Với lợi thế về kinh tế biển, năng lượng tái tạo đã tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thu hút nhiều nhà đầu tư. Trong 6 tháng đầu năm 2020, với nguồn vốn lớn đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, GRDP của Ninh Thuận đạt 8.967 tỷ đồng, tăng 8,46% so với cùng kỳ năm 2019; thu ngân sách nhà nước đạt 1.770 tỷ đồng.
Tính đến tháng 6/2020, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có 34 dự án điện mặt trời (tổng công suất 2.376,85 MW) và 13 dự án điện gió (678,95 MW) được cấp quyết định chủ trương đầu tư, trong đó đã hòa điện lưới quốc gia 25 dự án với tổng công suất 1.556,55 MW. Tổng vốn đầu tư vào năng lượng tái tạo là trên 88.782 tỷ đồng.
Một số dự án quy mô lớn đang được đẩy nhanh tiến độ hoàn thành trong năm 2020, như: Dự án Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam (450 MW) kết hợp trạm biến áp 220/500 kV và đường dây 500 kV, 220 kV tại xã Phước Minh (huyện Thuận Nam), với tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng, lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Dự án này sẽ góp phần quan trọng trong việc giải tỏa công suất các nhà máy năng lượng tái tạo tại khu vực Ninh Thuận và Bình Thuận, bổ sung hơn 1 tỷ kWh điện mỗi năm vào hệ thống điện quốc gia.
Nhằm tận dụng cơ hội khai thác nguồn năng lượng tái tạo và hướng đến mục tiêu đưa Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo, UBND tỉnh đã có những kế hoạch dài hơi. Theo đó, tỉnh đã chủ động xây dựng trình phê duyệt Quy hoạch Phát triển điện lực tỉnh giai đoạn 2016 - 2025, có xét đến 2035; Quy hoạch Phát triển điện mặt trời Ninh Thuận giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến 2030, với quy mô 10.476 MW.
Tỉnh cũng đã kiến nghị và được Chính phủ ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP về cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh. Trong đó, cho phép Ninh Thuận được hưởng cơ chế giá điện ưu đãi 9,35 Uscent/Kwh với công suất 2.000 MW đến hết năm 2020, phát triển thủy điện tích năng Bác Ái (công suất 1.200 MW), Trung tâm Điện khí Cà Ná (quy mô 1.500 MW), gắn với xây dựng cảng nước sâu Cà Ná với quy mô tiếp nhận tàu có trọng tải đến 300.000 tấn…
Đặc biệt, mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định Ninh Thuận phát triển kinh tế dựa vào 6 nhóm ngành trụ cột, trong đó năng lượng là trụ cột đầu tiên…
Để tạo bước đột phá, phát triển nhanh, bền vững, được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Ninh Thuận là tỉnh đầu tiên trong cả nước thuê Tập đoàn Monitor của Mỹ lập Quy hoạch Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến 2030. Đồng thời, thuê Tập đoàn Arup của Anh lập Đồ án Quy hoạch Phát triển thành phố Phan Rang - Tháp Chàm và quy hoạch dải ven biển của tỉnh.
Theo ông Trương Xuân Vỹ - Phó giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Ninh Thuận cho biết: “Các dự án điện gió, điện mặt trời được đầu tư xây dựng đã giúp tỉnh Ninh Thuận phát triển nhanh chóng. Những địa phương khó khăn vì nắng hạn ngày trước thì bây giờ lại có nhiều dự án năng lượng tái tạo, qua đó tạo việc làm và nâng cao đời sống của người dân. Với việc thu hút nguồn vốn đầu tư lớn, chủ trương xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước đang từng bước được hình thành”.
Bảo Kiên