Lực lượng chủ chốt
Năm 2021 là năm thứ 2 tiếp tục ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng với sự chỉ đạo sâu sát của T.Ư và TP, kinh tế Thủ đô vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng dương (2,92%). Hà Nội là một trong những tỉnh, thành đầu tiên áp dụng thành công dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 trong lĩnh vực đăng ký DN, dẫn đầu cả nước với tỷ lệ 100% hồ sơ đăng ký DN qua mạng. Trong năm 2021, TP Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN cho khoảng 25.000 DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 346.000 tỷ đồng.
Điều đáng trân trọng là, trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng, nhiều DN, doanh nhân không chỉ chủ động có những giải pháp linh hoạt tự thích ứng, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất kinh doanh, mà còn có nhiều hoạt động hỗ trợ người dân, cộng đồng, đóng góp lớn vào Quỹ Vaccine phòng, chống Covid-19 và ủng hộ vật tư, trang thiết bị y tế cho các địa phương, thể hiện tinh thần trách nhiệm, nghĩa cử cao đẹp của DN, doanh nhân với Thủ đô và đất nước.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về số lượng, các DN và doanh nhân đã thể hiện vai trò và đóng góp quan trọng thúc đẩy sự chuyển mình và cất cánh của nền kinh tế TP. Ước tính, hiện nay khu vực DN đóng góp trên 66% GDP, 83% tổng số lao động xã hội, 97% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Thủ đô. Các DN, doanh nhân có mặt ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, hoạt động không chỉ trong nước mà còn mở rộng ra nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt xuất hiện một lực lượng doanh nhân trẻ, năng động, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, khởi nghiệp thành công các mô hình kinh doanh mới, sáng tạo.
Chính quyền TP luôn quan tâm và chia sẻ với cộng đồng DN, thể hiện bằng việc tổ chức các hội nghị, đối thoại, gặp mặt để tháo gỡ khó khăn đối với DN trong nước và nước ngoài. Đồng thời, Hà Nội đã và đang tập trung triển khai Kế hoạch số 246/KH-UBND ngày 1/11/2021 về phục hồi và phát triển kinh tế trong đó tập trung thực hiện các giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt trong lĩnh thuế, hải quan, quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đất đai... theo hướng nhanh nhất cho các DN; tập trung xây dựng và hoàn thiện đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn; phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, công nghệ cao, tạo điều kiện đáp ứng nhu cầu mặt bằng sản xuất cho các DN.
Các giải pháp đồng bộ
Từ thực tế như vậy, để DN có thể phục hồi sản xuất kinh doanh, đảm bảo đời sống cho người lao động, cũng như bứt phá trong năm 2022, bên cạnh nỗ lực của cộng đồng DN trong việc linh hoạt, chủ động trước những đòi hỏi thực tế của xu thế phát triển, cơ quan quản lý cũng cần tiếp tục tạo những chuyển biến tích cực.
Thứ nhất, chủ động tổ chức các chương trình hội nghị đối thoại (off line và online), tổ chức khảo sát, nắm bắt, ghi nhận, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc và đề xuất của DN qua đó đề xuất cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đánh giá thực chất kết quả xử lý các kiến nghị của cộng đồng DN.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các kế hoạch, chương trình công tác về hỗ trợ DN năm 2021 và giai đoạn đến năm 2025. Đẩy nhanh các gói đầu tư công, ưu đãi dành các dự án phù hợp với năng lực của các DN nhỏ và vừa, các DN khởi nghiệp, các DN làng nghề.
Thứ ba, tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ DN thành lập mới và tích hợp các dịch vụ tiện ích trong quy trình thực hiện các TTHC về đăng ký kinh doanh nhằm giúp DN đặc biệt trong các lĩnh vực đăng ký DN, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, các TTHC thuộc các ngành như: quy hoạch, xây dựng, đất đai, TN&MT, y tế...
Thứ tư, các sở, ngành TP Hà Nội triển khai đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ của đề án, chương trình, kế hoạch hỗ trợ DN thuộc các lĩnh vực sở, ngành quản lý.
Thứ năm, chủ động xây dựng và thực thi hiệu quả các phương án phòng, chống dịch bệnh, sẵn sàng đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra; TP tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp, hỗ trợ, đồng hành cùng DN để kịp thời tháo gỡ khó khăn trong giai đoạn dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.
Thứ sáu, tiếp tục quán triệt quan điểm chỉ đạo về “xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”. Đồng thời, tiếp tục thực hiện nghiên cứu các nhiệm vụ giải pháp, chương trình hành động, tạo sự chuyển biến trong việc nâng cao vai trò DN, doanh nhân trong toàn TP, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Với thông điệp “Doanh nghiệp - động lực phát triển kinh tế của đất nước”, trong những năm qua, Hà Nội đã chứng kiến cộng đồng DN phát triển hùng hậu cả về số lượng và chất lượng với hơn 300.000 DN, hơn 1.400 hợp tác xã và khoảng 177.000 hộ kinh doanh đang hoạt động. |
Theo Kinhtedothi.vn