Tại PC Lạng Sơn, công tác phát triển lưới điện thông minh luôn được Ban lãnh đạo Công ty đặc biệt quan tâm và chú trọng trong suốt những năm qua. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, PC Lạng Sơn đã gặp phải rất nhiều khó khăn, thử thách. Trong đó, nổi bật là lưới điện do Công ty quản lý đã được xây dựng từ rất lâu năm: Trạm biến áp (TBA) 110 kV Đồng Mỏ (xây dựng năm 1989); Trạm 110 kV Lạng Sơn (xây dựng năm 1995)… Thiết bị cũ nát, lạc hậu và đã vận hành từ lâu nên việc hiện đại hóa lưới điện cần một nguồn vốn đầu tư rất lớn. Mặt khác, hệ thống lưới điện trung áp kết nối yếu do số lượng các TBA 110 kV trên địa bàn tỉnh còn ít; Một số mạch liên lạc với tiết diện dây dẫn nhỏ nên vẫn chưa đáp ứng được tiêu chí N-1. Bên cạnh đó, một số nhân lực tại Công ty vẫn chưa đáp ứng kịp với tốc độ phát triển của công nghệ.
Với tâm niệm không để những khó khăn nội tại ảnh hưởng đến lộ trình phát triển lưới điện thông minh trên địa bàn tỉnh, PC Lạng Sơn đã tổng hợp mọi nguồn lực để tập trung cải tạo, nâng cấp tiết diện các đường dây đã có mạch vòng nhằm nâng cao năng lực truyền tải đảm bảo tiêu chí N-1, đặc biệt là tại các khu vực thành phố và thị trấn. Cùng với đó, Công ty cũng tiến hành xây dựng các mạch vòng liên lạc và đẩy nhanh chương trình tự động hóa lưới điện trung áp DMS theo chỉ đạo của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc. Đặc biệt, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có thể đáp ứng được yêu cầu khắt khe của công việc, ngày 8/4/2021, Đảng bộ Công ty đã ban hành Nghị quyết số 84/ĐUPCLS về thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi huấn nội bộ năm 2021. Trong đó, nổi bật là tổ chức các lớp đào tạo nâng cao kiến thức về công nghệ thông tin; Tổ chức bồi huấn về công tác chuyển đổi số; Ứng dụng các phần mềm quản lý kỹ thuật…
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, đến nay, PC Lạng Sơn đã thực hiện các dự án đầu tư xây dựng đa chia đa nối và xây dựng các mạch vòng liên kết giữa các đường dây trung áp. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã có 41 mạch vòng liên lạc (05 mạch vòng liên lạc ngoại tỉnh và 36 mạch liên lạc nội tỉnh). Ngoài ra, trên lưới trung áp đã được Công ty trang bị 115 máy cắt, 30 LBS và tất cả đã được kết nối xa về Trung tâm Điều khiển xa bằng phần mềm của hãng và SP5. Tỷ lệ kết nối máy cắt về Trung tâm Điều khiển xa là 143/145 máy cắt và LBS (đạt 98,2%, còn 02 máy cắt chưa kết nối được là do 01 MC chủng loại cũ, không có cổng kết nối; 01 MC đã hỏng cổng kết nối và đã được Công ty lên kế hoạch thay thế). Cùng với đó, Công ty đã phối hợp với Công ty TNHH Thí nghiệm điện miền Bắc thực hiện hoàn thành 02 mạch tự động hóa kết nối giữa các Lộ 22kV khu vực thành phố, gồm: Mạch tự động hóa mạch vòng DMS 474E13.2 với 476E13.2 và mạch tự động hóa mạch vòng DMS 473E13.2 với 472E13.2.
PC Lạng Sơn kiểm tra thiết bị tại TBA 110 kV bằng camera nhiệt
Hiện nay, PC Lạng Sơn đã thực hiện cải tạo xong, cũng như hiện đại hóa lưới điện và kết nối 4/4 TBA 110 kV về Trung tâm Điều khiển xa. Tất cả các tín hiệu, thông số vận hành của các TBA 110 kV đã được kết nối về Trung tâm nên việc thực hiện đo thông số vận hành các trạm 110 kV và thao tác xa từ Trung tâm Điều khiển xa đã được thực hiện thành công. Việc phát triển lưới điện thông minh đã góp phần giúp nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và tăng năng suất lao động, giảm thiểu chi phí vận hành nhờ ứng dụng công tơ điện tử và các công nghệ cho phép thu thập số liệu, giám sát, điều khiển các thiết bị trên lưới điện từ xa thông qua mạng viễn thông (sử dụng sim di động để thực hiện kết nối đo xa với các TBA phân phối, sử dụng phần mềm quản lý MBA, sử dụng hệ thống cáp quang để kết nối điều khiển máy cắt…). Qua đó, PC Lạng Sơn đã giám sát được thông số vận hành của các Recloser, TBA phân phối tại các thời điểm khác nhau theo thời gian thực phục vụ công tác quản lý vận hành. Từ đó, kịp thời phát hiện được các thông số đường dây, máy biến áp đầy tải, hoặc non tải…
Ông Phạm Minh Tuấn - Phó Giám đốc PC Lạng Sơn cho biết: Phát triển lưới điện thông minh là xu hướng tất yếu. Bởi, về lâu dài sẽ làm giảm áp lực nguồn vốn đầu tư cho ngành Điện thông qua việc nâng cao hiệu quả vận hành, hỗ trợ cho các giải pháp kỹ thuật để giảm tổn thất điện năng, tăng cường tiết kiệm điện, giảm lao động trực tiếp, đồng thời đảm bảo cung cấp điện ổn định tới khách hàng. Trước những ưu việt nổi bật đó nên việc hiện đại hóa lưới điện thông minh đã nhận được sự quan tâm hàng đầu từ Ban Lãnh đạo PC Lạng Sơn trong suốt thời gian qua. Theo đó, Công ty đã tập trung nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng lưới điện với phương châm đi tắt, đón đầu. Trong đó, nổi bật như: Xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm Điều khiển xa; Hệ thống Giám sát điều khiển xa các trạm Recloser… và nhiều dự án về công nghệ thông tin phục vụ giám sát, điều hành hệ thống điện khác.
Có thể thấy, thông qua việc không ngừng đầu tư và tích cực thực hiện các giải pháp ứng dụng công nghệ mới vào hệ thống điện trong suốt những năm qua, PC Lạng Sơn đã thực hiện tốt các chỉ tiêu được giao với định hướng vận hành hệ thống điện an toàn ổn định, đảm bảo độ tin cậy cung cấp điện cho khách hàng. Những kết quả đạt được đến nay chính là tiền đề để Công ty ngày một hoàn thiện hơn trên lộ trình vận hành lưới điện thông minh, đáp ứng yêu cầu của cuộc các mạng 4.0 của Chính phủ và kế hoạch Chuyển đổi số của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề ra.
Thu Huyền