Theo đó, trong lĩnh vực kinh doanh - dịch vụ khách hàng, khách hàng sử dụng điện của PC Vĩnh Phúc đã có thể tiếp cận tất cả các dịch vụ điện trên không gian số. Giờ đây, chỉ với một chiếc điện thoại thông minh hoặc máy tính có kết nối internet, người dân có thể thực hiện đầy đủ các dịch vụ điện như: Dịch vụ cấp điện mới trung, hạ áp; Dịch vụ miễn phí trong quá trình thực hiện hợp đồng mua bán điện HĐMBĐ, gồm: Thay đổi mục đích sử dụng điện; Thay đổi định mức sử dụng điện; Thay đổi thông tin đã đăng ký, thay đổi chủ thể hợp đồng mua bán điện, gia hạn HĐMBĐ; Chấm dứt HĐMBĐ; Ngoài ra, khách hàng cũng có thể ứng dụng dịch vụ có tính phí trong quá trình thực hiện HĐMBĐ như: Thay đổi công suất sử dụng điện; Thay đổi vị trí thiết bị đo đếm; Cấp điện trở lại theo khách hàng yêu cầu; Kiểm tra/kiểm định thiết bị đo đếm... Hiện nay, các thông tin về ngành Điện cũng được PC Vĩnh Phúc thông báo rộng rãi đến khách hàng thông qua các kênh như: App CSKH, Website CSKH, qua tin nhắn Zalo, Facebook…; Dịch vụ đến cấp độ 4 đã áp dụng 100% với khách hàng, trong đó tất cả khách hàng đều giao dịch trực tuyến mà không cần đến trụ sở Điện lực. Khách hàng được cập nhật thông tin cũng như tiếp cận mọi dich vụ điện lực mọi lúc mọi nơi, nhanh gọn, tiện lợi.
Mặt khác, để tạo thuận tiện cho khách hàng trong việc thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt, PC Vĩnh Phúc đã tăng cường đẩy mạnh hợp tác với các ngân hàng và đối tác trung gian như: Ngân hàng, Bưu điện, Viettel, Payoo, các ví điện tử … để triển khai các hình thức thanh toán tiền điện trực tuyến với lũy kế thanh toán không sử dụng tiền mặt năm 2023 đạt 82,3%. Trong đó, thanh toán qua Ngân hàng đạt 46,06%, thanh toán qua các tổ chức trung gian là 36,26%. Tính đến thời điểm hiện tại, đơn vị quản lý 239.603 công tơ, trong đó có 210.217 công tơ điện tử các loại, chiếm 87,5; Thực hiện chuẩn hóa thông tin cơ sở dữ liệu trên hệ thống phần mềm quản lý CMIS3.0 đối với 100% khách hàng và các TBA công cộng, chuyên dùng.
Bà Nguyễn Thu Anh - khách hàng sử dụng điện của Điện lực Vĩnh Yên (PC Vĩnh Phúc) chia sẻ: “Sử dụng các kênh chăm sóc khách hàng trực tuyến của ngành Điện tỉnh Vĩnh Phúc rất tiện lợi, giờ tôi có thể thanh toán tiền điện không phải đến Điện lực mà ở nhà vẫn thanh toán được. Việc này tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại cho tôi rất nhiều”
Trung tâm Điều khiển xa PC Vĩnh Phúc
Đối với công tác quản lý vận hành lưới điện, nổi bật nhất đó là việc Công ty đã áp dụng công nghệ điều khiển từ xa và TBA không người trực. Với 10 TBA 110kV có tổng công suất đặt là 1120 MVA, các Trạm được thiết kế và xây dựng theo tiêu chí không người trực, gồm nhiều hệ thống hiện đại như: Hệ thống điều khiển, hệ thống camera giám sát… Các thao tác đóng cắt, điều khiển thiết bị trạm được tiến hành tại Trung tâm Điều khiển xa, giải phóng toàn bộ kíp trực, loại bỏ việc ghi chép thủ công toàn bộ các thông số của các thiết bị trạm. Đặc biệt, trong điều kiện thời tiết xấu như mưa gió, bão lũ, sử dụng hệ thống SCADA để thao tác cắt điện các đường dây, TBA, thực hiện cấp điện trở lại cho khách hàng nhanh hơn, ngăn ngừa nguy cơ sự cố gây mất an toàn cho người và thiết bị.
Bên cạnh đó, PC Vĩnh Phúc cũng đã khai thác hiệu quả phần mềm kỹ thuật PMIS trong quản lý và vận hành lưới điện 110kV nhằm cập nhật thông tin, lịch sử vận hành của hệ thống điện và lưu trữ theo từng vị trí, đơn vị cụ thể. Bên cạnh đó, Công ty còn ứng dụng thiết bị Flycam, camera nhiệt để kiểm tra và phát hiện những điểm có nguy cơ mất an toàn trên lưới điện để từ đó sớm có kế hoạch xử lý.
Riêng trong công tác văn phòng, Công ty đã đưa vào ứng dụng hệ thống quản lý nhân sự HRMS và hệ thống văn phòng điện tử D-Office. Nhờ việc khai thác các tiện ích trên phần mềm đã giúp công tác văn phòng được thực hiện nhanh chóng và linh hoạt. Đồng thời tăng hiệu quả và năng suất công việc, tạo sự thuận tiện cho CBCNV cũng như công tác điều hành của các cấp lãnh đạo. Ngoài ra, công tác báo cáo cũng đã được số hoá hoàn toàn qua phần mềm Portal giúp cho việc thống kê và khai thác số liệu báo cáo tập trung và khoa học hơn để rút ngắn thời gian phục vụ cho công tác nghiệp vụ. Việc tổ chức các Hội nghị, cuộc họp thông qua hình thức trực tuyến đã tiết kiệm chi phí tổ chức cũng như giúp chia sẻ thông tin nhanh chóng giữa các điểm cầu.
Trong thời gian tới, toàn thể CBCNV PC Vĩnh Phúc sẽ không ngừng nỗ lực, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, từng bước đẩy mạnh ứng dụng thành tựu công nghệ, hoàn thiện cơ sở dữ liệu để phấn đấu hoàn thành mục tiêu trở thành doanh nghiệp số trong năm 2025. Qua đó, đảm bảo cấp điện an toàn, liên tục, ồn định và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Thạch Thảo