Từ thử nghiệm thành công và thương mại hóa
Cách đây không lâu, ngày 20/1/2016, ông Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF-46) tại Thụy Sỹ khẳng định rằng: “Nhân loại hiện đang bước vào cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 làm thay đổi cơ bản lối sống, phong cách làm việc và cách thức giao tiếp” của nhân loại.
WEF còn dự báo đến năm 2025, 21 sản phẩm công nghệ định hình tương lai thế giới, mới xuất hiện và phần lớn là ở Mỹ như: Sản phẩm siêu kết nối (nhờ ứng dụng IoT); phổ cập công nghệ mới (in 3D, AI, xe không người lái...); độ sâu và quy mô ứng dụng (chính phủ số, thành phố thông minh...). Tuy nhiên, điều “bất ngờ” đã xảy ra cả về quy mô, loại hình, tính chất và phạm vi... đều vượt so với dự báo trước đó.
Với phương tiện tự hành không người lái, trong dự báo trước đó, các chuyên gia thường nhấn mạnh đến máy bay và ô tô, thì nay phương tiện này đã xuất hiện phong phú hơn, không chỉ ở các nước phát triển như Mỹ, EU mà ngay ở cả các nước đang và chậm phát triển…
Còn với việc đưa vào ứng dụng phương tiện tự hành, thậm chí đã vượt tầm dự báo ở chỗ con người đã sử dụng thành công vào lĩnh vực quân sự, thậm chí tấn công vào một cơ sở lọc hóa dầu của Saudi Arabia, bỏ qua trận địa phòng không hiện đại do Mỹ cung cấp. Hiện cả Mỹ và Nga đều đẩy mạnh kế hoạch xây dựng “hạm đội không người lái”.
Công nghệ 5G cũng phát triển nhanh và sớm đi vào ứng dụng. Theo đó, Trung Quốc đã trở thành quốc gia dẫn đầu, vượt Mỹ khiến Waishton quan ngại và buộc phải “ra đòn” ngăn chặn sự bành trướng của Tập đoàn công nghệ Huawei. Việt Nam hiện cũng nằm trong TOP 5 quốc gia thử nghiệm thành công mạng 5G và sẽ thương mại hóa và năm nay, 2020.
Về công nghệ in 3D, cho đến nay đã có nhiều nước ứng dụng rộng rãi không chỉ trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm tiêu dùng có quy mô nhỏ, mà cả trong lĩnh vực có quy mô lớn như: sản xuất ô tô ở Mỹ, xây nhà ở Trung Quốc, Saudi Arabia... và thậm chí các lớp học phổ thông và học nghề ở Mỹ cũng đã tiếp cận công nghệ này.
Công nghệ tài chính, ngân hàng cũng có bước tiến vượt bậc và đã được ứng dụng ở nhiều nước. Việt Nam tuy là nước đi sau nhưng cũng đã vượt qua giai đoạn thử nghiệm và đang ứng dụng trong phần lớn các hoạt động dịch vụ tài chính, ngân hàng như: Fintech, Blockchan, Open API, Open Banking...
Với công nghệ thực tế ảo (VR), sự xuất hiện nhanh các phiên bản mới như: thực tế ảo tăng cường (AR), thực tế ảo tăng cường-hỗn hợp (MR), thực tế ảo kết nối chéo (XR)... đã tạo cơ cở, nền tảng cho hệ sinh thái số, giúp đẩy nhanh tốc độ và quá trình ảo hóa thế giới như là một tất yếu khách quan tạo nên thời đại mới - thời đại 4.0.
Về công nghệ AI, mới cách đây 4 năm người ta còn lo ngại về nguy cơ con người bị “nô lệ hóa” và tin rằng còn lâu nữa AI mới đạt cấp độ siêu trí tuệ (SI) và trí thông minh tổng quát (GI). Tuy nhiên, năm 2019, chuyên gia dự án AI DeepMind của Google cho biết, họ đã phát triển thuật toán từ nghiên cứu thần kinh học, giải mã được khâu kết nối não, tạo nên kỹ năng học hỏi từ quá khứ, khiến AI sẽ tiếp cận bộ não của con người trong tương lai gần.
Một trong những sự kiện nổi bật về AI đó là, robot mang tên Sophia được thiết kế để cử động giống con người và có trí thông minh nhân tạo lần đầu tiên ra mắt thế giới vào năm 2015 và trở thành công dân máy đầu tiên trên thế giới bởi sự công nhận của Saudi Arabia vào năm 2017.
Đến “cuộc chiến” giành ngôi vị dẫn đầu
Hồi cuối năm ngoái, Tổ chức Tortoise Intelligence công bố báo cáo “The Global AI Index”, nhằm xếp hạng các nước, vùng lãnh thổ trong lĩnh vực AI. Theo đó, Mỹ vẫn là nước dẫn đầu, tuy nhiên Trung Quốc lại là nước có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới và có thể vượt Mỹ trong khoảng 5-10 năm tới.
Theo giới nghiên cứu, công nghệ AI là một trong những công nghệ cốt lõi quyết định thời đại 4.0 tạo sự khác biệt căn bản so với các thời đại trước đó là, giải phóng hoàn toàn lao động của con người, bao gồm cả lao động trí óc và chân tay. Đồng thời, hình thành xu hướng “ảo hóa” toàn bộ thế giới mà con người đang sinh sống.
Vì thế, AI còn được giới khoa học Mỹ gọi là “bom nguyên tử” mới, dành cho nước nào có tham vọng chi phối cục diện kinh tế-chính trị toàn cầu, bởi AI chính là động lực cho sự phát triển mọi mặt của đời sống nhân loại trong tương lai gần.
Ngay từ năm 2017, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhận định rằng, AI là tương lai của toàn nhân loại. Ông nhấn mạnh: “Đây sẽ là cơ hội khổng lồ nhưng cũng là mối đe dọa khó lường. Ai làm chủ AI lĩnh vực này, đồng nghĩa sẽ trở thành bá chủ thế giới”.
Trong lĩnh vực chế tạo vũ khí tiên tiến, trong các năm 2013 - 2015, giới chuyên gia còn đánh giá khả năng nghiên cứu thử nghiệm của Nga và Mỹ là cân bằng (ngang tài, ngang sức). Tuy nhiên, với việc ứng dụng siêu phẩm AI và nhiên liệu mới, Nga đã tạo ra bước “đột phá” vượt Mỹ và Trung đoàn Tên lửa Siêu thanh đầu tiên trên thế giới đã đi vào trực chiến.
Theo giáo sư Allison (Mỹ), Trung Quốc đang thật sự là đối thủ đáng gờm của Mỹ, nhất là việc ứng dụng AI vào quốc phòng, an ninh, thương mại. Từ công nghệ nhận diện khuôn mặt, fintech, đến phương tiện bay không người lái, công nghệ 5G... Bắc Kinh không chỉ bắt kịp mà còn vượt Mỹ trong một số lĩnh vực và đến năm 2030 Trung Quốc có thể sẽ ở vị trí dẫn đầu thế giới về công nghệ này.
Được biết, năm 2018 Trung Quốc đã vượt qua Mỹ và Nhật Bản để trở thành quốc gia sở hữu số lượng bằng sáng chế về AI nhiều nhất thế giới. Chính phủ Trung Quốc còn cam kết đầu tư 22 tỉ USD dành riêng phát triển AI trong 10 năm tới. Ngày 6/11 Bắc Kinh còn cho biết, họ đã thành lập 2 nhóm để giám sát nghiên cứu và phát triển mạng 6G.
Nói về nguyên nhân Trung Quốc phát triển nhanh, giáo sư Allison cho rằng, “đơn giản là quyết tâm hơn để giành chiến thắng”. Vì thế, giới chuyên gia và dư luận lo ngại rằng, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tuy có phần hạ nhiệt, nhưng vẫn đang ẩn chứa những nguy cơ chuyển hóa thành chiến tranh công nghệ là có cơ sở./.
Theo VOV