Sản phẩm chuối tươi của Cty TNHH Huy Long An đã xuất hiện trên kệ hàng của siêu thị Don Kihote. Quả chuối VN cũng đã phân phối tại 6 hệ thống siêu thị và cửa hàng bán lẻ tại Nhật Bản, với giá xuất khoảng 11USD/thùng, tương đương 0,8 USD/kg.
Không chỉ có chuối
Việc các hệ thống siêu thị lớn của Nhật đồng ý phân phối chuối tươi của VN giúp sản phẩm này có thêm “visa” để đến với thị trường khó tính khác.
Đại diện Meika Shoji cũng cho biết, DN này đã cử đoàn khảo sát sang tìm hiểu và thấy chất lượng chuối VN rất tốt, thơm ngon… Tuy nhiên, cũng theo đại diện Mekia, lượng chuối VN xuất khẩu sang Nhật hiện tại còn rất khiêm tốn, giá cả cũng chưa cao do hình thức sản phẩm chưa đẹp. Trong khi đó, một trái chuối nhập từ Đài Loan có giá hơn 1USD. Điều đáng nói, Ấn Độ dù là nước trồng chuối lớn nhất thế giới nhưng lại không nằm trong danh sách được phép nhập khẩu sang Nhật Bản, do chưa đáp ứng các yêu cầu về chất lượng.
Trên thực tế, không chỉ có quả chuối mà còn rất nhiều nông sản của VN có “cửa” để bước chân vào thị trường này. Và hiện tại, cũng đã có nhiều đoàn DN Nhật Bản cũng như đại diện Chính phủ nước này đến làm việc với các địa phương như TP HCM, Lâm Đồng, Đồng Tháp… đặt vấn đề xây dựng các vùng nông sản xuất khẩu sang Nhật. Đơn cử, mới đây, Sở NN – PTNT TP HCM đã tiếp đón đại diện Tập đoàn Meika Shoji (Nhật Bản) và đại diện Bộ NN Nhật Bản sang tìm kiếm nguồn nông sản xuất khẩu sang thị trường này. Theo đó, Meika Shoji muốn nhập khẩu chuối già, vỏ còn xanh để đảm bảo độ chín khi về tới Nhật Bản. Đồng thời, chuối xuất khẩu sang Nhật phải được xử lý vi sinh vật theo quy định.
Là một DN chuyên xuất mặt hàng chuối vào Nhật Bản, ông Võ Quang Thuận – Cty TNHH Huy Long An cho rằng, vườn chuối của DN này được đầu tư hơn 50 tỉ đồng, với diện tích rộng hơn 110ha tại tỉnh Long An và Tây Ninh. DN này đã chọn lựa rất kỹ lưỡng từ chất lượng giống đến quy trình trồng, thu mua và sơ chế nên DN này có đủ tự tin để lấy thiện chí và giữ chân được khách hàng Nhật.
Cũng theo ông Thuận, điều thuận lợi cho nông dân VN là khí hậu nhiệt đới, thuận lợi để phát triển nông nghiệp. Vì vậy, không chỉ có chuối mà có rất nhiều loại nông sản Việt cũng đã bắt đầu chinh phục được thị trường khó tính này, đơn cử như mặt hàng khoai lang. Trung bình mỗi năm, VN có thể thu được 2 – 2,5 vụ khoai lang, là điều mà người Nhật Bản luôn khao khát. Ngoài ra, khoai lang ở VN có thể tăng gấp đôi sản lượng, chất lượng cũng tăng thêm nếu áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, phương pháp canh tác của Nhật Bản- ông Thuận nhận định.
Điều này cho thấy, các nông sản VN hoàn toàn có thể bước ra thị trường thế giới và đáp ứng được ngay cả những thị trường khó tính nhất.
Giữ thị trường – chuyện không dễ
Tuy nhiên, xâm nhập được thị trường thế giới là một chuyện, nhưng làm cách nào để giữ được ở thị trường đó mới là chuyện khó. Giới DN trong ngành cho rằng, với các thị trường khắt khe về vấn đề kiểm dịch, việc luôn phải chú tâm nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo chặt chẽ quy trình sản xuất sạch là việc làm cần thiết để các sản phẩm nông sản Việt có thể trụ vững ở thị trường thế giới.
Theo ông Đinh Cao Khuê – Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Cty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, trong thời gian qua, nhiều sản phẩm nông sản của VN khi xuất khẩu qua các thị trường Nhật Bản, Mỹ, EU đã bị cảnh báo về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, tồn dư kháng sinh vượt quá mức quy định. Đơn cử, trái thanh long của VN, mới đây, đã bị thị trường châu Âu tăng tần suất kiểm tra lên 20% để phân tích tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Vì vậy, các DN cần tập trung nâng cao chất lượng hàng nông sản vì đây chính là rào cản thương mại lớn nhất đối với nông sản Việt khi thâm nhập vào các thị trường khó tính.
Với việc chinh phục thêm nhiều thị trường khó tính trên thế giới, nhiều người kỳ vọng, các sản phẩm nông sản Việt sẽ có đà để vươn xa hơn, bài toán tiêu thụ, tìm đầu ra cho nông sản Việt sẽ có lời giải.
Nguồn Enternews