Hải Phòng hiện đang nằm trong tam giác phát triển kinh tế động lực, cửa ngõ chính xuất khẩu hàng hóa của miền Bắc, nơi đây thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước nhờ ưu thế thuận lợi về giao thông, đồng thời sở hữu hạ tầng công nghiệp đồng bộ.
Có một thực tế là, công nghiệp càng phát triển sẽ kéo theo nhu cầu sử dụng điện trong sản xuất, kinh doanh càng lớn. Cụ thể: Tổ hợp nhà máy sản xuất ô tô Vinfast thuộc Tập đoàn Vingroup trong tháng 8/2018 cần 11,4 MVA; tháng 3/2019 cần 51,9 MVA và dự kiến tháng 3/2020 cần gần 100 MVA. Tổng nhu cầu điện của Công ty TNHH Mặt Trời Cát Bà trên 02 đảo Cát Hải và Cát Bà năm 2019 cần 8 MVA; năm 2020 cần thêm 7 MVA để đưa tuyến cáp treo Cát Hải - Phù Long vào vận hành. Tại một số địa bàn khác của Hải Phòng, như KCN Tràng Duệ, sự gia tăng nhanh chóng của các dự án đầu tư mà nổi bật là các nhà máy LG Display, LG Innotek… cũng kéo theo nhu cầu rất lớn về điện. Theo số liệu kinh doanh từ Tổng công ty Điện lực miền Bắc thì Hải Phòng hiện là một trong bốn địa phương có mức tăng trưởng điện cao nhất các tỉnh phía Bắc (trừ Hà Nội).
Bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu của các phụ tải lớn, thì lưới lưới điện khu vực dân sinh cũng luôn trong tình trạng phải nâng cấp, chống quá tải vì nhu cầu dùng điện tăng cao, đặc biệt trong những ngày thời tiết nắng nóng lên đến 39 – 40 độ C, mới càng thấy “thấm” hơn nỗi khổ nếu thiếu điện. Điện được coi như một “vị cứu tinh” giúp vận hành các thiết bị làm mát như điều hòa, quạt, tủ lạnh… để phục vụ đời sống, sinh hoạt cho người dân. Thời tiết càng oi nóng thì nhu cầu sử dụng các thiết bị tiêu hao điện năng càng tăng cao. Theo thống kê của PC Hải Phòng, sản lượng điện nhận trên hệ thống trong những ngày nắng nóng tăng gấp 1,3 lần ngày thường. Đặc biệt, trong ngày 20/5 là ngày nắng nóng đỉnh điểm của đợt nóng đầu mùa năm 2019, sản lượng điện nhận đầu nguồn toàn thành phố đạt mức kỷ lục mới là 22,3 triệu kWh/ngày.
Trước thực trạng lưới điện có nguy cơ quá tải cục bộ, Công ty đã chủ động xây dựng phương án vận hành hệ thống điện khu vực Hải Phòng, đảm bảo không để quá tải đường dây trung thế và các TBA 110 kV. Song song với đó Công ty cũng thực hiện nâng công suất chống quá tải cho các TBA phân phối, luân chuyển máy biến áp đề phòng sự cố, thay mới và đóng điện nhiều máy biến áp mới. Theo Quy hoạch đã được phê duyệt thì giai đoạn 2016 - 2025, ngành điện Hải Phòng sẽ đầu tư xây dựng mới 4 trạm biến áp 220/110 kV và cải tạo nâng công suất 6 trạm biến áp 220/110 kV, với tổng số công suất được tăng thêm là 2.375 MVA. Đồng thời, xây dựng mới 88 km đường dây 220 kV. Đối với hệ thống lưới điện 110 kV, xây dựng mới 32 trạm biến áp và cải tạo, mở rộng, nâng cấp 27 trạm biến áp với tổng công suất tăng thêm là gần 2.460 MVA; xây dựng mới 416 km đường dây 110 kV,…
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Hưởng – Phó Giám đốc PC Hải Phòng cho biết: “Để đảm bảo an toàn lưới điện cho mùa nắng nóng năm nay, ngay từ những cuối quý I/2019, chúng tôi đã tổ chức kiểm tra công tác chuẩn bị điện phục vụ tại tất cả các đơn vị trực thuộc. Bên cạnh đó, Công ty cũng ngừng toàn bộ công việc sửa chữa (trừ xử lý sự cố) vào những ngày nắng nóng; cử cán bộ, công nhân trực thường xuyên, liên tục 24/24h để giải quyết tình trạng quá tải cục bộ vào những giờ cao điểm; hạn chế cắt điện, tránh gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất của nhân dân”.
Công nhân PC Hải Phòng sửa chữa điện phục vụ chống quá tải
Ngoài việc lập phương án bảo đảm lưới điện vận hành ổn định trong những ngày nắng nóng cao điểm, các ngày lễ, Công ty đã bố trí máy phát điện cùng thiết bị tự động đổi nguồn lưu động trạm biến áp di động, đồng thời tăng cường vật tư thiết bị và nguồn cấp điện dự phòng, sẵn sàng ứng cứu cho các phụ tải quan trọng.
Tại một số điện lực trực thuộc, để chống quá tải, hệ thống lưới điện cũng được đầu tư, cải tạo, nâng cấp. Cụ thể trong tháng 01/2019, Công ty đã tiến hành cải tạo và nâng công suất TBA Sông Rực (huyện Thủy Nguyên) lên 560 kVA, đồng bộ với lưới điện 22 kV. Tại huyện Kiến An, Công ty đã đẩy nhanh đầu tư dự án cải tạo lưới điện 6 kV sang vận hành 22 kV, cấy thêm trên 30 TBA phân phối để san tải sang các TBA lân cận bị quá tải và lập kế hoạch, lên phương án thực hiện thi công hoán đổi nội bộ nâng công suất được 11 MBA; Bổ sung hơn 4.000 mét cáp vặn xoắn các loại để chống quá tải dây dẫn trên đường trục hạ thế… Đồng thời, khi phát hiện cáp xuất tuyến thuộc lộ 1 bị nóng tại TBA Cẩm Xuân (công suất 630 kVA-35/0,4 kV) của huyện Kiến Thụy, Công ty đã tiến hành thay 208 mét cáp vặn xoắn 4x70 bằng cáp vặn xoắn 4x120 để giúp tăng tiết diện cáp nâng công suất chịu tải điện...
Ngoài ra, để sử dụng điện hợp lý, tiết kiệm trong các tháng nắng nóng mùa hè, PC Hải Phòng khuyến cáo các khách hàng thực hiện một số giải pháp tiết kiệm điện như: Thay đổi thói quen tắt đèn, quạt hoặc điều hòa trong nhà khi không có nhu cầu sử dụng; Dùng máy điều hòa ở độ làm mát vừa phải (chênh lệch so với nhiệt độ ngoài trời khoảng từ 3 – 5 độ C), sự ít chênh lệch nhiệt độ giữa bên trong và bên ngoài sẽ giúp tiết kiệm nhiều điện năng. Bên cạnh đó, nên lựa chọn các thiết bị khác có dãn nhán tiết kiệm năng lượng và phù hợp với nhu cầu sử dụng của khách hàng. Tận dụng các nguồn ánh sáng tự nhiên, gió trời, năng lượng tự nhiên thay cho các thiết bị điện thông thường…
Với những giải pháp đồng bộ và sự nỗ lực của Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng cùng việc chung tay sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả từ phía khách hàng đã đóng vai trò quan trọng để chống quá tải, giảm bớt “sức nóng” cho hệ thống lưới điện. Qua đó, góp phần giúp ngành điện Hải Phòng thực hiện tốt công tác quản lý và vận hành lưới điện an toàn, hiệu quả, nâng cao chất lượng cung cấp điện cho khách hàng.
Hồng Trường