Theo thống kê của Bộ Công Thương, thị phần bán lẻ hiện đại ở Việt Nam mới chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ. Cả nước hiện có khoảng 724 siêu thị và 132 trung tâm thương mại (TTTM), cửa hàng tiện lợi hoạt động đúng nghĩa (có thương hiệu và vận hành theo chuỗi) mới chỉ dừng lại ở con số hàng trăm.
Bộ Công Thương cho biết, có hơn 20 doanh nghiệp (DN) nước ngoài đang kinh doanh tại Việt Nam. Trong khi các DN bán lẻ “nội” chủ yếu là các DN nhỏ, với nhiều khó khăn về hệ thống phân phối, năng lực quản trị, liên kết, các DN nước ngoài là những “đại gia” có nguồn vốn khủng và có sự thuận lợi để mở rộng mặt bằng nên dễ dàng thâu tóm thị trường bán lẻ của Việt Nam.
“Hiện tượng” Aeon Long Biên
Một khi đã đặt chân được vào thị trường Việt Nam, các đại gia ngoại không quên đặt mục tiêu mở rộng và thâu tóm thị trường. Tập đoàn bán lẻ Hàn Quốc Lotte cho biết, đến năm 2020, tập đoàn này đặt mục tiêu mở 60 siêu thị tại Việt Nam. Tập đoàn Auchan của Pháp hay Aeon của Nhật cũng khẳng định sẽ mở rộng thị trường bán lẻ tại Việt Nam với 40 hệ thống siêu thị, TTTM thông qua nhiều cách, rõ nét nhất là M&A.
Gần đây nhất, tại buổi lễ khai trương TTTM Aeon Mall Long Biên, đại diện Aeon, chia sẻ: “Bản thân công ty chúng tôi sang Việt Nam không thể thành công được nếu không có sự tin tưởng của người dân Việt Nam, vì thế chúng tôi đã có liên kết với Citimart và Fivimart, góp vốn vào những đơn vị này, thông qua họ – những doanh nghiệp đã có kinh nghiệm gần 20 năm trong thị trường bán lẻ – để nắm rõ văn hóa, đời sống ở đây”.Cuối năm 2014, nhà đầu tư Nhật Bản cho biết đã mua đến 49% cổ phần của Citimart và 30% cổ phần của Fivimart.
Đặc biệt, điều khiến nhiều người ngạc nhiên, đó là khả năng “hút khách” của TTTM Aeon Long Biên kể từ khi khai trương. Theo đại diện của Aeon, kể từ sau ngày khai trương, khu TTTM hoành tráng này đã trở thành “điểm nóng” tại Hà Nội khi trung bình đón tiếp hơn 90.000 lượt khách mỗi ngày.
Tính đến hết thứ bảy ngày 07/11 (sau 11 ngày mở cửa), đã có hơn 1 triệu lượt khách tới với Aeon Mall Long Biên. Riêng ngày khai trương 28/10, lượng khách đến với Aeon Mall Long Biên lên đến 160.000 lượt. Ngày thường, con số này cũng đạt khoảng 60.000 đến 80.000 lượt khách, ngoài sức tưởng tượng đối với một TTTM mới khai trương. Như vậy, thông qua việc góp vốn vào những đơn vị có kinh nghiệm bán lẻ lâu năm để vào thị trường Việt Nam, Aeon hứa hẹn sẽ là cái tên đáng gờm trong thị trường bán lẻ Việt Nam thời gian tới.
M&A càn quét
Thông qua M&A để thâm nhập và thâu tóm thị trường bán lẻ Việt không phải là cách làm mới. Trước Aeon đã có nhiều đại gia bán lẻ ngoại lựa chọn con đường này. Auchan (Pháp), đối thủ của các ông lớn như Wal-Mart, Carrefour, Lotte, Metro, Big C…, đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với công ty cổ phần Hóa dầu Quân đội. Cùng với đó, hợp đồng thuê mặt bằng Trung tâm Thương mại MIPEC Long Biên cũng được ký kết.
Như vậy, đại gia bán lẻ hàng đầu của Pháp Auchan chính thức đặt chân đến thị trường Hà Nội, bắt đầu kế hoạch triển khai chuỗi siêu thị bán lẻ Simply Mart tại miền Bắc. Siêu thị mới này có diện tích 3.700 m2, đặt tại Trung tâm Thương mại MIPEC Long Biên.
Theo kế hoạch, siêu thị Simply Mart tại Trung tâm Thương mại MIPEC Long Biên sẽ chính thức đi vào hoạt động từ năm 2016, đúng thời điểm Dự án MIPEC Reverside do MIPEC đầu tư bàn giao căn hộ cho người mua. Simply Mart Long Biên cung ứng từ 1.000 đến 4.500 chủng loại sản phẩm gia dụng cho người tiêu dùng Hà Nội.
Ông Gilbert Infantes, thành viên Ban điều hành Tập đoàn Auchan, nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng hệ thống siêu thị Simply Mart để tới năm 2020 sẽ phủ kín khu vực phía Bắc với 20 siêu thị”. Đồng thời, tại thị trường phía Nam, Auchan đã hợp tác với Tập đoàn C.T để phát triển hệ thống siêu thị S-Mart và cũng đang lên kế hoạch mở rộng hệ thống Simply Mart vào năm 2016.
Lotte cũng đã bất ngờ công bố nắm quyền điều hành Trung tâm thương mại Diamond Plaza khi sở hữu 70% cổ phần. Theo ông Hong Won Sik, Tổng Giám đốc công ty TNHH Lotte Việt Nam, M&A là cách để Lotte phát triển tại Việt Nam thông qua các mô hình bán lẻ tương tự như chiến lược đầu tư của Lotte Mart vào ngành bán lẻ tại Trung Quốc và Indonesia.
Không chỉ những đại gia bán lẻ ngoại mới sử dụng M&A để thâm nhập thị trường, mà trong nước, Vingroup cũng đang thông qua M&A để nhảy vào thị trường bán lẻ. Ngày 26/10 vừa qua, vụ việc Vingroup mua lại 100% cổ phần của hệ thống TTTM, siêu thị Maximark thuộc công ty CP Đầu tư An Phong đã thu hút sự quan tâm của dư luận, nhất là khi thời gian đàm phán và hoàn tất thương vụ này chỉ kéo dài trong 2 tuần.
Tính đến thời điểm này, Vingroup đã liên tiếp thực hiện các thương vụ mua bán, sáp nhập trong lĩnh vực bán lẻ. Tháng 10/2014, CTCP Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) chính thức công bố bán 70% cổ phần mảng bán lẻ và quản lý bất động sản cho Vingroup và đổi tên chuỗi siêu thị từ Ocean Mart thành Vinmart.
Năm 2015, Vingroup tiếp tục mua lại 100% cổ phần của Vinatexmart thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) với giá trị 229,5 tỷ đồng. Với thương vụ này, Vingroup đã sở hữu toàn bộ hệ thống chuỗi siêu thị Vinatexmart với 39 cửa hàng. Vingroup còn thực hiện thương vụ mua lại 80% cổ phần (tương đương 245 tỷ đồng) công ty Hợp Nhất và đổi tên thành công ty Vinlinks, với mục đích cung cấp dịch vụ giao nhận và chuyển phát nhanh cho Vingroup, nhất là các đơn vị hoạt động trong mảng bán lẻ.
Bên cạnh đó là hàng loạt động thái như Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan mua lại Metro Cash & Carry hay nắm quyền điều hành Tập đoàn Phú Thái – với hệ thống Family Mart – từ năm 2013. Ngoài ra, với lĩnh vực bán lẻ điện máy, Tập đoàn Central (Thái Lan) mua 49% cổ phần Nguyễn Kim, Tập đoàn Nojima (Nhật Bản) sở hữu gần 31% cổ phần Trần Anh… đã cho thấy sóng M&A hứa hẹn sẽ phân chia lại thị trường bán lẻ trong thời gian tới với sự hiện diện và giành giật của nhiều “ông lớn” ngoại.
PGs.Ts. Nguyễn Quốc Thịnh - Giám đốc Trung tâm thương hiệu Trường Đại học Thương mại
Sắp tới, sẽ còn nhiều DN nước ngoài khác đến Việt Nam mua thương hiệu chứ không chỉ Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc. Một khi mua được những thương hiệu nổi tiếng ở Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ chắc chắn hơn trong việc phát triển. Với M&A, các chủ đầu tư sẽ tiết kiệm được thời gian, có thể tham gia vào quản lý một đơn vị đang hoạt động ổn định và tận dụng được hình ảnh đã quen thuộc trên thị trường.
Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội
Các ông lớn ngoại dù có nhiều tiềm lực tài chính, kinh nghiệm, song với yêu cầu kiểm tra nhu cầu kinh tế khắc nghiệt đã hạn chế khả năng mở chuỗi của nhà đầu tư ngoại. Do vậy, các nhà đầu tư nước ngoài tìm cách lách bằng M&A. Đây là lựa chọn thông minh khi nhảy vào Việt Nam, vừa tránh rào cản, vừa không phải tốn nhiều nguồn lực mở chuỗi mà vẫn có thể thâm nhập sâu vào thị trường.
Ông Phạm Đình Đoàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam
Việc các DN ngoại nhảy vào liên doanh rồi thâu tóm các DN nội diễn ra thường xuyên trên thế giới. Khi chúng ta không thể cưỡng lại được sự hội nhập thì chỉ còn cách thỏa hiệp. Thị trường nội địa đang gặp nhiều khó khăn, cần nguồn lực nên nếu DN nhất quyết từ chối việc này thì cũng khó phát triển được.
|
Theo Thời báo kinh doanh