Giá liên tục đi xuống
Trong tháng 8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (N&PTNT) ước tính khối lượng xuất khẩu cao su đạt 163 nghìn tấn, với giá trị đạt 207 triệu USD.
Tính tổng 8 tháng, lượng và giá trị xuất khẩu cao su 8 tháng đầu năm nay ước đạt 870 nghìn tấn và 1,2 tỷ USD, tăng 8,2% về khối lượng nhưng giảm 11,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Trung Quốc, Ấn Độ, và Malaysia là ba thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2018, chiếm thị phần lần lượt 63,3%; 5,7% và 3,9%.
Các thị trường tăng mạnh về lượng và giá trị xuất khẩu cao su trong 7 tháng đầu năm là Ấn Độ tăng 46,4% về lượng và 28,9% về giá trị; và Indonesia tăng 41 % về lượng và 17,8% về giá trị.
Mặc dù được hậu thuẫn bởi yếu tố tồn kho cao su Trung Quốc giảm 3,26% so với cuối tháng 7, tuy nhiên giá xuất khẩu cao su Việt Nam vẫn tiếp tục giảm do nhu cầu thị trường thấp, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu giảm nhiệt có thể làm giảm tăng trưởng tại Trung Quốc, Bộ NN&PTNT thông tin.
Giá cao su xuất khẩu bình quân tháng 8/2018 ước đạt 1.269 USD/tấn giảm 5,7% so với tháng trước.
Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên giá cao su xuất khẩu rớt mạnh như vậy. Nhiều năm qua, thị trường cao su luôn ở tình trạng cung vượt cầu, khiến giá cao su luôn ở mức thấp. Thông thường, giá cao su thiên nhiên có xu hướng đi theo giá dầu, tức là giá dầu xuống giá cao su cũng xuống và ngược lại. Nhưng hiện nay, tình hình đang đi ngược lại với quy luật trên khi giá dầu đã lên nhưng giá cao su vẫn giảm. Một số chuyên gia dự báo, tình trạng này sẽ còn kéo dài trong vài năm nữa nên các DN sẽ phải đối mặt với việc giá cao su thấp kéo dài.
Cần đa dạng bạn hàng
Trước tình cảnh tiêu thụ cao su đang trở nên vô cùng khó khăn, hầu hết các doanh nghiệp chế biến cao su không đạt được mục tiêu lợi nhuận, hoặc phải cắt giảm mục tiêu đề ra từ đầu năm.
Công ty cổ phần Cao su Thống Nhất (TNC) đặt ra kế hoạch doanh thu đạt 100 tỷ đồng, nhưng kết quả 2 quý đầu năm ghi nhận mức doanh thu đạt 33,2 tỷ đồng. Như vậy, sau 6 tháng đầu năm công ty mới hoàn thành 33% chỉ tiêu doanh thu.
Với Công ty cao su Phước Hòa (PHR), trong nửa đầu năm nay, sản lượng khai thác giảm 23,4% so với cùng kỳ năm trước và mới hoàn thành 29% kế hoạch năm, sản lượng thu mua giảm 33,3%, sản lượng tiêu thụ giảm 30% và mới đạt 26,63% kế hoạch năm...
Điều mà các chuyên gia lo ngại nhiều nhất lại không phải là giá giảm mà chính là tỷ lệ hơn 63% khối lượng cao su của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Nhiều doanh nghiệp trong ngành thừa nhận rằng, không thể loại bỏ thị trường Trung Quốc, nhưng để thật sự giảm những thiệt hại đáng tiếc như vừa qua thì phương thức giao bán cần phải hiện đại hơn nghĩa là phải ký hợp đồng mua bán trước rồi mới tổ chức canh tác, giao hàng sau.
Một lần nữa, việc phải chuyển hướng mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch, nhằm giảm sự phụ thuộc vào thị trường biên mậu với Trung Quốc lại đang trở thành vấn đề hết sức bức thiết trong tình cảnh hiện nay.
Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cho hay, việc Ấn Độ tăng mạnh nhập khẩu cao su để đảm bảo nguồn cung nội địa thời gian tới có thể hỗ trợ giá cao su và thúc đẩy xuất khẩu cao su tự nhiên của các nhà xuất khẩu lớn.
Thực tế cho thấy, trong 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cao su sang Ấn Độ và Đức đã tăng nhanh hơn, được giá cao hơn so với bán sang Trung Quốc. Dẫu vậy, việc xuất khẩu chính ngạch sẽ gặp khó khăn, bởi đòi hỏi phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu chuẩn về chất lượng, mẫu mã, uy tín nhà cung cấp... trong khi các yêu cầu này không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đáp ứng được.
Như vậy rõ ràng, "nút thắt" trong chiến lược phát triển thị trường của cao su Việt Nam nằm trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm để trên cơ sở đó có thể mở rộng thị trường để tìm kiếm đa dạng các bạn hàng.
Để gỡ nút thắt này, các chuyên gia cho rằng bên cạnh việc tăng sản lượng, tăng năng suất cao su thiên nhiên thì việc nâng cao chất lượng khai thác mủ cũng như đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu cần được các doanh nghiệp trong ngành hướng tới.
Theo Enternews