Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định, nông sản Việt Nam có thể đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD tại thị trường các nước Trung Đông, với những sản phẩm chủ lực như gạo, chè, cà phê, hạt tiêu, cao su tự nhiên, hạt điều, trái cây (đặc biệt là chuối, dứa, chanh…).
Nhiều dư địa, lắm rào cản
Với tổng quy mô dân số gần 400 triệu người và vị trí “cầu nối” sang thị trường châu Âu, theo Bộ NN&PTNT, thị trường Trung Đông đang có nhu cầu lớn với nhiều loại nông sản của Việt Nam. Đơn cử như gạo, mỗi năm khu vực này cần 5 – 7 triệu tấn gạo thương mại.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, tình hình xuất nhập khẩu vào thị trường Trung Đông giai đoạn 2011 – 2016 tăng trưởng mạnh. Năm 2011, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Trung Đông đạt 5,176 tỷ USD (trong đó, Việt Nam xuất sang Trung Đông 2,545 tỷ USD). Năm 2016, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt 10,887 tỷ USD tăng hơn 100% so với năm 2011 (Việt Nam xuất khẩu 8,059 tỷ USD). Rau quả là mặt hàng có mức tăng trưởng cao nhất với tốc độ bình quân 24%/năm.
Đánh giá về tiềm năng của thị trường Trung Đông, ông Lê Thành, Viện trưởng Viện Kinh tế Nông nghiệp hữu cơ, cho rằng Trung Đông có thể là “thiên đường” hấp dẫn cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, hàng hóa qua đây vẫn gặp không ít rào cản về logistics và thanh toán.
Ông Saleh Adibi, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Iran tại Việt Nam, cho rằng rào cản về sự hợp tác giữa hai nước là hoạt động ngân hàng vẫn còn “giậm chân tại chỗ”. Doanh nghiệp hai bên chủ yếu hợp tác thanh toán qua các ngân hàng trung gian ở Dubai, Trung Quốc, Singapore hoặc một số nước châu Âu với chi phí trung gian và rủi ro tài chính cao.
Từng xuất khẩu chuối sang Trung Đông, ông Võ Quang Huy, Giám đốc công ty TNHH Huy Long An, cho biết, đây là thị trường tiềm năng cho xuất khẩu chuối nhưng khâu thanh toán đang là trở ngại rất lớn.
Ngoài ra, để xuất khẩu được chuối sang Trung Đông đòi hỏi khâu bảo quản sau thu hoạch rất cao, trong khi đó các vùng trồng chuối ở Việt Nam lại không tập trung.
Tháo “nút thắt”
Theo ông Lê Quang Nhuận, Tổng Giám đốc công ty Xuất nhập khẩu Louis Rice: “Trung Đông là thị trường rất tiềm năng cho gạo Việt Nam. Song, xuất khẩu vào thị trường Trung Đông đòi hỏi phải mạnh về vốn do doanh nghiệp bên Trung Đông thường thanh toán sau 7 – 10 ngày, trong khi hàng hóa sang đây đã mất mấy chục ngày”.
Dù có tiềm năng rất lớn nhưng với những “nút thắt” còn tồn tại, đòi hỏi các cơ quan quản lý và doanh nghiệp Việt Nam phải có những chiến lược tốt để mở cửa thị trường Trung Đông.
Đơn cử, để phá rào cản về dịch vụ logistics, nhiều chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần phải đẩy mạnh hợp tác. Ông Lê Quang Nhuận cho rằng các doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Đông nên cùng hợp tác thuê một công ty vận tải cố định với mức giá có thể chấp nhận được, bởi vì giá vận chuyển tác động rất lớn đến giá hàng hóa.
Về những khó khăn trong thanh toán, Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Việt Nam – Iran, ông Trần Văn Trí kiến nghị Chính phủ cần sớm thúc đẩy cơ chế hợp tác ngân hàng để doanh nghiệp hai bên sớm có liên kết, tạo điều kiện thuận lợi cho khâu thanh toán.
“Cần có cơ chế ưu đãi, miễn, giảm thuế các mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai nước và tạo điều kiện để doanh nghiệp đưa các trang thiết bị, máy móc sang Iran phục vụ đầu tư sản xuất. Đề nghị tránh đánh thuế hai lần với hàng hóa xuất nhập khẩu theo hình thức hàng đổi hàng”, ông Trí nói.
Bên cạnh đó, những bất ổn chính trị tại Trung Đông cũng là thách thức lớn. Để giảm thiểu rủi ro, doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng kế hoạch thâm nhập thị trường lâu dài, ổn định, thông qua việc xây dựng đội ngũ cán bộ xuất nhập khẩu có năng lực, hiểu biết về văn hóa và tập quán kinh doanh của khu vực Ả-rập Hồi giáo, biết tiếng Ả-rập, đánh giá và tiếp cận thị trường tốt.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Bộ NN&PTNT đang đẩy mạnh phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Đông. Bộ cũng đang phối hợp với Bộ Công Thương và Hội đồng doanh nghiệp Việt Nam – Iran để chuẩn bị tốt nhất cho chuyến xúc tiến thương mại sang thị trường này trong các tháng cuối năm 2017.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ thúc đẩy nhanh khối thị trường Iran để sớm có kim ngạch xuất khẩu khoảng 2 tỷ USD.
Tuy nhiên, ngoài những yếu tố về chính sách, “để khai thác được thị trường Trung Đông nói riêng cũng như tất cả các thị trường khác, điều đầu tiên là chúng ta phải tổ chức chất lượng ngành hàng cho tốt, nâng cao chuỗi giá trị và có kiểm soát từ đầu đến cuối các khâu của quá trình hàng hóa và lưu thông thị trường”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Nguồn Thời báo kinh doanh