Góp phần thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược
Tổng công ty Xăng dầu mỡ thành lập ngày 12.1.1956, sau đổi tên thành Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (tiền thân của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex).
Ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt - miền Bắc đang bước vào giai đoạn phục hồi kinh tế sau chiến tranh, Petrolimex đã cùng ngành Công Thương đóng góp vào thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược của đất nước: Xây dựng và bảo vệ miền Bắc XHCN, Giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà.
Ngay sau khi thành lập, Petrolimex nhanh chóng tiếp quản các cơ sở, kho cảng, mở rộng phạm vi, mạng lưới hoạt động cung cấp xăng dầu. Đây là thời kỳ cả miền Bắc trở thành một công trường xây dựng. Ngành Công Thương được giao nhiệm vụ xây dựng kết cấu hạ tầng cho nền kinh tế. Các nhà máy điện, cơ khí chế tạo, luyện kim, hóa chất, dệt may, thực phẩm, tạp phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng… nối tiếp nhau ra đời. Mạng lưới cửa hàng mậu dịch quốc doanh, hợp tác xã mua bán, đội thu mua nông, lâm sản thực phẩm hiện diện ở khắp nơi, từ đô thị lớn đến miền biên giới, hải đảo.
Đồng hành cùng những viên gạch đầu tiên chở đến chân công trình xây dựng nên nhà máy công nghiệp, hay những chuyến xe mở rộng giao lưu hàng hóa giữa các địa phương, đưa từng cân muối, lít dầu hỏa đến tận các bản làng xa xôi là dòng chảy xăng dầu ngày đêm không ngừng nghỉ trên khắp các nẻo đường.
Bước vào thời kỳ phá hoại của không quân Mỹ trên bầu trời miền Bắc, cơ sở xăng dầu trở thành trọng điểm đánh phá dữ dội nhất.
Trong cuốn Biên niên sử của Công an Thủ đô đã ghi lại chi tiết kế hoạch của quân địch: “Ném bom các khu dự trữ xăng dầu của Bắc Việt Nam sẽ gây tổn hại nhiều hơn đến khả năng vận chuyển các đồ chi viện chiến tranh ở trong nước và các đường vào Nam Việt Nam hơn là bắn phá bất kỳ một hệ thống riêng biệt nào”.
Kho xăng dầu Đức Giang bị chúng điên cuồng đánh phá nhiều lần, đặc biệt là hai đợt bắn phá gây thiệt hại nghiêm trọng ngày 29.6.1966 và 16.4.1972. Bất chấp hiểm nguy, hàng trăm công nhân đã xông vào chiến đấu với giặc lửa, cứu từng phuy xăng.
Với Tổng kho Xăng dầu Thượng Lý, trong suốt 7 năm, từ 1966 - 1972), Mỹ đã đánh phá 98 trận với hơn 4 nghìn quả bom các loại, hàng chục trận B52 hủy diệt.
Đây cũng là thời kỳ thử thách ác liệt nhất của Petrolimex. Với tinh thần “coi vị trí sản xuất là vị trí chiến đấu”, cán bộ, người lao động Petrolimex đã dũng cảm bám trụ, chiến đấu ngoan cường dũng cảm dưới mưa bom bão đạn, bảo đảm liên tục mạch máu xăng dầu cho Tổ quốc.
Trong những trận chiến ác liệt đó, nhiều tấm gương dũng cảm, anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ như liệt sĩ - cố Tổng giám đốc Phạm Văn Đạt, hy sinh ngay tại trụ sở số 1, Khâm Thiên, Hà Nội; đội trưởng bảo vệ Trương Xuân Lộc, đội phó bảo vệ Lê Xuân Ba (Kho xăng dầu Đức Giang), anh Nguyễn Văn Mậu, công nhân Sở Dầu, Hải Phòng… Máu các anh đã đổ, nhưng huyết mạch xăng dầu vẫn thông suốt, liên tục từ đồng ruộng đến công trường, nông trường, nhà máy, vượt Trường Sơn khói lửa, tới chiến trường miền Nam ruột thịt.
Tổng kết thành tích đóng góp trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho 8 đơn vị thành viên của Petrolimex và danh hiệu Anh hùng Lao động cho đồng chí Lê Văn Thiêm - Chủ nhiệm Công ty Xăng dầu Nghệ Tĩnh.
Truyền thống tiên phong
Sau năm 1975, cả nước bước vào mặt trận mới, hàn gắn vết thương chiến tranh, tiến hành công cuộc Đổi mới. Kết quả, đã từng bước hình thành một ngành Công Thương tự chủ, với cơ sở vật chất kỹ thuật được tăng cường đáng kể. Cơ cấu công nghiệp đã phát triển hoàn chỉnh hơn, bao gồm các ngành công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ và công nghiệp thực phẩm.
Song song đó là một mạng lưới thương nghiệp rộng khắp. Giai đoạn này, nhu cầu về năng lượng, trong đó có xăng dầu gia tăng mạnh mẽ. Để đáp ứng trong tình hình mới, biến chuyển hết sức mau lẹ, Petrolimex đã nhanh chóng chuyển mình cùng ngành Công Thương và đất nước, kịp thời tiếp cận, vận dụng sáng tạo cơ chế quản lý mới.
Cảng dầu B12 - Công ty Xăng dầu B12
Sau hơn 30 năm Đổi mới, đến nay, Petrolimex đã phát triển hệ thống bán lẻ với hơn 2.550 cửa hàng xăng dầu phủ khắp 63 tỉnh, thành; đầu tư hệ thống kho bể, tuyến ống xăng dầu, xây dựng cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại… Đây là sự đầu tư bài bản, chuyên nghiệp của Petrolimex nhằm hướng tới mục tiêu trở thành một Tập đoàn năng lượng hàng đầu của Việt Nam, lấy kinh doanh xăng dầu làm trục chính, thực hiện đa sở hữu, tập trung nguồn lực đầu tư, phát triển các lĩnh vực kinh doanh chính có liên quan và phụ trợ cho kinh doanh xăng dầu.
Vòng thời gian cứ miệt mài quay. 65 năm - thời gian đủ để một hạt giống ươm mầm thành cây cổ thụ; đủ để các thế hệ trong đại gia đình Petrolimex thực hiện khát vọng góp phần cùng ngành Công Thường xây dựng nền tảng hạ tầng kinh tế - kỹ thuật cho đất nước.
Trải qua các giai đoạn với nhiều lần thay đổi cơ cấu, tổ chức và tên gọi, Petrolimex trọn vẹn 65 năm song hành cùng với mọi sự kiện chính trị quan trọng của ngành Công Thương. Nếu có một nhân tố xuyên qua lớp bụi thời gian, băng qua những thăng trầm biến động của Tập đoàn, thì đó hẳn là truyền thống ghi dấu ấn tiên phong trong những bước ngoặt của lịch sử.
Nếu trong thời chiến, mỗi công nhân xăng dầu thực sự là một người lính trung dũng, kiên cường, “quý xăng như máu”, luôn có mặt và đóng góp ở vị trí xứng đáng trong đội ngũ giai cấp công nhân Việt Nam; thì trong thời bình, bản lĩnh tiên phong của mỗi người công nhân xăng dầu tiếp tục phát huy mạnh mẽ, vượt qua khó khăn trong giai đoạn chuyển đổi từ chiến tranh sang hòa bình, từ phân tán sang tập trung, cung cấp đầy đủ, kịp thời nhu cầu xăng dầu cho sản xuất, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Truyền thống tiên phong ấy, được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong hệ thống Petrolimex, được bồi đắp lắng đọng qua mỗi năm, trở thành những tầng “trầm tích” về văn hóa lịch sử, mang dấu ấn đặc trưng, riêng biệt của Petrolimex.
Dòng chảy liên tục ấy là nền tảng để Petrolimex cất cánh thực hiện kinh doanh có hiệu quả, gia tăng lợi ích cho các cổ đông, đồng thời thực hiện nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao phó, góp phần cùng ngành Công Thương xây dựng kết cấu hạ tầng vững chắc cho nền kinh tế.
Petrolimex đang được biết đến, được nhìn nhận là doanh nghiệp xăng dầu tiên phong cung cấp các nguồn nhiên liệu sạch, giảm ô nhiễm môi trường, có mức tiêu chuẩn cao nhất hiện nay tại thị trường Việt Nam, như sản phẩm dầu Điêzen tiêu chuẩn Euro 5, xăng Ron 95 tiêu chuẩn Euro 4.
Dấu ấn tiên phong cũng thể hiện ở chủ động hoàn thiện và nâng cao chuẩn mực quốc quốc tế trong mô hình quản trị doanh nghiệp, minh bạch hơn, áp dụng khoa học công nghệ, tự động hóa trong hoạt động sản xuất kinh doanh và điều hành.
Tính tiên phong còn thể hiện ở sự chuyên nghiệp của người lao động Petrolimex ngang bằng với mặt bằng chung trong khu vực và quốc tế.
Nhưng trên hết, tính tiên phong của Petrolimex chính là tạo ra một dòng chảy liên tục qua các thế hệ, mà trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người lao động Petrolimex luôn cống hiến hăng say hết mình vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và sự thịnh vượng của nước nhà.
Truyền thống tiên phong chính là “trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp”, chảy trong huyết quản mỗi cán bộ hoạch định chiến lược, mỗi công nhân vận hành đường ống, mỗi lái xe chở xăng dầu ngược đỉnh đèo Pha Đin, Ô Quy Hồ… Với Petrolimex, trách nhiệm xã hội vừa là các hoạt động mang tính nhân đạo, vừa bao gồm trách nhiệm bảo đảm tăng trưởng kinh tế hiệu quả song hành với bảo vệ môi trường, tuân thủ pháp luật, đạo đức kinh doanh.
Lịch sử 65 năm của Petrolimex là lịch sử của những bước ngoặt, những dấu ấn tiên phong trong hiện đại hóa dây chuyền công nghệ, đổi mới năng lực quản trị, xây dựng mối quan hệ hài hòa trong đơn vị, trong đào tạo đội ngũ lao động bài bản, lành nghề “để tiến xã hơn” và dâng hiến cho đời dòng chảy năng lượng “xanh” hơn, “sạch” hơn.
Theo Lao động