Hàng hóa Việt tại siêu thị chiếm 60-96%
Khảo sát tại một số siêu thị trên địa bàn Hà Nội như Co.opmart, Vinmart, BRG/HaproMart… cho thấy, hàng Việt đang chiếm tỷ lệ áp đảo với khoảng 90% đến 95%. Còn tại hệ thống siêu thị của doanh nghiệp nước ngoài như AEON, Mega Market, Big C, hàng Việt Nam cũng chiếm tỷ lệ từ 60% đến 96%. Tại kênh phân phối là các chợ, các cửa hàng tiện lợi, tỷ lệ hàng Việt Nam cũng từ 60% trở lên.
Có thể nói, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã dần làm thay đổi nhận thức, tâm lý và quyết định lựa chọn của các doanh nghiệp cung ứng, cũng như người tiêu dùng về hàng xuất xứ trong nước. Hàng Việt chiếm được niềm tin của khách hàng do có nguồn gốc, nhãn hiệu rõ ràng, chất lượng bảo đảm, nhiều loại hàng hóa gắn tem truy xuất để người tiêu dùng dễ tìm hiểu về sản phẩm.
Theo đánh giá từ các doanh nghiệp bán lẻ, người tiêu dùng đã kỹ tính hơn trong việc lựa chọn sản phẩm tiêu dùng, ngoài kiểu dáng, độ bền, còn đặc biệt quan tâm đến sự an toàn đối với sức khỏe, nhất là trong thời điểm dịch bệnh lan rộng. Nắm bắt tâm lý này, các doanh nghiệp sản xuất trong nước đã nhanh chóng đưa ra thị trường nhiều mặt hàng có giá thành vừa phải, bảo đảm chất lượng, tiện ích..., từ đó giúp cho hàng Việt tăng sức cạnh tranh với các hàng nhập ngoại, người tiêu dùng tin tưởng, chọn lựa các mặt hàng xuất xứ Việt Nam thay cho hàng ngoại. “Nhiều sản phẩm hàng nhập khẩu chất lượng không hơn hàng Việt trong khi giá bán thường cao do phải chịu thêm thuế nhập khẩu, chi phí vận chuyển… Vì thế người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn hàng trong nước nhiều hơn”, chị Nguyễn Thanh Thủy, trú tại ngõ 310 Âu Cơ (quận Tây Hồ) chia sẻ.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, sau 12 năm triển khai thực hiện, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đạt được những kết quả quan trọng, phát huy được lòng yêu nước, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam, thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển.
Đáng lưu ý, giai đoạn 2014-2020 thông qua Cổng thông tin “Tự hào hàng Việt Nam”, Bộ Công Thương đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tuyên truyền, quảng bá hàng Việt, ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động sản xuất, kinh doanh; mở rộng thị trường thông qua các kênh phân phối hiện đại kết hợp với thanh toán điện tử và giao vận hiện đại; ứng dụng phần mềm để quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường, kênh phân phối.
Năm 2020, chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia” bắt đầu được triển khai thực hiện trên các sàn thương mại điện tử (Voso, Sendo, Tiki) đã được công bố và đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp. Từ tháng 12-2020 đến nay, Bộ Công Thương cùng các sàn thương mại điện tử đã tổ chức hàng chục chương trình kết nối thương mại điện tử hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất Việt ở các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Sơn La, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Tiền Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Nai...
Hỗ trợ phát triển thị trường nội địa
Hàng nghìn lượt doanh nghiệp đã tiếp cận chương trình cũng như được lựa chọn các sản phẩm hàng Việt tổ chức phân phối thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia” và trên các sàn thương mại điện tử. Đây là chương trình được chuẩn bị từ cuối 2019 và đẩy mạnh trong 2021 theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho lưu thông hàng hóa và thúc đẩy tiêu thụ nông sản do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Có thể nhìn thấy “Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia” như là một “Siêu thị hàng Việt Nam” trên các sàn thương mại điện tử được bảo trợ bởi Bộ Công Thương, sự hỗ trợ đồng hành của các sở, ngành địa phương đẩy mạnh tiêu dùng hàng Việt, nông sản Việt, tổ chức phân phối trên khắp mọi miền đất nước thông qua thương mại điện tử.
Vừa qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các sàn thương mại điện tử (Voso, Sendo, Tiki, Lazada, Shopee, Postmart) tổ chức rất thành công các chương trình hỗ trợ tiêu thụ nông sản Việt trên các sàn thương mại điện tử như “Ngày đặc sản Sơn La”, “Ngày hội xứ Dừa - Đặc sản Bến Tre”, “Chương trình đặc sản vải thiều Hải Dương”, “Gian hàng vải thiều Bắc Giang trên các sàn thương mại điện tử” hay gần đây nhất là “Phiên chợ nông sản Việt”. Thông qua các chương trình này, hàng nghìn tấn nông sản (chủ yếu là vải thiều Bắc Giang đợt vừa rồi) đã được hỗ trợ tiêu thụ thông qua kênh thương mại điện tử mà Bộ Công Thương đang triển khai.
Trên thực tế, Cuộc vận động đã được Ban Bí thư xác định là một trong những giải pháp cần thiết, quan trọng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cuộc vận động là một chủ trương đúng đắn, có ý nghĩa sâu sắc, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm nhu cầu tiêu dùng, an sinh xã hội và sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong thời gian qua. Thị phần tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ do người Việt Nam sản xuất được nâng lên, hỗ trợ tích cực phát triển thị trường nội địa theo hướng bền vững.
Theo Hanoimoi.com.vn