Cụ thể, theo Cục Đầu tư nước ngoài (ĐTNN) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 20/8/2023, tổng vốn đăng ký của nhà ĐTNN tiếp tục duy trì mức tăng và tăng mạnh hơn so với 7 tháng. Cùng với đó, vốn thực hiện của các dự án ĐTNN cũng duy trì đà tăng so với cùng kỳ năm 2022. Theo lĩnh vực, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 13 tỷ USD, chiếm gần 67,8% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 14,7% so với cùng kỳ. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư hơn 1,76 tỷ USD, chiếm hơn 9,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Các ngành tài chính - ngân hàng; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ xếp thứ 3 và 4 với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt gần 1,54 tỷ USD (gấp gần 63,7 lần) và gần 800 triệu USD (tăng 28,9%). Còn lại là các ngành khác… Báo cáo Quý 3/2023 của Bộ Xây dựng cũng cho biết, nhu cầu thuê nhà xưởng KCN trong quý vẫn duy trì ổn định. Tại một số tỉnh có xuất hiện nhu cầu tăng nhẹ như Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Nam Định, Hải Phòng do ký kết hợp đồng với nhiều đối tác nước ngoài trong giai đoạn đầu năm 2023. Đáng chú ý, tỷ lệ lấp đầy tại các KCN hiện hữu trên địa bàn cả nước đạt khoảng 80% tại khu vực phía Bắc và trên 85% tại khu vực phía Nam.
Những con số trên cho thấy, tình hình đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp khá tích cực. Nó được biểu hiện rất sống động ở các địa phương cả phía Bắc và phía Nam, nhất là ở lĩnh vực CNHT. Ở lĩnh vực này, nhiều doanh nghiệp (DN) phụ trợ không chỉ tăng vốn đầu tư mà còn có nhiều đơn vị phụ trợ mới tiếp tục được thành lập.
Cụ thể, ngày 26/6/2023, TP Hải Phòng đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh tăng vốn cho Dự án nhà máy LG Innotek Hải Phòng giai đoạn 2023 - 2025 với số vốn 1 tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư của dự án lên hơn 2 tỷ USD. Dự án Nhà máy LG Innotek Hải Phòng (KCN Tràng Duệ) do Công ty Trách nhiệm hữu hạn LG Innotek Việt Nam Hải Phòng làm chủ đầu tư, được Ban Quản lý KKT Hải Phòng cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư năm 2016, chính thức đi vào hoạt động năm 2020. Dự án có tổng vốn đầu tư ban đầu hơn 1 tỷ USD, chuyên sản xuất các loại sản phẩm phụ trợ là linh kiện điện tử cho ngành công nghiệp ô tô, di động, module camera điện thoại...
Ông Lê Trung Kiên - Trưởng Ban Quản lý KKT Hải Phòng cho biết, 6 tháng đầu năm 2023, Hải Phòng là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Việc thu hút FDI cũng được chuyển mạnh từ chiều rộng sang chiều sâu, tập trung vào các dự án quy mô lớn, sản xuất sản phẩm phụ trợ công nghệ cao, sử dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, sản phẩm tạo ra có giá trị gia tăng cao, nằm trong chuỗi sản phẩm toàn cầu của các tập đoàn kinh tế lớn như LG (8,24 tỷ USD); Bridgestone - Nhật Bản (1, ,22 tỷ USD); Regina Miracle - Hồng Kông (1 tỷ USD)... Cùng với đó, tỷ trọng thu hút các dự án FDI trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, chế biến, chế tạo, cảng biển, logistics cũng càng ngày được nâng cao: Năm 2021 đạt 83,3%, năm 2022 đạt 81,8%, lũy kế đạt 73,3%. Trong đó, chế tạo ô tô, xe máy, máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng khác là 12,6 tỷ USD (34%); điện tử: 10,8 tỷ USD (30%)... Đây là những yếu tố quan trọng, tạo nên bước đệm để trong thời gian tới, chỉ số IIP được thúc đẩy và tăng trưởng đúng theo kế hoạch.
Tại Hưng Yên, theo thông tin từ Ban Quản lý các KCN tỉnh, 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh đã thu hút được hơn 360 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, trong đó 251 triệu USD đăng ký mới của 18 dự án trong các KCN và 99 triệu USD điều chỉnh tăng vốn của 19 dự án. Tính đến tháng 5/2023, trong các KCN trên địa bàn tỉnh có 520 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký trên 7,1 tỷ USD. Các dự án đầu tư nước ngoài tập trung vào một số lĩnh vực như linh kiện thiết bị điện, điện tử, tin học, điện thoại di động; sản xuất các sản phẩm từ thép, nhôm và các sản phẩm từ nhôm, gia công kim loại; linh kiện phụ tùng ô tô xe máy... Trong đó, nhiều dự án đang hoạt động có hiệu quả như các dự án của Công ty TNHH Toto Việt Nam (403 triệu USD, Công ty TNHH Kyocera Việt Nam (379 triệu USD); Công ty TNHH Mektec Manufacturing Việt Nam (300 triệu USD); Công ty TNHH Hoya Glassdisk(214 triệu USD); Công ty TNHH Điện tử Canon Việt Nam (128 triệu USD)...
Tại Quảng Ninh, nhiều dự án đầu tư ngành công nghiệp ô tô và phụ trợ được các tập đoàn lớn lên kế hoạch đặt tại địa bàn. Qua đó, 5 tháng đầu năm 2023, các KCN, KKT của Quảng Ninh (trừ KKT Vân Đồn) thu hút được hơn 500 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Riêng 4 dự án đầu tư vào lĩnh vực phụ trợ ngành công nghiệp ô tô chiếm đến 76% tổng vốn FDI thu hút được (384,3 triệu USD).
7 tháng đầu năm 2023, các DN CNHT ở nhiều tỉnh thành cả nước tiếp tục tăng vốn đầu tư, mở rộng sản xuất và chú trọng thúc đẩy sản xuất
Điển hình, dự án của Công ty TNHH Autoliv Việt Nam (Thụy Điển) tại KCN Sông Khoai có vốn đầu tư 154 triệu USD, sản xuất các sản phẩm an toàn cho ô tô và xe có động cơ khác để xuất khẩu. Cũng tại KCN Sông Khoai, còn có dự án của Công ty TNHH Samsong Vina (Hàn Quốc), vốn đầu tư gần 10,3 triệu USD, sản xuất sản phẩm phụ trợ dây đai an toàn dùng trong ngành công nghiệp ô tô và sản xuất chốt khóa bằng thép của dây đai an toàn. KCN Bắc Tiền Phong cũng thu hút được 2 dự án phụ trợ ngành công nghiệp ô tô. Trong đó, dự án của Boltun Việt Nam (Đài Loan) chuyên sản xuất khóa chốt và các sản phẩm dập định hình, có tổng vốn đầu tư 165 triệu USD, tổng công suất thiết kế 60.000 tấn sản phẩm/năm. Dự án còn lại là Nhà máy Sản xuất vành xe bằng hợp kim luyện nhẹ thông minh của Công ty TNHH Xiamen Sunrise Group, vốn đầu tư 55 triệu USD, chuyên sản xuất vành xe cho ô tô, công suất thiết kế 2,5 triệu sản phẩm/năm. Gần đây, đoàn lãnh đạo Công ty Mitsubishi Corporation cũng đã tới Quảng Ninh để nghiên cứu, tìm hiểu đầu tư ở một số lĩnh vực như công nghệ thông tin, năng lượng, đặc biệt là các nhà máy phụ trợ cho ngành công nghiệp sản xuất ô tô, xe máy…
Mới đây, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức lễ trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 2 dự án CNHT (nhà máy FECV Foxconn Quảng Ninh và Nhà máy FMMV Foxconn Quảng Ninh) của Công ty Foxconn Singapore PTE LTD tại KCN Sông Khoai (thị xã Quảng Yên), với tổng vốn đầu tư khoảng 250 triệu USD. Điều đáng nói, cả 2 dự án đều được cấp giấy chứng nhận đầu tư chỉ trong 12 giờ làm việc, kể từ thời điểm nhà đầu tư nộp hồ sơ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh (rút ngắn thời gian giải quyết 14 ngày làm việc so với quy định).
Tại phía Nam, nhiều DN CNHT tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An,… cũng tiếp tục tăng vốn đầu tư, tuyển dụng lao động, mở rộng sản xuất. Mới đây, ngày 26/6/2023, Tập đoàn Cicor (Thụy Sĩ) đã tăng vốn đầu tư xây dựng và khánh thành nhà máy CNHT trong KCN VSIP 1 (tỉnh Bình Dương) sản xuất các sản phẩm, bán thành phẩm điện tử, cơ điện để xuất khẩu; nâng tổng vốn đầu tư tại Bình Dương lên 15 triệu USD. Bên cạnh đó, đại diện Công ty TNHH Polytex Far Eastern Việt Nam (sản xuất sản phẩm phụ trợ xơ sợi tổng hợp các loại) tại KCN Bàu Bàng (Bình Dương) cũng cho biết, đã giải ngân hơn 1,37 tỷ USD và dự kiến trong quý III năm nay sẽ đầu tư thêm 250 triệu USD, vươn lên trở thành DN FDI lớn nhất tỉnh Bình Dương. Ngoài ra, tại Bình Dương, Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam (sản xuất dây dẫn điện ô tô...) vừa có công văn nhờ hỗ trợ tuyển thêm gần 800 lao động. Hay tại KCN Long Hậu (tỉnh Long An) ghi nhận nhu cầu cho thuê từ đầu năm 2023 đến nay tăng 10% - 15% so với năm trước. Trong đó, đa số là các DN hoạt động trong ngành chế biến chế tạo về lĩnh vực phụ trợ…. đến từ châu Âu, châu Mỹ và nội khối châu Á…
Có thể nói, bất chấp những khó khăn còn hiện hữu, nhiều DN CNHT trên cả nước, nhất là các DN FDI vẫn tiếp tục tăng vốn, tái cấu trúc và lên kế hoạch phát triển cho giai đoạn dài hơi hơn. Điều này không chỉ tạo cơ hội việc làm cho hàng ngàn lao động, mà còn đang chứng tỏ cơ chế, chính sách thúc đẩy, khuyến khích phát triển CNHT đang ngày một hiệu quả, được các nhà đầu tư khá quan tâm…/.
Hà Đăng