Thứ Bẩy, 23/11/2024 00:59:37 GMT+7
Lượt xem: 1314

Tin đăng lúc 18-07-2021

Phấn đấu có một vaccine COVID-19 'made in Vietnam' được sản xuất thành công trong năm 2021

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh mong muốn trong năm 2021, có một nhà sản xuất vaccine trong nước sản xuất thành công vaccine COVID-19.
Phấn đấu có một vaccine COVID-19 'made in Vietnam' được sản xuất thành công trong năm 2021
Việt Nam phấn đấu trong năm 2021, có một nhà sản xuất vaccine trong nước sản xuất thành công vaccine phòng COVID-19. Ảnh minh họa

Tại cuộc họp trực tuyến của Tổ công tác đặc biệt về nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, phát triển vaccine phòng COVID-19 vừa diễn ra, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã mời chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hỗ trợ Việt Nam về nghiên cứu, sản xuất vaccine, để Việt Nam nhanh chóng sản xuất được vaccine trong nước, bảo đảm tự chủ về vaccine cho nhu cầu của nhân dân.

 

"Chính vì vậy, chúng ta phải làm sao để tranh thủ tận dụng tối đa hỗ trợ của chuyên gia của WHO trong công nhận phòng xét nghiệm, công nhận tiến trình thử nghiệm lâm sàng và quan trọng nhất là công nhận vaccine phòng COVID-19 của Việt Nam, để tiến tới tự chủ vaccine và có thể xuất khẩu”, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.

 

Tại cuộc họp, sau khi nghe báo cáo tổng hợp của Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) về tình hình nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng vaccine phòng COVID-19 trong nước và chuyển giao công nghệ, các thành viên tham dự cuộc họp đã bàn thảo để thống nhất kế hoạch mời chuyên gia của WHO. Đồng thời, thảo luận các giải pháp đẩy nhanh nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vaccine Nanocovax, vaccine COVIVAC trong nước; thống nhất kế hoạch hợp tác chuyển giao công nghệ, kế hoạch triển khai thử nghiệm lâm sàng vaccine chuyển giao công nghệ.

 

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết, Tổ công tác đặc biệt sẽ hỗ trợ tối đa cho các đơn vị nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng COVID-19 trong nước, với phương châm chủ động tối đa, linh hoạt, các đơn vị cần đến đâu, chuyên gia của Tổ công tác đặc biệt hỗ trợ đến đó.

 

Thứ trưởng cũng giao các vụ, cục chức năng liên quan của Bộ Y tế hỗ trợ tối đa cho các đơn vị nghiên cứu, sản xuất và nhập khẩu, cấp phép vaccine phòng COVID-19 trong trường hợp khẩn cấp. Bộ Y tế cũng sẽ sớm trình Chính phủ kế hoạch sử dụng nguồn ngân sách từ Quỹ vaccine phòng COVID-19 hỗ trợ triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 (đối với các vaccine nghiên cứu sản xuất trong nước và chuyển giao công nghệ).

 

“Chúng ta ứng xử với công tác nghiên cứu, phát triển vaccine phòng COVID-19 trong nước với tinh thần khoa học, linh hoạt. Phấn đấu sớm nhất trong năm 2021, có một nhà sản xuất vaccine trong nước sản xuất thành công vaccine phòng COVID-19”, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.

 

Cũng theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, song song với thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước, Việt Nam cũng đã và đang nỗ lực đàm phán, trao đổi với các đối tác nước ngoài để có thêm vaccine phòng COVID-19, phục vụ tiêm chủng cho nhân dân. Bộ Y tế cũng đã và đang đàm phán với nhiều đối tác về chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine.

 

Liên quan tới vấn đề phát triển vaccine "made in Vietnam", tính đến ngày 14/7, các trung tâm tham gia nghiên cứu thử nghiệm vaccine Nano Covax giai đoạn 3 đã hoàn thành tiêm mũi 1 cho 13.000 người, đồng thời chuẩn bị hoàn tất mũi tiêm thứ 2 cho 1.000 người đầu tiên. GS.TS, Thiếu tướng Hoàng Văn Lương, Phó Giám đốc Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) cho biết, sau khi tiêm, 13.000 tình nguyện viên có sức khỏe ổn định, không xuất hiện trường hợp gặp phản ứng ngoài sự kiến.

 

Theo đó, sau khi thử nghiệm giai đoạn 1, giai đoạn 2, vaccine Nano Covax được đánh giá khá an toàn nên tiêu chí tuyển tình nguyện viên sẽ nới lỏng hơn 2 giai đoạn trước đó. 13.000 tình nguyện viên tham gia giai đoạn 3 từ 18-75 tuổi, chỉ cần kiểm tra công thức máu và kiểm tra kháng thể với SARS-CoV-2. Những người đã phơi nhiễm với SARS-CoV-2 hoặc có sẵn kháng thể sẽ bị loại khỏi nhóm đối tượng thử nghiệm.

 

Trong đợt đầu của giai đoạn thử nghiệm thứ 3, khoảng giữa tháng 6/2021, hơn 1.000 tình nguyện viên đầu tiên hoàn thành mũi 1, theo tỉ lệ 6:1, tức 6 người tiêm vaccine, 1 người tiêm giả dược. Từ ngày 2/7, các đơn vị triển khai tiêm thử nghiệm trên 12.000 tình nguyện viên còn lại theo tỉ lệ 2:1, tức 2 người tiêm vaccine, 1 người tiêm giả dược.

 

Giai đoạn 3 việc tiêm thử nghiệm vaccine Nano Covax tiếp tục được thực hiện tại nhiều trung tâm-ở phía Bắc do Học viện Quân y làm đầu mối triển khai, phối hợp với Sở Y tế tỉnh Hưng Yên triển khai tại tỉnh (khoảng 6.000 tình nguyện viên). Phía Nam do Viện Pasteur TPHCM làm đầu mối triển khai, phối hợp với Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Long An và Tiền Giang triển khai tại các địa phương (khoảng 6.000 tình nguyện viên). Dự kiến, mũi thử nghiệm thứ 2 vaccine Nano Covax của giai đoạn 3 kết thúc trước ngày 15/8.

 

Vaccine phòng COVID-19 Nano Covax được Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen phát triển từ tháng 5/2020, dựa trên công nghệ protein tái tổ hợp. Trước khi thử nghiệm giai đoạn 3, vaccine này đã trải qua 2 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng: Giai đoạn 1 bắt đầu từ ngày 18/12/2020; giai đoạn 2 từ ngày 26/2/2021; giai đoạn 3 chính thức từ ngày 11/6/2021.

 

Theo đề cương đã được phê duyệt, giai đoạn 3 tiêm thử nghiệm vaccine Nano Covax nhằm đánh giá yếu tố hiệu lực bảo vệ của vaccine đối với cộng đồng và được thực hiện tại nhiều trung tâm trong nước với 13.000 người; chỉ thực hiện tiêm nhóm liều duy nhất 25 mcg và nhóm tiêm giả dược đối chứng. Qua 2 giai đoạn đầu, kết quả thử nghiệm cho thấy, 100% tình nguyện viên đều sinh miễn dịch tốt. Tỉ lệ chuyển đổi huyết thanh đạt trên 99%.

 

Theo VietQ


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang