Chủ cơ sở sản xuất phân bón Nguyễn Hoàn cho biết, hơn 3 năm nay, xưởng chuyên nhận phân gà và vỏ cà phê của dân để gia công. Toàn bộ quy trình chỉ đơn giản là ủ cho phân hủy, pha trộn, đóng bao, nhận tiền gia công 1.000 đồng cho mỗi bao 12 kg.
Tuy nhiên, đoàn thanh tra phát hiện tại xưởng có nhiều vỏ bao 50 kg in rõ một số thông tin quảng cáo, có phân tích thành phần, công dụng, giới thiệu đây là loại phân bón có khả năng tiêu diệt vi sinh gây bệnh, cung cấp dinh dưỡng đầy đủ cho cây trồng, do công ty TNHH Hoàng Nguyên Cát địa chỉ tại 22/1 đường số 8, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TPHCM sản xuất.
Ông Hoàn giải trình số bao in mới có nhãn hiệu phân bón vi sinh này do khách hàng tự đem đến, in gì và đưa về đâu ông không quan tâm. Ông Hoàn cũng xác nhận trước đây, cảnh sát môi trường từng xử phạt cơ sở này về hành vi sản xuất phân bón không phép gây ô nhiễm môi trường, nhưng sau đó vẫn cho tồn tại.
Cũng tại xã Cư Ea Bua, đoàn kiểm tra đã phát hiện xưởng sản xuất phân bón của ông Nguyễn Thành Cao cũng có dấu hiệu vi phạm. Khi kiểm tra, ông Cao cho biết, xưởng hoạt động đã hơn 5 năm. Nguyên liệu lấy từ nguồn phân gà trong trang trại của ông pha với vỏ quả cà phê hoặc do “khách hàng đưa tới nhờ gia công”, tương tự như bên xưởng ông Hoàn.
Ông Cao cho biết: “Cũng mấy lần được cán bộ địa phương nhắc nhở về vệ sinh môi trường, lưu ý đừng để dân chúng khiếu nại vì ô nhiễm.”
Thanh tra Bộ đã lập biên bản, yêu cầu 2 chủ xưởng sản xuất phân bón giả, phân bón không phép ký xác nhận cùng đại diện nhà chức trách và mời 2 chủ xưởng ngay chiều ngày 21/4 đến trụ sở Sở NN&PTNT Đắk Lắk để đoàn tiếp tục làm rõ các vấn đề liên quan.
Trước đó, ngày 19/4, Thanh tra Bộ NN&PTNT phối hợp với lực lượng công an thuộc Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49, Bộ Công an) đã bất ngờ kiểm tra nhà máy sản xuất thuốc thú y của Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Thú y tại phường Biên Giang, quận Hà Đông, TP. Hà Nội (có văn phòng Cty tại số 19/37 Đông Các, Đống Đa, Hà Nội).
Toàn bộ “dây chuyền sản xuất” của Công ty chỉ vẻn vẹn vài chiếc máy quay pha trộn nguyên liệu và máy đóng gói đã cũ nát, hoen gỉ. Tất thảy việc sản xuất, pha trộn, đóng gói đều bằng phương pháp thủ công.
Kiểm tra tại hiện trường, cơ quan chức năng phát hiện một lượng lớn nguyên liệu chưa chế biến cùng hàng loạt các sản phẩm đã được đóng gói, hầu hết là thức ăn bổ sung. Tại đây, cơ quan chức năng còn phát hiện hàng loạt sản phẩm thuốc kháng sinh điều trị bệnh cho vật nuôi mà chỉ có các nhà máy sản xuất thuốc thú y đạt tiêu chuẩn GMP với dây chuyền hiện đại hàng trăm tỉ đồng mới được phép sản xuất. Có thể kể ra một số tên thuốc như: Thuốc tiêu chảy đặc trị; thuốc đặc trị phân trắng, phân xanh, phân vàng cho gia súc nhãn hiệu BTV-FUGACOMIX...
Theo ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành (Thanh tra Bộ NN&PTNT), Trưởng đoàn kiểm tra, Bộ NN&PTNT đã có quy định kể từ năm 2014, tất cả các nhà máy sản xuất thuốc thú y tại Việt Nam đều phải có chứng nhận đạt tiêu chuẩn sản xuất GMP (theo tiêu chuẩn GMP của WHO, GMP ASEAN hoặc Euro GMP). Theo đó, các nhà máy chưa được cấp chứng nhận GMP không còn được phép sản xuất tất cả các loại thuốc thú y (kể cả dạng bột và dạng nước).
Tuy nhiên, qua trinh sát của C49 (Bộ Công an), mặc dù chưa được cấp chứng nhận GMP nhưng từ năm 2014 đến nay, Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Thú y vẫn đều đặn sản xuất các mặt hàng thuốc thú y, nhất là thuốc kháng sinh. Tại thời điểm kiểm tra cho thấy, Công ty này đang sản xuất tổng cộng 9 loại kháng sinh trong tổng số 11 loại kháng sinh đã đăng ký sản xuất với Cục Thú y. Đáng chú ý, trên bao bì sản phẩm kháng sinh do Công ty này sản xuất, nhiều loại có ghi: “Sản xuất tại nhà máy GMP-WHO KCN Trường An-An Khánh-Hà Nội”.
Về vấn đề này, ông Phạm Tiến Dũng cho biết: Theo quy định hiện hành, các nhà máy sản xuất thuốc thú y hiện chưa được cấp chứng nhận GMP vẫn có thể nhập khẩu nguyên liệu và sản xuất thuốc thú y, nhưng với điều kiện nhà máy này phải ký hợp đồng gia công với các nhà máy khác đã có chứng nhận GMP. Cụ thể, Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Thú y khai nhận, họ có ký hợp đồng gia công thuốc với Công ty Cổ phần Phát triển Công nghệ Nông thôn (gọi tắt là RTD), có nhà máy tại KCN Trường An, An Khánh, Hà Nội.
Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, Công ty không xuất trình được bất kỳ giấy tờ nào về hợp đồng gia công với Công ty RTD, cũng như hóa đơn, chứng từ truy nguyên nguồn gốc nguyên liệu đầu vào, đầu ra. Điều này cho thấy các sản phẩm thuốc kháng sinh của công ty này không hề được sản xuất tại công ty RTD mà chỉ dán nhãn khống trên bao bì sản phẩm.
Đoàn thanh tra đã tiến hành niêm phong toàn bộ nguyên liệu và các sản phẩm thuốc thú y tại Công ty này, đồng thời yêu cầu đình chỉ sản xuất và tiếp tục tiến hành kiểm tra, lấy số liệu sản xuất từ năm 2014 đến hết tháng 3/2015.
Nguồn: Chinhphu.vn