Vận hành NMLD Dung Quất an toàn, ổn định, liên tục ở công suất tối ưu
Nếu lấy công suất của phân xưởng CDU làm căn cứ công suất toàn Nhà máy thì phân xưởng này đã và đang hoạt động tối ưu nhất. Năm 2021, công suất trung bình của CDU là 100%, thì đến năm 2022 đạt 108%. Nửa đầu năm 2023, phân xưởng CDU hoạt động ở công suất 110%, tức NMLD Dung Quất hoạt động ở 110% công suất. Với công suất trên, 6 tháng đầu năm 2023, Nhà máy đã sản xuất trên 3,56 triệu tấn sản phẩm, tương đương 113% kế hoạch trong kỳ.
Đối với các phân xưởng khác của Nhà máy, BSR đã nghiên cứu nâng công suất phân xưởng khác lên mức khá cao như KTU lên đến 130% so với thiết kế, giúp Nhà máy sản xuất thêm khoảng trên 1 triệu thùng nhiên liệu Jet A-1/năm. Trong tháng 6/2023, BSR vừa hoàn thành thử nghiệm thành công tăng thêm công suất KTU từ 130% lên 135%. Cụm phân xưởng tạo xăng NHT cũng được nâng công suất lên đến 135%, CCR lên đến 110%, ISOM lên đến 150% so với thiết kế, giúp tăng sản lượng xăng Mogas 92/95 của Nhà máy. Thử nghiệm vận hành phân xưởng RFCC tại các mức công suất cao (105%) và thấp (70%) giúp Nhà máy duy trì hoạt động liên tục, linh hoạt trong thời gian dài khi thị trường chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19. Cũng tại phân xưởng RFCC, BSR đã tối ưu xúc tác tiêu thụ tại phân xưởng này xuống dưới 9 tấn/ngày trong điều kiện phù hợp (mode tối đa ADO).
Song song với công tác đảm bảo vận hành an toàn Nhà máy, việc cải tiến công tác quản trị, kiểm soát rủi ro cũng được Khối Sản xuất liên tục triển khai, trong đó cải tiến quy trình nhận diện và đánh giá rủi ro để đảm bảo khả năng “nhận diện từ sớm, xử lý từ xa” tất cả các yếu tố kỹ thuật phát sinh trong quá trình vận hành; xây dựng hồ sơ quản lý rủi ro cho các hạng mục có mối nguy ảnh hưởng đến an toàn, gián đoạn vận hành của Nhà máy; chuẩn bị đủ nguồn lực sẵn sàng xử lý mọi mối nguy trong thời gian ngắn nhất.
Bên cạnh đó, công tác thi đua “Đảm bảo vận hành an toàn, ổn định và hiệu quả” luôn được phát động sâu rộng trong toàn bộ Khối Sản xuất đã đem lại những kết quả rất đáng khích lệ. Ông Cao Tuấn Sĩ - Phó Giám đốc Nhà máy kiêm Trưởng ban VHSX BSR, nhấn mạnh: “Mỗi cá nhân trong Khối Sản xuất luôn xác định rõ vai trò, trách nhiệm trong việc làm chủ công nghệ sản xuất, trau dồi các kỹ năng vận hành, xử lý sự cố, cũng như kỹ năng quản lý và ý thức kỷ luật lao động trong việc tuân thủ các quy trình vận hành. Tất cả những điều đó đã giúp NMLD Dung Quất được vận hành tuyệt đối an toàn, ổn định và hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch sản xuất kinh doanh của BSR trong các năm qua”.
Công tác kiểm tra thiết bị và bảo dưỡng sửa chữa thường xuyên là "tấm khiên" bảo vệ cho vận hành an toàn thiết bị, giúp toàn Nhà máy luôn trạng thái sẵn sàng nhất. Hiện NMLD Dung Quất đang áp dụng hệ thống giám sát ăn mòn theo công nghệ SmartCET.
Mục tiêu ưu tiên hàng đầu nhằm đảm bảo an toàn vận hành cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất là đảm bảo độ tin cậy thiết bị. Trong 3 năm qua, công tác kiểm tra toàn diện thiết bị đã được triển khai sâu rộng với 6.896 thiết bị và đường ống trên tổng số 7030 điểm, thiết bị cần kiểm tra. Trong số các điểm, thiết bị cần kiểm tra, đã hoàn thành 100% đối tượng kiểm tra ăn mòn dưới lớp bảo ôn (CUI). Đã phát hiện và triển khai sửa chữa cho nhiều vị trí thiết bị bị ăn mòn nặng để đảm bảo tính toàn vẹn cơ khí. Nhân sự của BSR tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ các điểm còn rủi ro cao.
Công tác đánh giá nâng cao độ tin cậy cũng được đặc biệt chú trọng, đảm bảo mức độ sẵn sàng hoạt động của thiết bị trong nhà máy đạt đến 95,6%. Đây là tỉ lệ ngang với nhóm các nhà máy tiên tiến trên thế giới. Trong đó, BSR đã áp dụng 100 giải pháp để cải tiến, nâng cao độ tin cậy thiết bị trong Nhà máy.
Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và tiết giảm năng lượng
BSR đã ghi dấu ấn đặc biệt trong công tác tối ưu hóa công nghệ, tiết kiệm năng lượng, đa dạng hóa nguồn dầu thô, phát triển sản phẩm mới. Về nguyên liệu, từ năm 2020 đến nay, BSR đã đánh giá và bổ sung 19 loại dầu thô mới vào rổ dầu của Nhà máy, nâng tổng số dầu thô có thể chế biến lên con số 83. BSR cũng chế biến thử nghiệm thành công 10 loại dầu thô mới, trong đó có 8 loại dầu thô nước ngoài và 2 loại dầu thô trong nước. Đồng thời, đã nhập 2 loại nguyên liệu mới Residue, VGO qua Jetty và SPM để chế biến thành công tại Phân xưởng RFCC. Việc đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đã giúp BSR tiếp cận nguồn nguyên liệu thay thế, phối trộn với dầu thô Bạch Hổ và các loại dầu tương đương, đồng thời mở ra nhiều cơ hội mua được các loại dầu có giá rẻ hơn dầu thô trong nước.
BSR đẩy mạnh xuất bán các sản phẩm mà thị trường có nhu cầu cao, giá cả tốt
Bên cạnh việc đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào, BSR cũng rất chú trọng đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt các sản phẩm mà thị trường đang có nhu cầu, giá cao. BSR đã phát triển thêm 6 loại sản phẩm nhiên liệu và 5 loại sản phẩm hoá dầu. Cụ thể, 3 loại nhiên liệu đặc chủng dành cho quốc phòng (Jet A-1K, dầu DO L-62, xăng RON 83); 1 loại dầu T-LCO dùng làm nguyên liệu hóa dầu; 1 chủng loại Mixed C4 làm nguyên liệu hóa dầu/sản xuất xăng Alkylate (đã xuất bán thử nghiệm lô đầu tiên). 5 loại hóa dầu, đó là hạt nhựa PP mới: T3045, T3050, I3085, I3150, BOPP F3030.
Theo thiết kế ban đầu của NMLD Dung Quất thì cấu tử Mixed C4 được dùng để phối trộn sản phẩm xăng và LPG. Nhận thấy cơ hội gia tăng giá trị và đa dạng hóa sản phẩm cho Công ty, từ năm 2019, BSR đã tiến hành nghiên cứu đánh giá và sản xuất thử nghiệm thành công sản phẩm Mixed C4. BSR đã xuất bán thành công 2.000 tấn sản phẩm mới Mixed C4 cho Công ty Marubeni tại cảng xuất sản phẩm của NMLD Dung Quất, sản phẩm chứa 4 loại hợp chất Butene (Iso buten, 1-buten, cis-buten-2, trans-buten-2) dùng cho mục đích sản xuất hóa dầu, hóa chất hoặc sản xuất xăng Alkylate có chất lượng và giá trị cao.
Thành công của BSR trong việc phát triển sản phẩm mới MixC4 có giá trị và hiệu quả kinh tế cao, chất lượng tốt, tiếp cận được với thị trường ngách sẽ giúp Công ty gia tăng lợi nhuận. Đây cũng là dấu mốc quan trọng góp phần vào chiến lược đa dạng hóa sản phẩm của BSR, khẳng định sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên gia, kỹ sư của BSR trong quá trình làm chủ công nghệ, phát triển sản phẩm mới tại NMLD Dung Quất.
Ông Lê Hải Tuấn - Trưởng ban NCPT BSR cho biết: BSR đã nhận diện được các khó khăn, cũng như tận dụng các cơ hội để duy trì sản xuất ổn định và phát triển bền vững trong tương lai. BSR đã và đang xây dựng các đề án, chương trình nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ dài hạn; thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ, làm việc với các nhà cung cấp bản quyền công nghệ, các đơn vị tư vấn để nghiên cứu, tối ưu hóa công nghệ, nâng cấp chất lượng, đa dạng hóa nguyên liệu, phát triển thêm các sản phẩm mới nhằm nâng cao hiệu quả của Công ty trong các năm qua, đặc biệt là năm 2021 và 2022 – là hai năm phục hồi sau đại dịch Covid-19.
BSR cũng đẩy mạnh công tác tiết kiệm năng lượng với nhiều giải pháp kỹ thuật giúp cải thiện rõ rệt hiệu quả sử dụng năng lượng trong toàn Nhà máy. Cụ thể, chỉ số cường độ tiêu thụ năng lượng - Energy Intensive Index (EII), đặc trưng cho hiệu quả sử dụng năng lượng của Nhà máy, giảm đáng kể từ mức 111% trong năm 2016 xuống mức 104% -106% trong các năm 2020 - 2023. Theo báo cáo đánh giá của Tổ chức Solomon năm 2018, giảm được 1% chỉ số EII tương đương tiết kiệm được khoảng 2,6 triệu USD/năm.
Đức Chính