Thứ Bẩy, 23/11/2024 04:32:31 GMT+7
Lượt xem: 3927

Tin đăng lúc 30-06-2017

Nhiều cơ hội phát triển thương mại biên giới qua các cửa khấu Cao Bằng

Với vị trí địa lý có 333 km đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, với 1 cửa khẩu Quốc tế và nhiều cửa khẩu chính là: Trà Lĩnh, Sóc Giang, Lý Vạn và một số lối mở biên giới như Nà Đoỏng, Nà Làng…, tỉnh Cao Bằng đã và đang tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai bên tăng cường trao đổi, giao thương xuất nhập khẩu hàng hóa.
Nhiều cơ hội phát triển thương mại biên giới qua các cửa khấu Cao Bằng
Kết nối thương nhân xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu Cao Bằng

Đầu năm 2014, tỉnh Cao Bằng được Chính phủ phê duyệt và quyết định thành lập Khu kinh tế tỉnh với diện tích trên 30.000 héc-ta bao gồm 37 xã, thị trấn biên giới và được bổ sung vào Quy hoạch 9 khu kinh tế trọng điểm cả nước được ưu tiên đầu tư giai đoạn 2016-2020, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Đây chính là những cơ hội phát triển thương mại biên giới qua các cửa khẩu Cao Bằng.

 

Đến nay, Khu kinh tế Cửa khẩu Trà Lĩnh đã bước đầu khởi sắc, hạ tầng đang được đầu tư xây dựng khang trang, từng bước hiện đại, mang dáng dấp của một cửa khẩu quốc tế. Khu kinh tế Cửa khẩu Trà Lĩnh đang thu hút nhiều nhà đầu tư vào xây dựng kho ngoại quan, bãi tập kết hàng hóa, kho đông lạnh… phục vụ kinh doanh các mặt hàng xuất nhập khẩu. Cặp cửa khẩu Trà Lĩnh (Việt Nam) - Long Bang (Trung Quốc) trong tương lai sẽ là tuyến giao thông đường bộ quốc tế từ các tỉnh Tây Nam - Trung Quốc qua Trà Lĩnh đi các nước ASEAN… Ngoài ra, tại các cặp cửa khẩu khác của tỉnh Cao Bằng, các ngành của tỉnh Cao Bằng đang vận dụng đầy đủ các cơ chế, chính sách ưu đãi về tài chính, thuế cho các doanh nghiệp để đẩy mạnh phát triển kinh tế cửa khẩu gắn với giữ vững chủ quyền lãnh thổ quốc gia, bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện đời sống của nhân dân. Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước, tăng cường công tác giải phóng mặt bằng, quản lý công khai quy hoạch đã được phê duyệt, tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở thiết yếu, như: đường giao thông, trung tâm thương mại - dịch vụ, nhà hàng - khách sạn… Ông Nguyễn Đặng - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cao Bằng cho biết: “Những năm gần đây, cơ sở hạ tầng khu kinh tế tỉnh Cao Bằng được đầu tư xây dựng, các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới với tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc phát triển tương đối nhanh, quy mô và địa bàn hoạt động mở rộng. Trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến đầu tư để thu hút nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đến tham gia đầu tư, kinh doanh tại khu vực cửa khẩu”.

 

 

Mô hình Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Trà Lĩnh(Việt Nam)- Long Bang (Trung Quốc).

 

Ông Hoàng Xuân Ánh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết: Tỉnh đã thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm khai thác những tiềm năng thế mạnh, đa dạng sinh học vùng có khí hậu ôn đới, thổ nhưỡng phì nhiêu thích hợp cho cây trồng như dược liệu, thảo quả hàng hóa và các cây ăn quả như: lê, quýt, thạch đen. Tỉnh cũng định hướng phát triển các sản phẩm du lịch với các di tích lịch sử nổi tiếng, như khu di tích Quốc gia đặc biệt Pắc Pó, khu rừng Trần Hưng Đạo, chiến thắng Đông Khê gắn liền với cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều danh lam thắng cảnh kỳ vĩ như: Thác Bản Giốc, Động Ngườm Ngao, chùa Phật tích Trúc Lâm, Hồ Thang Hen… sẽ thu hút nhiều du khách đến đây mua sắm, khiến thương mại ngày càng sôi động. Việc tổ chức phối hợp và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn sẽ tạo điều kiện cho tỉnh phát huy được những lợi thế này và góp phần vào việc thực hiện thành công 6 chương trình công tác trọng tâm của Tỉnh ủy về phát triển công tác đối ngoại, kinh tế cửa khẩu theo mục tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XVIII. Trên cơ sở đó, tỉnh đang nghiên cứu Đề án kết nối hệ thống giao thông với các tỉnh Tây và Tây Nam của Trung Quốc và Trà Lĩnh, Cao Bằng - thành phố Hải Phòng đi các nước ASEAN. Đặ biệt đầu năm nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý chủ trương đầu tư tuyến đường cao tốc từ Đồng Đăng, Lạng Sơn đến cửa khẩu Trà Lĩnh, Cao Bằng dài 144 km, trong giai đoạn 2016-2020, giao các bộ, ngành nghiên cứu xúc tiến triển khai thực hiện.

 

Theo ông Vị Hiện Cường - Phó Trưởng phòng Phòng Thương mại đối ngoại, Sở Thương vụ Quảng Tây thì năm 2016, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Quảng Tây. Trong vòng 18 năm, kim ngạch thương mại với Việt Nam đạt hơn 158 tỷ nhân dân tệ, tăng trưởng 3,5%, chiếm 86,8% so với kim ngạch của Quảng Tây với ASEAN. Thời gian tới, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc sẽ tăng cường cửa khẩu nhập khẩu hoa quả qua các cửa khẩu được chỉ định lên 7 cửa khẩu, đồng thời tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng cửa khẩu, trong đó có các khu cảng ngoại quan và nhiều chính sách khác để tạo thuận lợi cho hai nước xuất nhập khẩu hàng hóa. Ông Cường khẳng định: “Chúng tôi sẽ khai thông Khu xử lý giám sát để xóa bỏ ùn tắc tại cửa khẩu, hỗ trợ vốn cho nhập khẩu hoa quả, sẽ tăng thêm chủng loại hoa quả của Việt Nam như thanh long, nhãn, măng cụt vào danh mục hỗ trợ nhập khẩu của Khu tự trị dân tộc Choang. Năm 2016, Quảng Tây đã nhập khẩu 192 tấn hoa quả và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới”.

 

 

Khu giải quyết thủ tục thông quan của Cửa khẩu Quốc tế Trà Lĩnh- Cao Bằng

 

Theo Sở Công Thương tỉnh Cao Bằng, năm 2015, kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Cao Bằng sang thị trường Trung Quốc tăng 31% so với năm 2014, năm 2016 đã tăng 50% so với năm 2015. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là hàng nông lâm thủy sản, gồm hạt điều, gạo, tiêu, hạt dẻ, cao su, hoa quả, tôm cá các loại và cây nguyên liệu… chủ yếu là của các tỉnh ở miền Trung và miền Nam của nước ta xuất qua địa bàn tỉnh Cao Bằng. Việc coi trọng và phát triển thị trường Trung Quốc đối với các mặt hàng nông lâm thủy sản truyền thống của các doanh nghiệp là một lợi thế. Chính vì vậy với mục tiêu phát triển thương mại biên giới và thúc đẩy các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa với tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, tháng 5/2015, tỉnh Cao Bằng và thành phố Bách Sắc đã ký kết thỏa thuận khung về hợp tác xuất khẩu nông sản, hải sản và hoa quả của Việt Nam qua cửa khẩu Trà Lĩnh - Long Bang với mục tiêu nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam nói chung và tỉnh Cao Bằng nói riêng xuất khẩu sang Trung Quốc. Vì vậy, sắp tới, tỉnh sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá thông qua hoạt động xúc tiến thương mại, luân phiên tổ chức hội chợ biên giới tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai bên giao thương, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu. Hai bên cùng tổ chức nghiên cứu các mặt hàng nông lâm hải sản có thế mạnh của Việt Nam mà thị trường Trung Quốc có nhu cầu. Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch tìm hiểu nguồn hàng hóa chất lượng, số lượng, giá cả hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Hai bên tích cực hợp tác xuât nhập khẩu hoa quả tươi. Tiếp tục mở rộng mô hình hợp tác xuất nhập khẩu hoa quả tươi có thế mạnh và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu để tiêu thụ tại các thị trường ASEAN nói chung và thị trường nội địa hai nước nói riêng. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện bổ sung các cơ chế chính sách nhằm thu hút đầu tư, khuyến khích mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nâng cao giá trị xuất nhập khẩu, nhất là các mặt hàng nông lâm hải sản qua các cửa khẩu biên giới. Tăng cường trao đổi các biện pháp quản lý các hoạt động biên giới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trao đổi hàng hóa, chủ động trong kế hoạch kinh doanh xuất nhập khẩu. Hai bên phối hợp xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong hoạt động thương mại biên giới, đàm phán kéo dài thời gian mở cửa khẩu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa./.

 

Hoàng Xuân Lan


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang