Chủ Nhật, 24/11/2024 20:39:11 GMT+7
Lượt xem: 2652

Tin đăng lúc 13-08-2017

Nội tạng động vật sắp được cấy ghép cho người

Các nhà khoa học đã thành công trong việc điều chỉnh mã di truyền của lợn để loại bỏ các virus có thể gây nguy hiểm cho con người, mở đường cho khả năng cấy ghép nội tạng từ động vật sang người.
Nội tạng động vật sắp được cấy ghép cho người
Lợn được chọn làm động vật nuôi tạng cấy ghép vì tạng của chúng có kích thước và đặc điểm sinh học tương đồng với con người.

Nghiên cứu này đã được đăng trên tạp chí Khoa học Mỹ.

 

Sự thiếu hụt nội tạng cho hoạt động cấy ghép là một trong những thách thức lớn nhất đối với y học hiện đại. Chỉ tính riêng tại Mỹ, mỗi năm có khoảng 117.000 người chờ đợi để ghép tạng và 22 người chết mỗi ngày vì thiếu hụt các cơ quan cấy ghép. 

 

Lợn được chọn làm động vật nuôi tạng cấy ghép cho người đơn giản vì tạng của chúng có kích thước và đặc điểm sinh học tương đồng với con người. Ngoài ra, việc nuôi lợn trên quy mô lớn là điều rất dễ dàng.

 

Tuy nhiên, ngoài lý do đạo đức, các nhà khoa học vẫn chưa giải quyết được vấn đề sốc phản vệ do tế bào của lợn gây ra. Hơn nữa, các tế bào này còn ẩn chứa nguy cơ tiềm tàng khác là DNA của chúng có chứa rải rác nhiều đoạn copy DNA có nguồn gốc từ một loại vi rút có tên là retrovirus. Virus này có thể khiến con người tử vong nếu chúng xâm nhập vào cơ thể, sau đó gây ra đại dịch nếu lây lan từ người sang người.

 

Retrovirus có trong lợn, được biết đến với cái tên Pervs, là một phần trong gen và rất khó có thể loại bỏ.

 

Hai nhà di truyền học thuộc Đại học Harvard, George Church và Luhan Yang, cùng với một nhóm các cộng sự Đan Mạch và Trung Quốc đã sử dụng công nghệ chỉnh sửa gen chính xác Grispr-Cas9 kết hợp với công nghệ sửa chữa gene để vô hiệu quá 100% virus này.

 

Hiện nhóm nghiên cứu đã loại bỏ thành công virus retrovirus trên 37 cá thể lợn.

 

Tuy vẫn còn một số tranh cãi, trong đó có vấn đề đạo đức, nhưng các chuyên gia cho biết, nghiên cứu mới là bước đột phá trong cấy ghép dị chủng.

 

CRISPR là phương pháp chỉnh sửa gen phổ biến bằng cách dùng các protein vi khuẩn để cắt DNA, trong đó protein vi khuẩn có tên Cas9 được nhiều nhóm nghiên cứu sử dụng để xóa bỏ, biến đổi, thậm chí là bổ sung DNA vào các tổ chức sinh học, từ nấm men cho tới con người.

"Đây là một bước tiến quan trọng hướng đến khả năng cấy ghép dị chủng trở thành hiện thực. Nghiên cứu đã loại bỏ rào cản lớn nhất và cho thấy một ứng dụng khác của hệ thống CRISPR-Cas9”, Darren Griffin, giáo sư về di truyền học tại Đại học Kent, cho biết.

 

Giáo sư Ian McConnell của trường Đại học Cambridge cũng cho rằng nghiên cứu trên là một bước đi đầu tiên đầy hứa hẹn.

 

Việc cấy ghép thành công mô và các cơ quan từ động vật sang người là một trong những mục tiêu của y học hiện đại trong 20 năm qua. Việc sử dụng an toàn các cơ quan của lợn để cấy cho người cũng được xem là một phương pháp khắc phục tình trạng thiếu nội tạng để cấy ghép cho bệnh nhân” – Ông McConnell cho biết thêm.

 

Những lo ngại về đạo đức là điều rất đáng lưu tâm, bao gồm cả việc xem xét những thiệt hại và lợi ích mang lại cho người nhận được nội tạng của động vật. Trước đây, cũng đã có rất nhiều ý kiến phản đối việc cấy ghép nội tạng giữa người với người vào những năm 1960 và 1970. Tuy nhiên, họ đã phải nghĩ lại khi thấy hiệu quả của việc cấy ghép này. 

 

Cấy ghép dị chủng hay còn gọi là xenotransplantation được cho là phương pháp giải quyết nhu cầu thiếu nội tạng thay thế cho người.

Tại Mỹ và Anh thì những thí nghiệm xenotransplantation gần như bị cấm do lo ngại về một đại dịch PERV có thể xảy ra. Tuy nhiên, có một số chuyên gia đã sang các quốc gia có sự quản lý lỏng lẻo như Mexico để tiến hành thí nghiệm của mình.

Những thí nghiệm trên linh trưởng, vốn có sự khác biệt tạng với lợn cao hơn ở người đã cho thấy rằng nội tạng được cấy ghép sẽ không bị đào thải nhanh chóng nếu xử lý đúng cách.

Năm 2015 các nhà nghiên cứu đã dùng một quả thận lợn được chỉnh sửa gen loại bỏ α-gal, kháng nguyên có thể làm cho con người từ chối nhận tạng, ghép vào một con khỉ đầu chó. Con khỉ sau đó sống được thêm 136 ngày với quả thận này.

Tuy nhiên hiện vẫn còn nhiều vấn đề gây tranh cãi liên quan đến đạo đức được đặt ra. Chẳng hạn như liệu sử dụng nội tạng động vật có phi đạo đức? Nếu chúng ta cấy được các cơ quan động vật vào con người, điều này có thay đổi định nghĩa về con người hay không?

Vấn đề đạo đức không phải là một vấn đề có thể dễ dàng đạt được sự đồng thuận. Tuy vậy thì cho đến khi các thành tựu khoa học phát triển hơn đến mức không cần động vật để ghép nội tạng cho người thì việc dùng động vật như một nguồn cung nội tạng vẫn là một giải pháp đáng được xem xét.

 

Nguồn Khampha


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang