PV: Căn cứ vào dự báo khí tượng thủy văn, mức độ tăng trưởng của phụ tải địa phương và khả năng nguồn điện nhận được của PC Bình Định, ông có nhận định gì về việc cung ứng điện mùa khô năm nay trên địa bàn tỉnh?
Ông Huỳnh Ngọc Việt: Năm 2016, tốc độ tăng trưởng về sản lượng điện thương phẩm của Bình Định luôn đạt trên 10%, con số thực hiện sản lượng điện thương phẩm là 1,5 tỷ kWh, tăng 10,54% so với năm 2015.
Những yếu tố làm tăng sản lượng điện năm 2017 vẫn căn cứ vào dự báo thời tiết, khí hậu, thực tế phát triển phụ tải trong sản xuất và tiêu dùng của địa phương. Điều đó cho phép dự báo nhu cầu phụ tải năm 2017 với công suất cực đại có thể lên đến 300 MW, sản lượng điện thương phẩm dự kiến trên 1,6 tỷ kWh, cao nhất vào thời điểm các tháng mùa khô 5, 6, 7, 8, với sản lượng bình quân có thể trên 162 triệu kWh/tháng. Sản lượng điện cả năm 2017 tăng xấp xỉ 10% so với năm 2016.
Hệ thống điện Bình Định nhận nguồn từ hệ thống điện quốc gia qua 13 trạm biến áp 110 kV với tổng công suất 285,8 MW. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Bình Định còn có 3 nhà máy thủy điện nhỏ: Định Bình, Văn Phong và Tiên Thuận có thể cung cấp thêm 21,9 MW. Với phương thức kết lưới linh hoạt, PC Bình Định kết hợp với các giải pháp kỹ thuật trong vận hành, phấn đấu đảm bảo cung cấp điện, an toàn, ổn định cho khách hàng trong mùa khô năm 2017.
PV: Trong tình hình đó, để bảo đảm đáp ứng đủ nguồn điện liên tục, chất lượng điện áp ổn định phục vụ các nhu cầu tiêu dùng và phát triển KT-XH địa phương, PC Bình Định đã triển khai các giải pháp nào, thưa ông?
Ông Huỳnh Ngọc Việt: Để tiếp tục đảm bảo nguồn điện cho phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân trong tỉnh, từ cuối năm 2016, Công ty Điện lực Bình Định đã lên phương án đảm bảo cung cấp điện cho năm 2017 một cách cụ thể, chi tiết.
Về nguồn điện, năm 2017, tỉnh Bình Định vẫn nhận điện lưới quốc gia qua các trạm BA 220kV và 110 kV trên địa bàn tỉnh.
Để đón được nguồn điện quốc gia tốt nhất, ngay từ những ngày đầu năm 2017, Lãnh đạo PC Bình Định đã đẩy nhanh tiến độ các công trình đầu tư xây dựng, sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên để củng cố lưới điện và phấn đấu đến hết ngày 31/3/2017 sẽ đưa vào vận hành.
Thay các trạm biến áp định kỳ tại thành phố Quy Nhơn
Cụ thể là việc sửa chữa bảo dưỡng đường dây và trạm biến áp (TBA) được lập chi tiết, thống kê công suất của từng xuất tuyến trung áp, lên phương thức vận hành, phương thức kết dây cơ bản của hệ thống điện, lập phương án phân bổ công suất sa thải phụ tải khi hệ thống điện Quốc gia thiếu nguồn, điện cung ứng sẽ được huy động từ 13 trạm nguồn 110, 220 kV và 03 nhà máy thủy điện. Hơn 500 nội dung công tác về bảo dưỡng, đại tu TBA, chen cột, thay dây, xây dựng mới đường dây, thí nghiệm định kỳ TBA... được thực hiện trong các tháng đầu năm trên toàn tỉnh. Ngoài ra, PC Bình Định thường xuyên theo dõi phụ tải, kịp thời đầu tư nâng cấp hệ thống điện và nắm bắt kế hoạch sản xuất của khách hàng, nhất là những khách hàng trọng điểm tập trung ở các KKT, KCN; rà soát, kịp thời xử lý các trường hợp quá tải đường dây, thiết bị đóng cắt, máy biến áp phụ tải, các aptomat tổng, lộ hạ thế; có kế hoạch sang tải, cân pha, hoán chuyển, thay thế kịp thời các máy biến áp bị quá tải do phụ tải tăng cao đột biến…
PC Bình Định bố trí nhiều công tác trong một lần cắt điện để tránh trường hợp khách hàng mất điện nhiều lần; vận động khách hàng điều chỉnh kế hoạch sản xuất, hạn chế công suất tiêu thụ vào các giờ cao điểm; ưu tiên cấp điện cho các giếng nước, các trạm bơm nước nông nghiệp, nhằm đảm bảo sản xuất và ổn định đời sống của nhân dân… Bên cạnh đó, Công ty đã đưa vào sử dụng công nghệ sửa chữa thi công trên đường dây trung thế đang mang điện (hotline), không cần cắt điện, bố trí, tăng cường nhân lực xử lý khi có sự cố xảy ra, nhanh chóng khôi phục cấp điện, hạn chế đến mức thấp nhất phạm vi và thời gian mất điện của khách hàng.
PV: Ngoài các giải pháp trên, để bảo đảm cung ứng đủ điện trong mùa khô, vấn đề tuyên truyền tiết kiệm điện được PC Bình Định tiếp tục thực hiện như thế nào, thưa ông?
Ông Huỳnh Ngọc Việt: Trong các năm qua, PC Bình Định đã thực hiện quyết liệt trong công tác tuyên truyền tiết kiệm điện. Hiệu quả của việc sử dụng điện tiết kiệm đã giúp tỉnh Bình Định hàng năm tiết kiệm được hàng chục triệu kWh, tương ứng 1,5% - 2% sản lượng điện thương phẩm, đủ nguồn điện phục vụ phát triển KT-XH tỉnh nhà. Năm 2011, sản lượng điện tiết kiệm đạt trên 12 triệu kWh thì đến năm 2016 sản lượng điện tiết kiệm đã tăng lên trên 31,2 triệu kWh, vượt 30% so kế hoạch năm.
Công nhân PC Bình Định sửa chữa lưới điện bảo đảm cung ứng điện mùa khô
Trong năm 2017 này, các chương trình tiết kiệm điện được tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt hơn, tuyên truyền phát động rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân tham gia như: Chiến dịch Giờ Trái đất, chương trình “Gia đình tiết kiệm điện”, chương trình “Tiết kiệm điện trong trường học”... Các giải pháp truyền thông như: Tuyên truyền TKĐ trên Đài Truyền hình Bình Định vào chương trình thời sự tối; Phối hợp với Tỉnh đoàn Bình Định, Đoàn khối Doanh nghiệp tỉnh Bình Định triển khai chương trình “Thắp sáng đường quê”, treo băng rôn quảng bá và chạy xe loa cổ động tuyên truyền về TKĐ trên các tuyến phố trong toàn tỉnh, Đoàn Thanh niên và cán bộ nhân viên PC Bình Định chạy xe kết hợp phát tờ rơi tuyên truyền TKĐ trong Chiến dịch Giờ Trái đất; Thực hiện phát tờ rơi tiết kiệm điện đến các hộ dùng điện tại nhà khách hàng và các điểm thu tiền điện tập trung; Gửi hướng dẫn sử dụng điện an toàn, tiết kiệm qua email đến khách hàng sử dụng điện trên địa bàn quản lý; Tuyên truyền tiết kiệm điện qua Thẻ khách hàng....
Thực hiện chủ đề hoạt động năm 2017 của EVN là “Đẩy mạnh khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh, dịch vụ khách hàng và nâng cao hiệu quả đầu tư”. PC Bình Định bằng nhiều giải pháp tích cực trong phương thức vận hành hệ thống điện, trong các chương trình tiết kiệm điện phát động trong nhân dân, PC Bình Định không phải thực hiện việc ngừng, giảm cung cấp điện luân phiên do thiếu nguồn, cung cấp điện ổn định nhất là trong mùa khô, với sản lượng điện thương phẩm năm 2017 cao hơn 10% so với năm 2016, đảm bảo điện cho sinh hoạt và phát triển KT-XH của địa phương.
PV: Xin cám ơn ông!
Văn Thuận (thực hiện)