Thứ Sáu, 22/11/2024 11:04:24 GMT+7
Lượt xem: 5688

Tin đăng lúc 12-09-2017

“Nóng” buôn lậu xăng dầu trên biển

Tình hình buôn lậu xăng dầu trên các vùng biển trọng điểm thời gian qua đặc biệt là từ đầu năm 2017 đến nay tiếp tục gia tăng, diễn biến phức tạp, đó là một trong những nội dung đặc biệt chú trọng được nêu tại Hội nghị trực tuyến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm, phương hướng hoạt động 6 tháng cuối năm nay của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia vừa diễn ra.
“Nóng” buôn lậu xăng dầu trên biển
Cảnh sát biển bắt giữ tàu buôn lậu xăng dầu

Theo Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia: Hoạt động buôn lậu xăng, dầu vẫn còn xảy ra phức tạp, trọng điểm là tại vùng biển các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Trà Vinh, Kiên Giang. Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn, Phó Tư lệnh Cảnh sát biển (CSB) nêu thực tế về tình trạng buôn lậu xăng dầu trên biển thời gian qua: “Từ thực tế đấu tranh ở trên biển nổi lên một số vấn đề: Thứ nhất là các đối tượng mua dầu của các tàu nước ngoài trên biển với giá rất rẻ, thậm chí bán trực tiếp cho ngư dân trên biển với giá cũng rất rẻ so với giá chúng ta quy định, không có hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp. Sau đó bán lại trực tiếp cho các tàu cá đang khai thác hải sản trên biển để kiếm lời ngay trên biển. Một số ngư dân thì đã cải hoán tàu cá thành tàu chở dầu, lắp thêm téc trong hầm tàu thành nơi chứa dầu. Khi làm thủ tục xuất bến đăng ký ra biển đánh cá,chỉ mua một lượng dầu đủ để đi đến điểm hẹn, sau đó mua dầu lậu bán lại cho ngư dân ngay trên biển. Vấn đề nữa là đối với tàu nước ngoài, hồ sơ không rõ ràng, không đầy đủ giấy tờ chứng minh quốc tịch, thông tin về tàu thường hoạt động tại vùng biển Tây Nam khu vực giáp ranh với các nước Inđônêxia, Thái Lan và địa bàn lân cận bán dầu cho các tàu cá cải hoán của Việt Nam và tàu dịch vụ nghề cá, lợi dụng mua bán ngay trên vùng biển xa...”.

 

 

Vào lúc 08h 30’ ngày 21/7/2017, Cụm Trinh sát số 1 - Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam phát hiện, kiểm tra tàu HP4435 đang vận chuyển khoảng hơn 70.000 lít dầu DO không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Trên tàu có 06 người trong đó có 03 thuyền viên, Thuyền trưởng và thuyền viên không có bằng cấp chứng chỉ chuyên môn. Thuyền trưởng kiêm đại diện tàu là ông Nguyễn Duy Bùng sinh năm 1972 cư trú tại Phường Quảng Tiến, Sầm Sơn, Thanh Hóa. Tại thời điểm kiểm tra ông Nguyễn Duy Bùng không xuất trình được giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của lô hàng mà tàu HP4435 đang vận chuyển. Qua đấu tranh khai thác, xác minh chủ sở hữu số dầu trên là của Bà Đinh Thị Kha, sinh năm 1964, quê quán Xã Lập Lễ, Huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Hiện nay, đơn vị đã đưa tàu về khu vực Đình Vũ, Hải Phòng neo đậu, tiếp tục điều tra, xác minh và làm rõ.

 

Đánh giá về tình hình kinh doanh xăng dầu hiện nay, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế triển khai dán tem cột bơm xăng dầu nhằm chống thất thoát nguồn thuế kinh doanh xăng dầu, Tổng cục Hải quan quản lý xuất nhập khẩu xăng dầu trên cổng thông tin điện tử một cửa quốc gia. Việc mua, bán xăng dầu trên biển hiện nay là buôn lậu chứ không phải là kinh doanh, nên các lực lượng chức năng phải chia sẻ thông tin, tập trung lực lượng, đấu tranh cao điểm chống buôn lậu xăng dầu trên biển. Bộ trưởng  Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh:

 

 “Về cơ chế kinh doanh đặc thù xăng dầu trên biển, chúng tôi cho rằng hết sức cân nhắc vì xăng dầu là mặt hàng có điều kiện. Qua báo cáo, chúng tôi cho rằng tình hình xăng dầu trên biển hiện nay là buôn lậu chứ không phải kinh doanh. Bây giờ phải chống buôn lậu xăng dầu. Điểm nữa là dữ liệu quốc gia về xuất nhập khẩu (XNK) xăng dầu chúng ta đã có, bây giờ chúng phải nối thông với nhau. Về XNK xăng dầu, Tổng cục Hải quan (TCHQ) hiện nay thực hiện trên hệ thống điện tử cho nên một tờ khai nhập chỉ 3 giây sau là trên trung tâm biết hết. Vấn đề đây là chúng ta tiếp tục tăng cường hơn nữa chia sẻ thông tin thì sẽ triển khai tốt hơn trong thời gian tới...”.

 

Phó Thủ tướng Chính phủ, Trương Hòa Bình, Trưởng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia lưu ý mấy vấn đề: “Việc buôn lậu xăng dầu trên biển đấy là theo quy luật thị trường, theo quy luật cung cầu. Giá xăng dầu ở nước ngoài rẻ hơn ở trong nước, đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Công Thương xem xét tại sao lại như vậy. Nếu giá xăng dầu trong nước thấp hơn nước ngoài lại có hiện tượng buôn lậu ngược lại. Vì vậỵ, chúng ta phải điều chỉnh chính sách như thế nào cho phù hợp. Đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Vấn đề thứ hai là, các cơ quan chức năng phát hiện buôn lậu thì phải đấu tranh xử lý. Thứ ba là, ngư dân đi tàu, thấy xăng dầu trên biển rẻ hơn thì họ mua và thấy giá xăng dầu trong nước cao hơn thì mua về bán tiêu thụ ở trong nước. Cho nên nếu có hành vi buôn lậu thì cũng phải xử lý, còn cơ chế giá như thế nào thì nghiên cứu thêm. Hỗ trợ chính sách như thế nào cho bà con yên tâm ra biển, còn hỗ trợ giá riêng cho ngư dân đã có những chính sách khác rồi, nếu hỗ trợ giá thì không đảm bảo công bằng...”.

 

Hiện nay các lực lượng chức năng đang triển khai đợt cao điểm chống buôn lậu xăng dầu trên biển. Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình thì các lực lượng cần triển khai nhiều biện pháp đấu tranh chống buôn lậu xăng dầu trên cả tuyến biên giới đường bộ và trên biển; Triển khai các kế hoạch cao điểm, chuyên đề về chống buôn lậu xăng dầu trên các vùng biển trọng điểm. Trong đó,  huy động đồng bộ các lực lượng, phối hợp với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng liên quan để nắm bắt thông tin, trinh sát, tổ chức kiểm soát chéo địa bàn nhằm tìm ra các dấu hiệu vi phạm, các đối tượng, đường dây buôn lậu xăng dầu… để triệt phá. Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát, tham mưu, đề xuất hoàn thiện thể chế, khắc phục sự chồng chéo, bất cập của một số quy định còn gây vướng mắc, khó khăn trong phối kết hợp đấu tranh giữa các ngành, lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm theo hướng cụ thể, rõ ràng, bổ sung chế tài, trang bị đủ phương tiện, công cụ… cho các lực lượng chức năng, để các lực lượng thực thi nhiệm vụ và xử lý các vụ buôn lậu xăng dầu hiệu quả hơn./.

 

Phạm Hạnh


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang