Theo thống kê của Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), tại TP. Hà Nội, năm 2014, Cục đã kiểm tra xử lý 1.081 vụ hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. 9 tháng đầu năm 2015, lực lượng này kiểm tra, xử lý 894 vụ vi phạm, phạt tiền 6,8 tỷ đồng, tịch thu hàng hóa vi phạm trị giá 4,8 tỷ đồng.
Đại diện Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an) - cho biết: Tình hình xâm phạm sở hữu trí tuệ (SHTT), sản xuất, buôn bán hàng giả ở Việt Nam diễn ra ngày càng phức tạp và tinh vi. Năm nay, nổi cộm lên là vấn đề hàng giả, vi phạm SHTT: Thuốc tân dược giả, thực phẩm chức năng nhái; các mặt hàng lương thực, thực phẩm, mỹ phẩm giả.
Về cơ chế, chính sách, đại diện Cục Cảnh sát kinh tế nhận định: Thực tế, Luật SHTT Việt Nam ra đời từ năm 2005, đến năm 2009, luật được sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, văn bản quy phạm pháp luật hiện hành vẫn còn nhiều điểm bất cập. Thứ nhất, quy định về SHTT còn mang nặng tính nguyên tắc chung, chưa đầy đủ và thiếu cụ thể. Một số nội dung về SHTT còn thiếu như: Tín hiệu vệ tinh mang chương trình mã hóa, chương trình phần mềm máy tính, thủ tục chấp nhận nhãn hiệu đăng ký quốc tế, công nhận nhãn hiệu nổi tiếng… Thứ hai, quy phạm pháp luật về bảo hộ quyền SHTT chồng chéo, trùng lặp. Hiện nay, có đến 5 cơ quan thực thi quyền SHTT gồm: Cảnh sát kinh tế, quản lý thị trường, hải quan, bộ đội biên phòng, thanh tra chuyên ngành dẫn đến lúng túng trong công tác thực thi. Ngoài ra, xử lý vi phạm SHTT theo pháp luật hiện hành tuy có 3 biện pháp (dân sự, hành chính, hình sự) nhưng việc quy định về trình tự, thủ tục thực hiện chưa đầy đủ, rõ ràng dẫn đến thời gian xử lý vụ việc kéo dài, không hiệu quả. Cục Cảnh sát kinh tế kiến nghị: Cần tiến hành ngay việc sửa Luật SHTT cho phù hợp với thực tế.
Bà Đỗ Thị Minh Thủy – Trưởng phòng Thanh tra 1 (Thanh tra Bộ Khoa học – Công nghệ) - cho rằng, cơ chế hành chính đang đóng vai trò chủ đạo trong xử lý xâm phạm quyền SHTT. Việc này khiến công tác thực thi quyền SHTT chưa có tính răn đe. Trong khi đó, nhiều vụ việc cần được khởi tố hình sự, cụ thể như: Nạn thuốc tân dược, phân bón giả, kém chất lượng, gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người cũng như sự phát triển của cả nền nông nghiệp.
Đồng tình với kiến nghị sửa đổi Luật SHTT, nhiều đại biểu tham dự hội thảo bổ sung: Để nâng cao tính răn đe trong thực thi quyền SHTT, cần tăng cường biện pháp hình sự, đẩy mạnh biện pháp dân sự thay vì xử phạt hành chính như hiện tại.
Ông Lê Ngọc Lâm – Phó Cục trưởng Cục SHTT:
Sửa đổi Luật SHTT trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết. Chúng tôi sẽ hoàn thiện dự thảo và trình lên Quốc hội trong năm 2016.
|
Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử