Thứ Sáu, 22/11/2024 05:34:38 GMT+7
Lượt xem: 2715

Tin đăng lúc 27-09-2016

Nhức nhối phân bón giả - người dân khi nào mới hết lo?

Thực trạng sản xuất kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng diễn biến phức tạp nhưng thiếu kiểm soát đang gây bức xúc và thiệt hại lớn cho người dân.
Nhức nhối phân bón giả - người dân khi nào mới hết lo?
Nhiều loại phân bón giả làm thoái hóa đất canh tác, hủy hoại giống cây trồng gây thiệt hại lớn cho người nông dân. (Ảnh minh họa: KT)

Chia sẻ thông tin với báo chí ngày 26/9 tại cuộc họp báo trước Hội thảo “Lập lại thị trường phân bón Việt Nam và bảo vệ quyền lợi cho nông dân”, ông Phạm Ngọc Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) bức xúc cho biết, đã có nhiều chính sách được đưa ra, song vấn nạn phân bón giả vẫn vô cùng nhức nhối và công tác phát hiện, xử lý phân bón giả thời gian qua là không đáng kể.

 

Theo đánh giá của ông Hùng, chính sách về quản lý sản xuất và kinh doanh phân bón là không ít nhưng chưa đủ sức răn đe, sự phân công trách nhiệm của các bộ chưa rõ ràng.

 

“Trên thực tế, Bộ Công Thương được giao quản lý 90% phân bón vô cơ, còn Bộ NN&PTNNT được giao quản lý 10% phân hữu cơ và các loại phân bón khác, thế nhưng mỗi khi phát hiện một cơ sở sản xuất phân bón có dấu hiệu vi phạm thì cơ quan chức năng vẫn chưa biết quy trách nhiệm cho ai”, ông Hùng nêu thực tế.

 

Phó Chủ tịch VATAP cũng cho rằng, thời gian qua, nhiều vụ vi phạm về sản xuất và kinh doanh phân bón giả nổi cộm, gây thiệt hại lớn cho người nông dân nhưng việc xử lý hình sự vẫn chỉ là hãn hữu, chủ yếu chỉ là xử phạt hành chính. Mức xử phạt hành chính thấp, không đủ sức răng đe khiến nhiều doanh nghiệp cố tình vi phạm, chấp nhận nộp phạt để hoạt động phi pháp.

 

Ngoài ra theo ông Hùng, có hiện tượng bảo kê, thậm chí lợi ích nhóm trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh phân bón giả, cơ quan chức năng chưa làm hết trách nhiệm dẫn đến việc nhiều vụ sản xuất phân bón giả dù có được phát hiện nhưng đến khi tiến hành kiểm tra lại thiếu chứng cứ, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh đóng cửa, bỏ trốn…

 

Đồng tình với nhận định này, ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam lấy ví dụ, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 là đơn vị phát hiện, được các tổ chức liên ngành và các bộ tham gia, kiểm tra đã xác định Công ty CP Phân bón Thuận Phong (Đồng Nai) có 19/29 mẫu phân bón không phù hợp, Bộ Công Thương cũng có kết luận có 8 mẫu phân bón giả tại công ty này.

 

“Thế nhưng hơn 1 năm qua, khi vụ việc chưa được Thủ tướng kết luận thì tỉnh Đồng Nai đã cho dỡ niêm phong và chỉ xử lý hành chính đối với doanh nghiệp. Đây là việc làm coi thường tất cả các kết luận của cơ quan pháp lý, các bộ ngành chức năng nên đề nghị Chính phủ cần có chế tài nghiêm khắc về vụ việc này”, ông Thúy bức xúc cho biết.

 

Cho rằng có lợi ích nhóm, bảo kê của các lực lượng thi hành công vụ, tham gia tiếp tay cho gian thương…ông Thúy nhận định các thành phần này đang góp phần phá hoại Nghị định, Thông tư, bóp méo sự thật, bóp méo pháp luật, gây thiệt hại hàng chục triệu nông dân và nền nông nghiệp trong nhiều năm qua. 

 

Địa phương cùng quản lý và chịu trách nhiệm

 

Báo cáo của Cục quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho thấy, hàng năm đã tiến hành kiểm tra, xử phạt việc sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng, bình quân mỗi năm có gần 4.000 vụ vi phạm. Con số thống kê chưa đầy đủ của cơ quan này cho thấy, các năm qua có 63 công ty, tổ hợp sản xuất kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng bán ra trên 48 tỉnh thành.

 

Trong khi sản xuất tiêu thụ phân bón giả, kém chất lượng ngày càng tinh vi, phức tạp hơn không chỉ trong các cơ sở sản xuất phân bón, trong đại lý kinh doanh phân bón mà còn xảy ra cả trong các phòng kiểm nghiệm, kiểm định. 

 

Cụ thể là Thanh tra Bộ NN&PTNT đã báo cáo kết luận số 235 kiểm tra 11 Trung tâm khảo nghiệm, kiểm định thì 100% trung tâm đều vi phạm các Nghị định, Thông tư về quản lý khảo nghiệm phân bón. 11 trung tâm này đã cấp khống, cấp sai hàng chục nghìn mẫu phân bón cho hàng trăm doanh nghiệp.

 

Ông Thúy kiến nghị, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Nghị định 202 theo hướng UBND tỉnh thành, huyện, phường, xã phải có trách nhiệm quản lý tình hình sản xuất kinh doanh phân bón ngay tại địa bàn quản lý, nếu để tình trạng các tổ chức cá nhân làm phân bón giả, phân bón kém chất lượng trên địa bàn phải chịu trách nhiệm.

 

Cùng với đó, với việc quản lý phân bón còn chồng chéo giữa các bộ ngành, ông Thúy đề nghị chỉ nên giao cho một Bộ NN&PTNNT hoặc Bộ Công Thương quản lý lĩnh vực này. Đồng thời tăng mức xử phạt đối với các nhân, tổ chức, trung tâm kiểm nghiệm, kiểm định phân bón vi phạm. Xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức, lực lượng chức năng vì lợi ích nhóm có hành vi bao che, bảo kê, đồng lõa cho các cơ sở sản xuất và kinh doanh phân bón giả.

 

Có thể thấy rằng, đã có nhiều Nghị định, Thông tư được ban hành để quản lý mặt hàng phân bón, nhưng tình hình sản xuất phân bón giả, phân bón kém chất lượng vẫn đang tiềm ẩn bức xúc và thiệt hại lớn chưa giải quyết được.

 

Vì vậy, lo ngại vẫn còn hiện hữu khi cơ chế, chính sách quản lý phân bón chưa phù hợp, chế tài xử phạt chưa đủ mạnh và còn tình trạng bảo kê vì lợi ích nhóm… thì vấn nạn phân bón giả, kém chất lượng sẽ còn tiếp tục hoành hành, gây thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất cũng như thu nhập của người nông dân./.

 

Nguồn vov


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang