Giai đoạn 2017-2022 là giai đoạn PVN phải đối mặt với nhiều khó khăn trước tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, giá dầu giảm sâu cùng những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khiến thị trường bị "đóng băng", nguồn cung bị đứt gãy,... ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Song, tinh thần luôn tìm tòi, sáng tạo của người lao động dầu khí đã giúp đơn vị từng bước vượt khó và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đề ra.
Là một trong những đơn vị tiên phong trong phong trào thi đua lao động sáng tạo ngành dầu khí, 5 năm qua, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) có hàng trăm sáng kiến, đề tài đăng ký, trong đó có 137 sáng kiến được công nhận cấp cơ sở và được áp dụng vào thực tế với giá trị làm lợi cho doanh nghiệp hơn 1.335 tỷ đồng. Kỹ sư điện Trần Quang Thường (Ban Bảo dưỡng sửa chữa BSR), đại diện nhóm tác giả sáng kiến "Chế tạo bộ cấp nguồn 110VDC, 25A phục vụ công tác bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị" cho biết, trong quá khứ, công việc kiểm tra, thí nghiệm, xử lý sự cố các thiết bị có cấp điện áp 110VDC tại xưởng hoặc tại trạm điện luôn gặp khó khăn do không có thiết bị cấp nguồn chuyên dụng 110VDC. Xuất phát từ thực tế công việc, nhóm tác giả đã nghiên cứu và chế tạo thành công bộ cấp nguồn 110VDC đáp ứng các tiêu chí công suất lớn, bảo đảm thí nghiệm cho các máy cắt và contactor, dễ sử dụng, trọng lượng gọn nhẹ, dễ dàng di chuyển xử lý các công việc trong và ngoài xưởng,... Từ giữa năm 2020, bộ nguồn được chế tạo với chất lượng bảo đảm, sử dụng trong nhiều mục đích nhằm cấp nguồn cho các thiết bị 110VDC. Với bộ nguồn mới này, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất tiết kiệm chi phí mua mới thiết bị ước tính 200 triệu đồng. Thiết bị sẽ giúp công việc kiểm tra thí nghiệm, xử lý các sự cố liên quan Relay, máy cắt trong TA4 nhanh chóng hơn. Kỹ sư sẽ dễ dàng sửa chữa và áp dụng để xây dựng các bộ nguồn 110VDC có công suất tương đương hoặc lớn hơn. Phó Trưởng ban Bảo dưỡng sửa chữa BSR Ngô Hữu Chiến khẳng định: Hệ thống điện trong Nhà máy Lọc dầu Dung Quất rất phức tạp, công việc bảo dưỡng, sửa chữa đòi hỏi người kỹ sư phải có chuyên môn cao, lành nghề và đam mê công việc. Với tinh thần luôn tìm tòi, sáng tạo, đội ngũ công nhân, kỹ sư của hệ thống điện đã phát huy nhiều sáng kiến, sáng chế giúp cho hệ thống điện trong nhà máy hoạt động an toàn, ổn định, qua đó hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Kỹ sư công nghệ Trần Công Nhật, công tác tại Biển Ðông POC cho biết, dự án Biển Ðông 1 là dự án trọng điểm của ngành dầu khí Việt Nam, với điều kiện đặc biệt phức tạp, nước sâu-cận sâu (128-145m nước), xa bờ,... Ðây cũng là dự án có quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam, với tổng khối lượng kết cấu lên tới hơn 70 nghìn tấn, đòi hỏi các tiêu chuẩn hết sức ngặt nghèo về kỹ thuật-công nghệ. Từ những khó khăn, thách thức đó, kỹ sư, người lao động tại dự án đã nghiên cứu và áp dụng những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nhằm bảo đảm duy trì ổn định nguồn cung khí quan trọng của đất nước. Trong 5 năm qua, Biển Ðông POC đã có 40 sáng kiến được áp dụng với tổng giá trị làm lợi hơn 1.400 tỷ đồng, đặc biệt sáng kiến "Tối ưu chi phí quản lý sự toàn vẹn đường ống ngầm bằng nghiên cứu mô phỏng kết hợp thực hiện và kiểm định trên cơ sở rủi ro và kiểm tra không phá hủy nâng cao" đã làm lợi cho đơn vị 756 tỷ đồng,...
Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam Nghiêm Thùy Lan cho biết, giai đoạn 2017-2022, toàn PVN có 2.805 đề tài, sáng kiến được công nhận áp dụng vào thực tiễn trong các lĩnh vực khoan, thăm dò khai thác dầu khí; chế biến dầu khí; nhiệt điện và cơ khí chế tạo,... với tổng giá trị làm lợi hơn 707.701 tỷ đồng. Trong đó, có 108 đề tài, sáng kiến, giải pháp được công nhận cấp Tập đoàn, 12 công trình đoạt giải thưởng khoa học công nghệ dầu khí và giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (Vifotec); giải thưởng WIPO đạt gần 10 giải thưởng/năm; 4 sản phẩm được vinh danh "Tự hào trí tuệ lao động Việt Nam" để tôn vinh cũng như quảng bá thế mạnh của ngành dầu khí. Các công trình này đã mang lại hiệu quả hàng trăm triệu USD và tạo ra các công trình khoa học công nghệ, sản phẩm có thế mạnh cạnh tranh với các nước trên thế giới. Tiêu biểu trong phong trào thi đua lao động sáng tạo là các đơn vị: VSP, PVCFC, BSR, PVGAS, PVFCCo, PTSC, PVEP, PVD,... Cụ thể, VSP có 524 sáng kiến, sáng chế, trong đó có 202 sáng kiến không tính được thành tiền và 322 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật có hiệu quả kinh tế, làm lợi cho doanh nghiệp hơn 53.411 tỷ đồng; PVGAS có 406 sáng kiến được công nhận và áp dụng vào thực tế với giá trị làm lợi hơn 2.756 tỷ đồng,...
Bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào lao động sáng tạo phát triển chưa đều, chưa rộng, mới chỉ tập trung ở những đơn vị có môi trường thuận lợi, đơn vị có sự quan tâm của lãnh đạo. Công tác tuyên truyền vận động của tổ chức công đoàn ở một số đơn vị chưa thường xuyên, nhiều nơi thiếu sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy đảng, sự phối hợp với các cơ quan chức năng và các đoàn thể khác. Công tác quản lý, theo dõi sáng kiến ở một số đơn vị chưa chặt chẽ, chưa phát huy tốt và nhân rộng điển hình, những mô hình mới,... Do đó, cần tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, lãnh đạo đơn vị đối với phong trào thi đua lao động sáng tạo, coi đây là nhiệm vụ lãnh đạo trọng tâm, thường xuyên của cấp ủy đảng, nhất là cấp ủy cơ sở; đẩy mạnh phối hợp công tác của lãnh đạo đơn vị và các tổ chức công đoàn trong công tác tuyên truyền vận động cán bộ, công nhân lao động nhận thức rõ vai trò, giá trị to lớn của phong trào thi đua sáng tạo đối với việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Tập đoàn. "Khi xây dựng nội dung, mục tiêu, chỉ tiêu thi đua cần sát với nhiệm vụ từng giai đoạn, từng thời kỳ, sát thực với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, cụ thể hóa các nội dung thi đua thành các tiêu chí, chỉ tiêu thi đua phù hợp. Khi đã phát động phong trào thi đua phải theo dõi, giám sát, kiểm tra đôn đốc, tạo điều kiện để cán bộ, công nhân lao động phát huy ý tưởng sáng tạo của mình cũng như áp dụng vào thực tiễn đời sống, nhằm nâng cao hiệu quả công việc,...", Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam Nghiêm Thùy Lan nhấn mạnh.
Theo báo Nhân dân