đồng nghĩa với việc ngành mía đường có thể đảm nhận khoảng 10% sản lượng điện quốc gia.
Việc xử lý lượng bã mía tồn đọng thông qua sản xuất điện và phát lên điện lưới quốc gia đã góp phần giải quyết các vấn đề môi trường, tạo điều kiện để các doanh nghiệp thu mua mía nguyên liệu của nông dân với giá tốt hơn, góp phần giảm giá thành sản xuất trước sức ép cạnh tranh ngày càng lớn.
Không nằm ngoài xu thế đó, một số doanh nghiệp mía đường tiêu biểu tại miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam bộ đã đẩy mạnh áp dụng các chính sách đầu tư đồng bộ nhằm tận dụng tối ưu nguồn năng lượng sạch từ bã mía.
Công ty CP Mía đường Nhiệt điện Gia Lai
Hiện nay nhà máy có công suất ép 6.000 tấn mía nguyên liệu/ngày, tương đương 1.200.000 tấn mía/năm. Trong vụ ép năm 2015, Công ty đã đầu tư 2,4 tỷ đồng để lắp đặt thêm 1 lò hơi cao áp 22,5 MW với công suất 150 tấn/giờ để đốt hết lượng bã thừa. Thành công của dự án không chỉ đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp mà còn góp phần nâng cao năng lực nguồn cho hệ thống, giải quyết tình trạng thiếu điện cục bộ tại địa phương, tạo thêm công việc ổn định cho người dân trên địa bàn tỉnh AyunPa và các vùng lân cận; đảm bảo nguồn năng lượng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn.
Công ty CP Đường Ninh Hòa
Công ty đang triển khai xây dựng nhà máy nhiệt điện sử dụng bã mía tại xã Ninh Xuân, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, công suất đạt 30 MW với tổng mức đầu tư trên 345 tỷ đồng. Đến nay, đã bán được cho EVN 5,56 triệu kWh với giá 603 đồng/kWh. Nhà máy có hệ thống lò hơi công suất 170 tấn hơi/giờ, áp suất 6,8 Mpa, một tua bin kiểu đối áp, máy phát điện công suất 30.000 Kw và các hệ thống thiết bị trọn bộ đi kèm; hệ thống đường dây 110 kV truyền tải dài 5km đấu nối với hệ thống điện lưới quốc gia.
Đây là dự án năng lượng tái tạo, sử dụng bã mía để sản xuất điện, giải quyết ô nhiễm môi trường và cung cấp điện lên lưới quốc gia chủ yếu vào mùa khô (từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau), đồng thời tăng doanh thu cho doanh nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động.
Công ty CP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh
Ngay từ khi xây dựng từ năm 1995, Công ty CP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh đã xác định xây dựng hệ thống phát điện từ bã mía thay vì xử lý thô như hầu hết nhà máy đường thời đó.
Từ khi đi vào hoạt động năm 1997 đến nay, cụm thiết bị lò hơi công suất 235 tấn hơi/giờ và hai tua bin phát điện tổng công suất 24.000 kW, là một trong những trung tâm đồng phát nhiệt điện hiện đại và lớn nhất Việt Nam.
Lượng điện bã mía của Công ty chủ yếu phục vụ Sản Xuất đường, phần còn lại được đưa lên lưới điện quốc gia của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), mỗi ngày đơn vị này bán cho EVN khoảng 360.000 kWh, cả vụ là 50.000.000 kWh, với giá bán điện cho EVN hiện tại là 5.8 cent/kWh.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, điện sản xuất từ bã mía là nguồn năng lượng tái tạo nhiều tiềm năng. Nguồn bã mía được sử dụng để phát điện vào mùa này sẽ đáp ứng đáng kể cho nhu cầu điện trong mùa khô, giảm áp lực cho các nhà máy thủy điện đang thiếu nước, đảm bảo tính an toàn và thuận lợi cho việc cấp điện tại khu vực nông thôn.
Việt Nam có tiềm năng to lớn về năng lượng tái tạo, phát triển năng lượng tái tạo góp phần giảm tiêu thụ than, dầu, khí đồng thời giảm phát thải khí nhà kính.
Vì thế, cần tăng cường đầu tư và hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo để bảo vệ môi trường, đảm bảo ngành năng lượng phát triển hiệu quả và bền vững theo định hướng chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), mỗi năm các nhà máy đường ép trên 15 triệu tấn mía, tương đương 4,5 triệu tấn bã mía. Nếu lượng bã này được sử dụng và khai thác hiệu quả để phát điện sẽ tạo ra lượng điện tương đương 1,2 – 1,4 tỷ kWh.
|
Theo nongnghiep.vn