Thông tin từ Trung tâm Công nghiệp & thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, gần đây, Trung Quốc đã giảm khối lượng nhập khẩu, đặc biệt là các mặt hàng như gạo, sắn và dăm gỗ… Đặc biệt, Trung Quốc còn tăng rào cản kỹ thuật với một số mặt hàng nông sản nhập từ Việt Nam.
Trung Quốc trước giờ đều là thị trường nhập khẩu nông lâm thuỷ sản chính của Việt Nam và là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn thứ 3 của Việt Nam với tổng kim ngạch 8 tháng hơn 12 tỷ USD. Vì vậy, việc Trung Quốc “ra đòn” giảm nhập, xiết chặt đã gây khó khăn cho xuất khẩu Việt Nam.
Thông tin của mạng quản lý phía Trung Quốc mới đây cũng cho biết, muốn xuất khẩu vào nước này, các nhà máy chế biến của Việt Nam cũng như các nước phải có code vào Trung Quốc và nhà xuất khẩu phải nằm trong danh sách Trung Quốc phê chuẩn.
Trong khi đó, theo quy định của Cục Quản lý Chất lượng nông lâm và thuỷ sản- Nafiqad ( Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Việt Nam) thì chỉ cần nhà sản xuất có trong danh sách được công nhận là có thể xuất khẩu hàng sang Trung Quốc. Điều này khiến một số mặt hàng của Việt Nam chưa được đưa vào danh mục được phép nhập khẩu vào Trung Quốc.
Đáng chú ý, hiện mặt hàng cá tra xuất khẩu, đang có hiện tượng thương lái Trung Quốc tích cực đặt mua cá tra quá lứa (loại 1 kg mỗi con trở lên), khiến nguồn cung cá cỡ này tăng lên.
Tuy nhiên, Hiệp hội Chế biến & xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đánh giá, việc thu gom này đã tác động xấu, làm giá cá tra xuất khẩu giảm mạnh từ đầu quý II đến nay (mức 16.000-17.000 đồng/kg), dù xuất khẩu mặt hàng cá tra liên tục đạt 2 con số từ năm ngoái.
Giá lợn hơi tại các tỉnh phía Nam từ tháng 7 đến nay giảm mạnh 10.000 – 12.000 đồng/kg so với đầu năm, hiện chỉ dao động 42.000 – 44.000 đồng/kg heo hơi là do Trung Quốc hạn chế nhập khẩu.
Do đó, VASEP cũng cảnh báo các doanh nghiệp cần thận trọng khi xuất khẩu các mặt hàng này sang thị trường Trung Quốc.
Với mặt hàng gạo, Trung Quốc đã gửi Nghị định thư yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với việc xuất khẩu gạo và cám gạo từ Việt Nam vào tháng 9, nay lại được rời sang tháng 11. Nhưng hiện vẫn chưa có một công ty khử trùng, giám định nào của Việt Nam được Trung Quốc công nhận.
Để giải quyết tình trạng Trung Quốc gây “rào cản” cho các mặt hàng nông lâm thủy sản Việt Nam, Nafiqad đã nhiều lần gửi công văn sang nhưng nước này vẫn chưa có trả lời chính thức.
Trong thời gian tới, định hướng của Bộ NNPTNT là sẽ chủ động đề xuất đàm phán với phía Trung Quốc để tạo điều kiện giao thương giữa doanh nghiệp hai nước nhằm thúc đẩy xuất khẩu cả tiểu ngạch và chính ngạch, đa dạng hóa thị trường, mở cửa thị trường để giảm phụ thuộc, tránh rủi ro cho người nông dân và doanh nghiệp.
Cũng theo Trung tâm Thông tin công nghiệp & thương mại, kim ngạch hàng hoá xuất khẩu tháng 8/2016 của Việt Nam ước đạt 15,2 tỷ USD, tăng 2% so với tháng trước.
Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với 24,6 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm. Tiếp đến là EU đạt 21,9 tỷ USD; Trung Quốc đạt 12,6 tỷ USD… Riêng xuất khẩu sang thị trường ASEAN đạt 11,1 tỷ USD, giảm 10% do xuất khẩu dầu thô giảm mạnh.
Nguồn Enternews