Điều kiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH
Có hiệu lực từ ngày 01/03/2017, Nghị định số 166/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định cụ thể về các điều kiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.
Theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực nêu trên phải có địa chỉ thư điện tử liên lạc ổn định và đăng ký với Bảo hiểm xã hội Việt Nam; có khả năng truy cập, sử dụng mạng Internet; có chứng thư số còn hiệu lực do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số cấp. Đặc biệt, trường hợp cá nhân chưa được cấp chứng thư số thì được sử dụng mã xác thực giao dịch điện tử do Bảo hiểm xã hội Việt Nam cấp.
Nghị định cũng chỉ rõ, cơ quan, tổ chức, cá nhân được nộp chứng từ bảo hiểm xã hội điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Bảo hiểm xã hội Việt Nam hoặc Tổ chức I-VAN 24 giờ trong ngày, 7 ngày trong tuần. Chứng từ bảo hiểm xã hội điện tử có giá trị pháp lý tương đương như hồ sơ, chứng từ, thông báo và các văn bản giấy theo quy định của pháp luật.
Chính phủ bảo lãnh tối đa 70% tổng mức đầu tư dự án
Nghị định số 04/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức bảo lãnh Chính phủ đối với trị giá gốc của khoản vay, khoản phát hành trái phiếu cho chương trình, dự án đầu tư không vượt quá 70% tổng mức đầu tư của chương trình, dự án.
Riêng với dự án được Quốc hội, Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư hoặc dự án thuộc diện phải triển khai cấp bách, mức bảo lãnh là trị giá gốc của khoản vay, khoản phát hành trái phiếu tối đa 70% tổng mức đầu tư theo Quyết định đầu tư. Đối với dự án nhóm A có tổng mức đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên, mức bảo lãnh tối đa 60% tổng mức đầu tư. Đối với các dự án khác, mức bảo lãnh tối đa 50% tổng mức đầu tư.
Để được cấp bảo lãnh Chính phủ, người vay phải đáp ứng các điều kiện như: Là doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, thành lập hợp pháp tại Việt Nam, thời gian hoạt động ít nhất 03 năm; Dự án đầu tư vay vốn được Chính phủ bảo lãnh phải có tỷ lệ vốn chủ sở hữu tham gia dự án tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư trong cơ cấu vốn của dự án; Doanh nghiệp phải có tình hình tài chính lành mạnh, không có lỗ lũy kế…
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/03/2017.
Trẻ đủ 15 tuổi được mở tài khoản, không cần có tài sản riêng
Nếu như trước đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự mở tài khoản thanh toán phải có tài sản riêng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ; thì từ ngày 01/03/2017, đối tượng này được phép mở tài khoản thanh toán mà không cần phải có tài sản riêng. Đây là nội dung được nêu tại Thông tư số 32/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước.
Cũng theo Thông tư, khách hàng là hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân, có tài khoản thanh toán mở trước ngày 01/03/2017 phải thực hiện chuyển đổi sang hình thức tài khoản thanh toán của cá nhân hoặc tài khoản thanh toán chung hoặc đóng tài khoản; hoàn thành chậm nhất ngày 01/03/2018. Sau thời điểm này, tài khoản thanh toán của khách hàng chưa hoàn thành chuyển đổi sẽ bị đóng.
Ngoài ra, cũng từ ngày 01/03/2017, chủ tài khoản thanh toán của tổ chức chính là tổ chức mở tài khoản, thay vì là người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền của tổ chức mở tài khoản như quy định cũ. Người đại diện của tổ chức mở tài khoản thanh toán chỉ có quyền thay mặt tổ chức đó thực hiện các giao dịch liên quan đến tài khoản thanh toán trong phạm vi đại diện.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/03/2017.
Tối thiểu 50km đường cao tốc có 1 trạm cấp cứu
Trên nguyên tắc bảo đảm người bị tai nạn giao thông phải được cấp cứu nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, Bộ Y tế yêu cầu tối thiểu 50km đường bộ cao tốc phải có một trạm cấp cứu; trạm cấp cứu được tổ chức lồng ghép với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có sẵn trên tuyến đường cao tốc đi qua như: Trạm y tế xã/phường; Trung tâm y tế quận/huyện có chức năng khám, chữa bệnh; Trung tâm cấp cứu 115; Bệnh viện Nhà nước và bệnh viện tư nhân.
Các cơ sở y tế tiếp nhận người bị tai nạn giao thông phải tổ chức kịp thời sơ cứu, cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh cho người bị tai nạn. Trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn, phải chuyển người bệnh đến cơ sở y tế có khả năng chuyên môn phù hợp để điều trị; tuy nhiên vẫn phải sơ cứu, cấp cứu, chăm sóc người bệnh cho đến khi được chuyển đi.
Đặc biệt, sau khi sơ cứu, cấp cứu người bị tai nạn giao thông, cơ sở y tế mới được thực hiện thu phí vận chuyển người bệnh, phí sơ cứu, cấp cứu theo giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, nếu như người bệnh không có thẻ bảo hiểm y tế.
Nội dung trên được nêu tại Thông tư số 49/2016/TT-BYT của Bộ Y tế, có hiệu lực từ 01/03/2017.
Bảo hiểm cho NLĐ trên công trường tối thiểu 100 triệu đồng/người
Theo Thông tư số 329/2016/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/03/2017 của Bộ Tài chính, nhà thầu thi công xây dựng phải mua bảo hiểm bắt buộc cho người lao động thi công trên công trường trước khi người lao động thực hiện công việc. Số tiền bảo hiểm tối thiểu trong trường hợp này là 100 triệu đồng/người/vụ.
Khi người lao động bị thương tật, chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phát sinh do thực hiện công việc thi công trên công trường, doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện trách nhiệm bồi thường cho nhà thầu thi công xây dựng những khoản tiền mà nhà thầu đã bồi thường cho người lao động.
Thời hạn bảo hiểm đối với người lao động thi công trên công trường bắt đầu kể từ ngày thực hiện công việc thi công trên công trường đến hết thời gian bảo hành công trình theo quy định pháp luật. Việc xác định thời hạn bảo hiểm cụ thể căn cứ vào hợp đồng lao động và văn bản xác nhận của nhà thầu thi công xây dựng về thời gian người lao động làm việc thực tế trên công trường.
Cấm sử dụng chất tạo nạc Cysteamine trong thức ăn chăn nuôi
Chất Cysteamine đã chính thức được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào Danh mục hóa chất, kháng sinh cấm nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Việt Nam, theo Thông tư số 01/2017/TT-BNNPTNT.
Cysteamine là một hợp chất hóa học thường được sử dụng dưới dạng muối hydrochloride; có tác dụng kích thích tăng trọng liên quan tới hoóc môn tăng trưởng, tăng tạo nạc đối với vật nuôi. Việc sử dụng cysteamine để tăng trọng và tạo nạc vật nuôi dẫn đến sự gia tăng đột biến các hoóc môn tăng trưởng, kéo theo sự gia tăng và tồn dư IGF-1 trong cơ thể. Nhiều nghiên cứu cho thấy, chất IGF-1 tồn dư trong sữa có thể gây nguy cơ ung thư vú, ung thư đại tràng và tuyến tiền liệt ở người...
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/03/2017.
Từ 3/3, thời gian cấp sổ đỏ chỉ còn 15 ngày
Tại Nghị định số 01/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 03/03/2017, Chính phủ quy định rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng của tổ chức đầu tư xây dựng còn tối đa 15 ngày thay vì 30 ngày như trước đây.
Tương tự, giảm từ tối đa 20 ngày xuống còn 15 ngày với thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất khi thay đổi tài sản gắn liền với đất; tách thửa, hợp thửa đất, thủ tục đăng ký đất đai đối với trường hợp được Nhà nước giao đất để quản lý. Giảm từ tối đa 15 ngày xuống còn 10 ngày với thủ tục đăng ký biến động do đổi tên người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc thay đổi về hình dạng, kích thước, diện tích, số hiệu, địa chỉ thửa đất hoặc thay đổi về nghĩa vụ tài chính…
Một nội dung mới khác của Nghị định này là cho phép UBND cấp tỉnh được quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với từng loại đất cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.
Quy định về không tính tiền chậm nộp thuế
Thêm một trường hợp mới không phải nộp tiền chậm nộp thuế đã được Bộ Tài chính ban hành tại Thông tư số 06/2017/TT-BTC, có hiệu lực từ ngày 06/03/2017.
Cụ thể, Thông tư quy định trường hợp người nộp thuế cung ứng hàng hóa, dịch vụ được thanh toán bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước nhưng chưa được thanh toán nên không nộp thuế đúng thời hạn, dẫn đến nợ thuế thì không bị áp dụng biện pháp cưỡng chế thuế và không phải nộp tiền chậm nộp thuế tính trên số tiền thuế còn nợ, nhưng không vượt quá số tiền ngân sách Nhà nước chưa thanh toán.
Cơ quan thuế có trách nhiệm giám sát việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế, nếu phát hiện người nộp thuế đã được đơn vị sử dụng vốn ngân sách Nhà nước thanh toán nhưng không nộp kịp thời tiền thuế nợ vào ngân sách Nhà nước thì ban hành thông báo tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp.
Thí điểm cho người Việt chơi casino
Đây là nội dung mới, đáng chú ý tại Nghị định số 03/2017/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh casino. Theo đó, từ thời điểm Nghị định này có hiệu lực - tức 15/03/2017, sẽ thí điểm cho phép người Việt Nam được vào chơi tại điểm kinh doanh casino thực hiện tại dự án đầu tư khu dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino.
Thời gian thực hiện thí điểm là 03 năm, kể từ ngày doanh nghiệp kinh doanh casino đầu tiên được phép thí điểm. Sau 03 năm thí điểm, Chính phủ sẽ xem xét, quyết định việc tiếp tục cho phép hoặc chấm dứt cho phép người Việt chơi casino.
Người Việt Nam được phép vào chơi tại điểm kinh doanh casino phải đủ 21 tuổi trở lên và có đầy đủ năng lực hành vi dân sự; Có đủ năng lực tài chính để tham gia chơi, trong đó phải chứng minh được có thu nhập thường xuyên từ 10 triệu đồng/tháng hoặc thuộc diện chịu thuế từ bậc 3 trở lên; Phải mua vé tham gia chơi với mức vé 01 triệu đồng/24 giờ liên tục/người hoặc 25 triệu đồng/tháng/người; Không thuộc đối tượng bị người thân trong gia đình đề nghị doanh nghiệp kinh doanh casino không cho phép chơi. Đồng thời, người Việt Nam được phép vào chơi chỉ được sử dụng tiền đồng Việt Nam để đổi đồng tiền quy ước và được đổi đồng tiền quy ước ra đồng Việt Nam nếu trúng thưởng hoặc chơi không hết.
Cá nhân được vay tiêu dùng tối đa 100 triệu đồng
Từ ngày 15/03/2017, cá nhân sẽ được vay tối đa 100 triệu đồng tại các công ty tài chính để thực hiện các mục đích tiêu dùng như: Mua phương tiện đi lại, đồ dùng, trang thiết bị gia đình; chi trả chi phí học tập, chữa bệnh, du lịch, văn hóa, thể dục thể thao; chi trả chi phí sữa chữa nhà ở. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng với trường hợp vay để mua ô tô và sử dụng chính ô tô đó làm tài sản bảo đảm cho khoản vay.
Khách hàng vay phải đảm bảo sử dụng vốn vay đúng mục đích, hoàn trả nợ gốc và lãi tiền vay đúng thời hạn đã thỏa thuận với công ty tài chính.
Lãi suất cho vay tiêu dùng thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng; Công ty tài chính ban hành quy định về khung lãi suất cho vay tiêu dùng áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống trong từng thời kỳ, trong đó có mức lãi suất cho vay cao nhất, thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay tiêu dùng.
Nội dung trên được quy định tại Thông tư số 43/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; có hiệu lực từ ngày 15/03/2017.
Không được vay ngân hàng để mua vàng miếng
Từ ngày 15/3/2017, hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng sẽ được áp dụng theo quy định của Thông tư 39/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Trong đó quy định, tổ chức tín dụng có quyền tự chủ trong hoạt động cho vay và tự chịu trách nhiệm về quyết định cho vay của mình. Tuy nhiên, tổ chức tín dụng không được cho vay đối với các nhu cầu vay vốn như: Để mua vàng miếng; Để thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; Để thanh toán các chi phí, đáp ứng các nhu cầu tài chính của các giao dịch, hành vi mà pháp luật cấm; Để trả nợ khoản nợ vay tài chính mà tổ chức tín dụng cho vay, trừ trường hợp cho vay để thanh toán lãi tiền vay phát sinh trong quá trình thi công xây dựng công trình; Để trả nợ khoản nợ vay tại tổ chức tín dụng khác…
Cũng theo Thông tư này, tổ chức tín dụng và khách hàng được thỏa thuận về lãi suất cho vay, mà không có mức trần lãi suất cho vay cụ thể như trước đây. Với trường hợp vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam, tổ chức tín dụng và khách hàng cũng được thỏa thuận về lãi suất nhưng không vượt quá lãi suất cho vay tối đa do Ngân hàng Nhà nước quyết định trong từng thời kỳ.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/03/2017.
Báo điện tử phải lưu giữ nguyên trạng tin, bài 1 năm
Tại Nghị định số 08/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 30/03/2017, Chính phủ yêu cầu báo nói, báo hình phải được lưu giữ nguyên trạng bằng phương thức điện tử tối thiểu là 06 tháng, kể từ ngày phát sóng lần đầu; đối với báo điện tử, thời gian lưu giữ nguyên trạng tối thiểu là 12 tháng, kể từ ngày đăng tải lần đầu.
Tác phẩm báo chí được lưu giữ để sử dụng phục vụ công tác quản lý Nhà nước về báo chí, như: Đánh giá, nhận xét về nội dung thông tin theo chuyên đề, sự kiện; phục vụ cho các cuộc kiểm tra, thanh tra chuyên ngành thường xuyên và đột xuất theo yêu cầu. Đồng thời, tác phẩm báo chí cũng được lưu giữ để làm căn cứ xử lý trong trường hợp tác phẩm có nội dung sai phạm.
Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan thực hiện lưu giữ tác phẩm báo nói, báo hình, báo điện tử bằng phương thức điện tử. Các cơ quan báo chí ngoài việc cung cấp tín hiệu truyền dẫn, quyền truy xuất dữ liệu đối các tác phẩm báo chí, còn phải đảm bảo tính thống nhất, chính xác giữa nội dung tác phẩm đăng, phát với nội dung tác phẩm được lưu giữ.
Người phát ngôn phải công khai SĐT, email
Từ ngày 30/03/2017, việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính Nhà nước được thực hiện theo Nghị định số 09/2017/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo đó, người thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Tổng cục thuộc bộ; UBND cấp tỉnh là người đứng đầu cơ quan đó hoặc là người được người đứng đầu giao nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí hoặc là người được ủy quyền. Tại UBND cấp huyện và cấp xã, người thực hiện phát ngôn là Chủ tịch UBND huyện hoặc xã; trường hợp Chủ tịch không thể thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thì ủy quyền cho cấp phó của mình thực hiện.
Các thông tin về họ tên, chức vụ, số điện thoại và địa chỉ email của người phát ngôn sẽ được công bố bằng văn bản cho cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí và được đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan hành chính Nhà nước.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 30/03/2017.
Chính thức cho thí điểm cá cược bóng đá quốc tế
Lần đầu tiên, Chính phủ cho phép 01 doanh nghiệp được tổ chức thí điểm kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế. Thời gian thí điểm là 05 năm, kể từ ngày doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế. Nội dung này được nêu tại Nghị định số 06/2017/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 31/03/2017.
Doanh nghiệp tổ chức thí điểm kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế phải đáp ứng các điều kiện: Vốn điều lệ tối thiểu 1.000 tỷ đồng hoặc tương đương; Phương án đầu tư hệ thống công nghệ, thiết bị kỹ thuật, phần mềm kinh doanh bảo đảm hiện đại, đồng bộ, có thể dễ dàng nâng cấp, vận hành chính xác, an toàn, ổn định; Phương án kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế khả thi, phương thức phân phối vé đặt cược, địa bàn phát hành vé đặt cược phù hợp quy định…
Về giới hạn mức tham gia đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế, Nghị định quy định mức đặt cược tối thiểu cho 01 lần đặt cược là 10.000 đồng; mức đặt cược tối đa mỗi người chơi trong 01 ngày cho từng sản phẩm đặt cược tại 01 doanh nghiệp kinh doanh đặt cược là 01 triệu đồng. Để được tham gia đặt cược, người chơi phải đủ 21 tuổi trở lên; có đầy đủ năng lực hành vi dân sự; không bị người thân trong gia đình có đơn đề nghị doanh nghiệp kinh doanh đặt cược không cho tham gia đặt cược…
Doanh nghiệp kinh doanh đặt cược chỉ được phép quảng cáo bằng bảng, biển hiệu trong phạm vi trụ sở chính của doanh nghiệp, trường đua, điểm bán vé đặt cước cố định nhưng đảm bảo người bên ngoài không nghe được, không nhìn thấy được nội dung. Đồng thời, doanh nghiệp không được phép khuyến mại cho người chơi dưới bất kỳ hình thức nào.
Nguồn Doanhnghiepvn