Báo cáo đánh giá hiện trạng môi trường hàng năm cho biết, ô nhiễm môi trường ở Việt Nam diễn ra ở môi trường đất, môi trường nước, môi trường không khí. Trong thập niên vừa qua, nhiều sự cố môi trường, có những sự cố môi trường nghiêm trọng đã xảy ra. Ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường diễn ra ở Việt Nam chủ yếu do hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của đất nước chúng tôi đã và đang được thúc đẩy với tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao. “Trong một chừng mực nào đó, có thể nói có nhiều nơi, nhiều lúc việc bảo vệ môi trường đã bị xem nhẹ, những nguyên tắc để đảm bảo phát triển bền vững đã không được tuân thủ một cách nghiêm ngặt” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay.
Ngoài ra, cũng có thể kể đến một nguyên nhân nữa, tuy không phải là nguyên nhân chủ yếu, đó là các loại ô nhiễm xuyên biên giới đã tác động và có nguy cơ tác động ngày càng nhiều hơn đến môi trường sinh thái của Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, nguyên nhân thứ nhất dẫn đến hạn chế này là hệ thống văn bản pháp luật thiếu đồng bộ, thiếu khả thi, thiếu khả năng dự báo. Nguyên nhân thứ hai là nguồn lực về con người, tài chính và cơ chế tổ chức chưa được sắp xếp tối ưu; sự phối hợp liên ngành chưa chặt chẽ; năng lực thể chế và kỹ thuật để ứng phó với sự cố môi trường chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. “Chắc chắn rằng, năng lực quản lý, ứng phó, thích nghi với môi trường cần phải được củng cố, tăng cường mạnh mẽ hơn nữa, cho cả các cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị khoa học kỹ thuật, để có thể đáp ứng với những điều kiện môi trường mới, nhiều biến động như hiện nay” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ngoài ra, tình hình biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng phức tạp, nhanh hơn dự báo, tác động tiêu cực tới môi trường sinh thái và sự phát triển bền vững của đất nước. Biến đổi khí hậu cũng đã tác động đến môi trường nhiều năm qua và ngày càng rõ nét hơn, thể hiện qua các hiện tượng thiên tai bất thường, thời tiết cực đoan, hạn hán khắc nghiệt, và đã gây ảnh hưởng nặng nề đối với Việt Nam. Trong tương lai, biến đổi khí hậu cũng sẽ khiến cho tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra phức tạp hơn, trên nhiều lĩnh vực, như ô nhiễm lưu vực sông, ô nhiễm biển, ô nhiễm không khí…
Biến đổi khí hậu khiến nhân loại đặt ra vấn đề chuyển dịch mô hình tăng trưởng, đưa ra cách thức tiếp cận mới về tăng trưởng kinh tế, quản lý tài nguyên nhiên nhiên và bảo vệ môi trường, thúc đẩy an sinh xã hội. Điều đó đặt ra yêu cầu cho Việt Nam là cần sớm nắm bắt xu thế và có những bước đi phù hợp để thích ứng với biến đối khí.
“Với hiện trạng công nghệ sản xuất còn lạc hậu ở Việt Nam hiện nay, việc đổi mới công nghệ để hướng tới một nền kinh tế xanh là thách thức không nhỏ, nếu không có sự trợ giúp về khoa học, vốn và công nghệ của các nước phát triển có công nghệ cao trên thế giới. Những thách thức về môi trường ấy đòi hỏi Việt Nam cần có chiến lược nhìn xa trông rộng để môi trường thực sự là trụ cột trong phát triển bền vững…” Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Để đối mặt và giải quyết các thách thức to lớn về môi trường như vậy, Việt Nam đã đưa ra những quyết sách mạnh mẽ, không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế. Bên cạnh các chủ trương của Đảng nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế thì Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường. Chỉ thị của Thủ tướng đã đề cập đến rất nhiều thách thức và các hoạt động cụ thể để tập trung giải quyết một số vấn đề môi trường bức xúc trước mắt; đồng thời định hướng cho việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững lâu dài...
Tại hội thảo, các nhà khoa học hàng đầu Thế giới về môi trường đã đem những kiến thức và công trình nghiên cứu được chia sẻ với các nhà khoa học trong nước nhằm góp phần đưa ra những giải pháp tốt nhất trong công tác bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trong tương lai.
Nguồn Moit.gov.vn