Từ trong thua lỗ, nợ nần
Nhà máy sản xuất phân bón Diamoni Photphat (DAP) của Công ty CP DAP Vinachem Hải Phòng có tổng mức đầu tư là 172,385 triệu USD. Tháng 4-2009, Công ty CP DAP Vinachem Hải Phòng đã sản xuất thành công tấn phân bón DAP đầu tiên và bắt đầu đi vào sản xuất thương mại từ năm 2010. Sau 5 năm hoạt động tương đối ổn định, từ năm 2016, Công ty CP DAP- Vinachem đã phát sinh lỗ gần 470 tỷ đồng. Và Nhà máy sản xuất phân bón DAP Hải Phòng được xếp vào danh sách đen trong số 12 doanh nghiệp thua lỗ, yếu kém của ngành công thương.
Phó Tổng Giám đốc phụ trách Công ty CP DAP Vinachem Hải Phòng Vũ Văn Bằng chia sẻ, từ năm 2016 là khoảng thời gian cực kỳ gian khó đối với công ty nói riêng và các đơn vị sản xuất phân bón trong nước nói chung. Khi đó, thị trường dư cung do lượng phân bón nhập khẩu từ nước ngoài (chủ yếu từ Trung Quốc) tràn ngập thị trường. Cùng với đó, sản xuất phân bón trong nước bị mất lợi thế cạnh tranh với phân bón nhập khẩu do tác động của Luật Thuế số 71/2014/QH13 về thuế VAT. Trong khi đó, giá DAP trên thị trường giảm từ mức 455 - 480 USD/tấn đầu năm 2015, xuống còn 278 - 290 USD/tấn vào cuối năm 2016, mức giảm tới 44%. Mặt khác, do nằm trong “danh sách đen” nên doanh nghiệp cũng gặp khó trong quan hệ với khách hàng, nhất là với ngân hàng trong vay vốn lưu động để sản xuất….
Khó khăn chồng chất, cuối năm 2016, giá bán sản phẩm DAP của công ty giảm tới 26,4% so với đầu năm 2015. Cùng với đó là tiêu thụ lại càng khó khăn, do các đại lý không tích trữ như trước bởi giá trên thị trường vẫn tiếp tục sụt giảm. Riêng năm 2016, công ty đã phải tiết giảm sản xuất xuống còn 38% công suất thiết kế… Doanh nghiệp rơi vào tình trạng càng sản xuất càng lỗ, mà đóng cửa nhà máy không sản xuất thì còn tệ hại hơn. Lao động không có việc làm, các chi phí vẫn phải thanh toán, lãi vốn vẫn phải thanh toán… Khi đó, Chính phủ đã phải thành lập riêng một Ban chỉ đạo xử lý tồn tại của 12 dự án yếu kém do Phó Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo.
Nỗ lực vươn lên
Trước tình hình đó, với sự chỉ đạo tích cực từ Chính phủ, Bộ Công thương, đội ngũ cán bộ, công nhân viên công ty đã quyết tâm duy trì sản xuất, giữ cho sự tồn tại của sản phẩm DAP Hải Phòng trên thị trường nhưng với giá thành cạnh tranh hơn.
Công ty đã thực hiện phương án tái cấu trúc lại hoạt động sản xuất kinh doanh với việc nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, công ty thực hiện phương án quản trị chi phí sản xuất và giá bán sản phẩm, xác định chi phí biến đổi, chi phí cố định của từng tháng, từng quý làm cơ sở xác định thống nhất chi phí, giá thành, giá bán và linh hoạt trong điều hành hoạt động. Thậm chí các giải pháp quản trị có tính cực đoan như: cắt giảm tối đa mọi chi phí, kể cả chi phí bán hàng, chi phí tiền lương tại thời điểm đó…. để giảm giá thành sản phẩm. Ngay trong quý I/2017, sản lượng phân bón DAP sản xuất hơn 61,6 nghìn tấn, bằng 73% công suất toàn nhà máy; sản lượng tiêu thụ 65,3 nghìn tấn, giảm được 3,7 nghìn tấn hàng tồn kho.
Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành và hơn cả là những nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ cán bộ, công nhân viên công ty, trong bốn năm liên tiếp từ năm 2017 đến nay, Công ty CP DAP – Vinachem không chỉ duy trì hoạt động ổn định mà hoạt động sản xuất kinh doanh đã bảo đảm có lãi, nộp đầy đủ ngân sách... Và từ năm 2018, công ty đã khẳng định được hiệu quả đầu tư của dự án với việc hoàn trả xong toàn bộ cả gốc và lãi vốn vay gần hai nghìn tỷ đồng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).
Cùng với sản xuất, kinh doanh ổn định và phát triển, công ty tập trung đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Vừa thực hiện quản lý, lưu trữ bãi thải thạch cao (gyps) theo quy định được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt, công ty vừa tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn bãi thải, đẩy mạnh xử lý và tiêu thụ thạch cao. Trong hai năm 2019-2020, công ty dành hơn 18 tỷ đồng để quy hoạch lại bãi chứa và bọc phủ màng HDPE tách nước mưa trên bề mặt hai phân khu bãi chứa lâu dài, trồng thêm cây xanh lên các bậc thang của bãi chứa, nhằm cải thiện cảnh quan...
Hướng tới phát triển bền vững
Khi sản xuất kinh doanh đang có những tín hiệu tích cực trở lại thì những tác động mạnh của dịch bệnh Covid-19 trong những tháng đầu năm 2020, lại một lần nữa thách thức hoạt động của doanh nghiệp. Nhiều thời điểm công ty buộc phải ngừng sản xuất, sản phẩm không tiêu thụ được do yêu cầu giãn cách xã hội. Nhất là từ tháng 4 đến tháng 7, sản lượng tiêu thụ sản phẩm trong nước chỉ bằng 50% sản lượng tiêu thụ bình quân các tháng không chịu tác động bởi dịch bệnh. Trong bối cảnh thị trường trong nước dư cung, công ty đã chủ động đẩy mạnh xuất khẩu. Sản lượng tiêu thụ của công ty đã tăng trưởng mạnh trở lại, góp phần tạo ra lợi nhuận tốt trong các tháng cuối năm. Ước cả năm 2020, công ty sản xuất hơn 205 nghìn tấn DAP, bằng 103,46% so với năm 2019, sản lượng tiêu thụ đạt 231 nghìn tấn, tăng 28,87% so với năm 1019. Trong đó, lượng DAP xuất khẩu đạt hơn 101 nghìn tấn, gấp hơn sáu lần so với năm trước. Nhờ vậy, tổng doanh thu cũng tăng 13,7% và lợi nhuận tăng hơn 90% so với năm 2019.
Và tin vui đối với cán bộ, công nhân viên và người lao động tại công ty, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém một số dự án chậm tiến độ ngành Công thương ngày 26-11 vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đồng ý đưa dự án DAP-1 Hải Phòng ra khỏi diện theo dõi, chỉ đạo, xử lý của Ban Chỉ đạo. Đây không chỉ là phần thưởng ghi nhận cố gắng nỗ lực của doanh nghiệp mà còn là nguồn động viên mọi người trong doanh nghiệp tiếp tục nỗ lực hơn nữa với quyết tâm đưa sản xuất kinh doanh của đơn vị tiếp tục tăng cao một cách bền vững trong năm 2021 và các năm tiếp theo - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Vũ Văn Bằng khẳng định.
Tuy nhiên, để hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty CP DAP- Vinachem Hải Phòng cũng như các doanh nghiệp sản xuất phân bón khác thực sự ổn định, bền vững, doanh nghiệp cũng đang cần sự hỗ trợ tích cực từ các cấp, các ngành. Trong đó có việc đẩy mạnh cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đối với phân bón, hạn chế sử dụng sản phẩm nhập khẩu, nhất là các sản phẩm phân bón và thạch cao nhân tạo. Cùng với đó là đưa phân bón vào nhóm thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 5% như đề xuất của Bộ Tài chính tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV vừa qua.
Theo báo Nhân dân