Việc đầu tiên trong công cuộc tham gia cách mạng công nghiệp 4.0 đó là PVN cùng các thành viên thực hiện tốt việc chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh. Ví dụ như triển khai hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP), nâng cấp phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng sử dụng robot vào vận hành sản xuất…
Đồng thời, PVN cũng lựa chọn một hoặc một số dự án trọng tâm áp dụng công nghiệp 4.0, nhằm tận dụng các cơ hội mang lại, theo kịp xu thế phát triển, giảm nguy cơ tụt hậu về công nghệ; áp dụng công nghiệp 4.0 trong chiến lược nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ, chiến lược đào tạo và phát triển nguồn nhân lực…
Trong khi đó, ở các đơn vị thành viên, mỗi đơn vị cũng tích cực vận dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh. Nổi bật trong đó là Vietsovpetro rất tích cực đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, sáng kiến, sáng chế để xây dựng một nền tảng vững vàng không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất và quản trị nội bộ mà còn cung cấp nhiều dịch vụ uy tín, chất lượng ra bên ngoài.
Ngoài Vietsovpetro, Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS) cũng là một điểm sáng về ứng dụng công nghệ tiên tiến trong xử lý công việc.
Thời gian qua, PV GAS đã trang bị nhiều hệ thống thiết bị như hệ thống điều khiển giám sát và thu thập dữ liệu, hỗ trợ vận hành giám sát và điều khiển từ xa (SCADA); hệ thống đóng ngắt khẩn cấp/dừng an toàn (SSD) được sử dụng để điều khiển các thiết bị bảo vệ thông qua các công tắc bảo vệ hoặc tín hiệu từ hệ thống phát hiện lửa và khí; sử dụng phần mềm quản lý tính toàn vẹn đường ống (PIMS) để quản lý các thông tin liên quan đến hệ thống đường ống giúp phân tích, đánh giá các kết quả khảo sát bên trong, bên ngoài đường ống, giúp nhận diện hiện trạng của đường ống hiện tại và đánh giá rủi ro, dự báo các nguy cơ cho đường ống trong tương lai…
Nhờ đó mà trong những năm qua PV GAS đã hoạt động rất hiệu quả, liên tục hoàn thành vượt mức kế hoạch, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực quốc gia.
Đại diện của PV GAS cho biết, từ nền tảng hạ tầng công nghệ hiện tại, cả ban lãnh đạo và người lao động PV GAS đã nỗ lực sáng kiến, cải tiến để tối ưu hóa hiệu quả, năng suất cũng như đảm bảo độ bền bỉ của thiết bị.
Song song với việc cải tiến, PV GAS cũng tích cực đầu tư nghiên cứu ứng dụng robot vào nhiều hoạt động sản xuất, bảo dưỡng thiết bị trong các hoạt động vận hành, bảo dưỡng sửa chữa…
Có thể nói, với những chỉ đạo sát sao, quyết liệt của tập thể lãnh đạo cùng quyết tâm của người lao động PVN, trong thời gian tới PVN có thể ứng dụng công nghiệp 4.0 như một công cụ hỗ trợ hiệu quả nhất trong sự phát triển của ngành dầu khí.
“PVN khuyến khích các doanh nghiệp thành viên chủ động, tích cực nâng cao năng lực thích ứng với công nghiệp 4.0, đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu, chuẩn hóa mã vật tư, thiết bị trong toàn ngành để cài đặt trên hệ thống thông tin của Tập đoàn. Ví dụ như PVN đã thực hiện số hóa hệ thống sản xuất thông qua việc lắp đặt cảm biến thông minh để giám sát quá trình sản xuất, tiết kiệm chi phí, thời gian và nhân lực, từ đó nâng hiệu suất công việc mà vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Một số đơn vị thành viên của PVN nổi bật trong công tác nghiên cứu, chuẩn bị ứng dụng các thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0: Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí, Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP, Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro, Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tổng Công ty Dầu Việt Nam, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí, Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau, Viện Dầu khí Việt Nam…”
Phó Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng
Song hành cùng những thành công trong việc ứng dụng công nghiệp 4.0 vào quản lý, điều hành, sản xuất của PVN, không thể không kể tới những đóng góp của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) với việc thiết lập một nhóm nghiên cứu, với Ban Công nghệ thông tin làm nòng cốt. Nhiệm vụ của lực lượng này là theo dõi và cập nhật các cơ hội phát triển và ứng dụng công nghệ số, từ đó tư vấn triển khai lộ trình chuyển đổi số, ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 cho cả Tập đoàn. |
Nguồn Lao động