Theo đó, Phòng Kiểm tra giám sát mua bán điện – Công ty Điện lực Bắc Kạn bằng những kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm đã nghiên cứu, khai thác và đưa ra sáng kiến, bước đầu được Tổng công ty chấp thuận sáng kiến tại cơ sở với giải pháp mang tên: “Khai thác ứng dụng trên phần mềm cài đặt của nhà sản xuất để xác định thời điểm khách hàng can thiệp tinh vi vào trong công tơ để thực hiện hành vi trộm cắp điện” nhằm kiểm tra, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm trộm cắp điện, can thiệp vào công tơ đã kẹp mã chì niêm phong và xử lý đúng theo quy định hiện hành. Qua đó, khẩn trương thực hiện triển khai đưa sáng kiến áp dụng vào công tác kiểm tra tại Công ty và tiếp tục hoàn thiện sáng kiến gửi Tổng công ty xem xét công nhận sáng kiến để mở rộng giải pháp trên toàn Tổng công ty.
Đến nay, tình trạng trộm cắp điện không chỉ ảnh hưởng đến độ ổn định cung cấp điện, an toàn lưới điện, tổn thất điện năng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn mà còn nguy hiểm đến tính mạng con người khi có sự cố xảy ra. Ngoài các hành vi trộm cắp điện phổ biến như: Câu móc trực tiếp; Đảo cực tính và dùng nguội ngoài; Can thiệp vào sơ đồ đấu dây…, Công ty Điện lực Bắc Kạn còn phát hiện một số trường hợp khách hàng có hành vi trộm cắp điện rất tinh vi, phức tạp, coi thường luật pháp và có chiều hướng lan rộng.
Theo số liệu năm 2023, Công ty Điện lực Bắc Kạn đã kiểm tra và phát hiện ra: 07 vụ trộm cắp điện tại 03 Điện lực (Điện lực Thành phố Bắc Kạn, Điện lực Pác Nặm, Điện lực Chợ Đồn); Thực hiện truy thu 463,502 kWh với số tiền 1.660.857.543đ. Sáu tháng đầu năm 2024, Công ty đã phát hiện, xử lý 01 vụ trộm cắp điện và đã truy thu 540 kWh với số tiền 1.605.456đ.
Để có được giải pháp hữu hiệu, việc tìm ra các trường hợp khách hàng vi phạm can thiệp vào công tơ, làm sai lệch hệ thống đo đếm để trộm cắp điện đòi hỏi cán bộ, nhân viên ngành Điện phải thực hiện nhiều biện pháp nghiệp vụ phức tạp như: Kiểm tra sự thay đổi sản lượng điện đột biến hàng tháng, qua đăng ký sử dụng điện cũng như đối chiếu với sản lượng điện cùng kỳ năm trước. Giải pháp này cũng khó nhận diện với khách hàng sử dụng điện với các dây truyền không cố định. Sử dụng Ampe kìm đo đối chiếu với công tơ đang bán điện cho khách hàng.
Tuy nhiên, với trường hợp can thiệp tinh vi là khi phát hiện có đoàn kiểm tra đối tượng vi phạm có thể điều khiển từ xa (500 mét) để rơle tác động tách tiếp điểm tác động vào mạch dòng trong công tơ. Khi ấy, đoàn kiểm tra thực hiện đo các trị số giữa mạch động lực và trên công tơ đều phù hợp và không có sai lệch; Sử dụng đèn chiếu UV, đèn soi có độ sáng cao kết hợp kính lúp kiểm tra niêm phong để phát hiện có sự tác động vào hệ thống niêm phong. Với giải pháp kiểm tra sự toàn vẹn của niêm phong cũng khó nhận biết khi công nghệ xử lý kín của đối tượng rất tinh vi. Như vậy, chỉ bằng các nghiệp vụ thông thường trước đây sẽ không xác định được ngay tại hiện trường rằng hệ thống đo đếm đã bị can thiệp.
Từ thực trạng trên, bằng những kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm thực tế nhiều năm công tác, Phòng Kiểm tra giám sát mua bán điện Công ty Điện lực Bắc Kạn đã nghiên cứu ứng dụng phần mềm của nhà sản xuất đưa ra giải pháp “Khai thác ứng dụng trên phần mềm cài đặt của nhà sản xuất để xác định thời điểm khách hàng can thiệp tinh vi vào trong công tơ để thực hiện hành vi trộm cắp điện”. Bằng cách khai thác các sự kiện được ghi lại trên công tơ sẽ phát hiện chính xác thời gian khách hàng mở nắp mặt công tơ để can thiệp làm sai lệch công tơ, nhằm kịp thời phát hiện hành vi vi phạm, xử lý đúng theo quy định và pháp luật hiện hành.
Theo đó, bản chất chi tiết của giải pháp này là có thể xác định ngay tại hiện trường công tơ có bị can thiệp hay không. Đồng thời, không cần mở nắp công tơ để kiểm tra, do đó không phải ngừng cấp điện hệ thống đo đếm, không làm ảnh hưởng đến hoạt động sử dụng điện của khách hàng. Với thao tác đơn giản, không mất nhiều thời gian khi kiểm tra, xác định được chính xác thời gian can thiệp vào công tơ để căn cứ tính toán, truy thu chính xác lượng điện năng bị tổn thất thương mại và giá trị tiền có được từ hành vi trộm cắp điện của đối tượng vi phạm. Cùng với đó, căn cứ vào sự kiện được ghi nhận trên công tơ bao gồm số lần và thời gian mở nắp mặt công tơ, số lần và thời gian kết thúc mở nắp mặt công tơ sau thời điểm kiểm định, đã được nhà sản xuất hoặc đơn vị kiểm định niêm phong, để phân tích, đánh giá có sự tác động vào phía trong công tơ hay không, từ đó tổ chức thực hiện các bước kiểm tra đột xuất hành vi trộm cắp điện theo quy định tại Thông tư 42/2022/TT-BCT.
Phòng Kiểm tra giám sát mua bán điện PC Bắc Kạn phối hợp thực hiện giải pháp kiểm tra tại hiện trường với các khách hàng thuộc địa bàn Điện lực Chợ Đồn
Để phát hiện kịp thời các hành vi trộm cắp điện tinh vi mà kiểm tra bằng mắt thường, hoặc các thiết bị đo đếm phổ thông không phát hiện được, giải pháp ứng dụng khai thác phần mềm cải tiến trên đã mang lại hiệu quả kinh tế, lợi ích rất lớn. Đồng thời giúp năng suất lao động tại đơn vị tăng lên, xác định chính xác thời gian khách hàng can thiệp và đảm bảo an toàn khi thực hiện công việc. Qua đó, nâng cao tính chuyển nghiệp cũng như áp dụng công nghệ vào công tác kiểm tra sử dụng điện; Tránh được trường hợp nhầm lẫn do nghi ngờ hệ thống đo đếm bị can thiệp mà tổ chức kiểm tra, kiểm định sau đó không phát hiện được hành vi vi phạm, sẽ gây cảm giác, không hài lòng và bức xúc cho khách hàng.
Giải pháp “Khai thác ứng dụng trên phần mềm cài đặt của nhà sản xuất để xác định thời điểm khách hàng can thiệp tinh vi vào trong công tơ để thực hiện hành vi trộm cắp điện” được xây dựng công phu trên nền tảng công nghệ, đòi hỏi các tác giả phải dày công đầu tư trí tuệ và thời gian để hoàn thiện sản phẩm. Điều này góp phần hiện đại hóa công tác quản trị, vừa tiết kiệm chi phí vừa nâng cao năng suất lao động. Qua đó, tạo cho khách hàng cảm nhận được tính chuyên nghiệp cũng như năng lực của cán bộ, công nhân ngành Điện trong thời kỳ khoa học công nghệ phát triển, từng bước nâng cao vị thế của Công ty Điện lực Bắc Kạn nói riêng và Tập đoàn Điện lực nói chung.
Tráng Quây Dũng