Thứ Sáu, 22/11/2024 01:01:10 GMT+7
Lượt xem: 3261

Tin đăng lúc 05-11-2016

Phát triển công nghiệp hỗ trợ - Cần những giải pháp nỗ lực cộng hưởng

Có thể nói, công nghiệp hỗ trợ (CNHT) hiện được xem là một trong bốn yếu tố quan trọng trong việc xây dựng lợi thế cạnh tranh quốc gia. Tuy nhiên, sau nhiều năm có chủ trương phát triển CNHT, doanh nghiệp (DN) Việt Nam tham gia lĩnh vực này vẫn chỉ dừng lại ở vòng ngoài, chưa đủ lực tham gia sâu vào chuỗi cung ứng sản xuất công nghiệp dẫn đến tỉ lệ nội địa thấp. Chính vì vậy, việc đưa ra các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển CNHT Việt Nam đang là vấn đề cấp thiết hơn bao giờ hết.
Phát triển công nghiệp hỗ trợ - Cần những giải pháp nỗ lực cộng hưởng
Thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam là yêu cầu cấp bách

Trong bối cảnh nền kinh tế đất nước đang trên đà hội nhập mạnh mẽ, cùng với việc nguồn vốn FDI đổ vào lĩnh vực chế tạo ngày càng tăng, thì ngành CNHT Việt Nam được coi là một trong những ngành sở hữu nhiều cơ hội vàng để phát triển. Thế nhưng trên thực tế, Việt Nam vẫn đang lãng phí nguồn thu hàng chục tỉ USD Mỹ hàng năm cho việc nhập khẩu phụ kiện phục vụ cho sản xuất công nghiệp.

 

Cụ thể, trong giai đoạn 2011 – 2015, đầu tư từ các DN có vốn FDI chiếm trên 80% số DN sản xuất linh kiện phụ tùng của VN, tập trung vào linh kiện điện, điện tử và linh kiện kim loại. Riêng đối với nhóm công nghệ cao, tỷ lệ nội địa hóa chỉ chiếm khoảng 17% giá thành sản phẩm. Nguyên nhân là do các DN CNHT của Việt Nam đang phải đối mặt với việc thiếu vốn và công nghệ, hạn chế đầu tư nhà nước, cùng với đó, năng lực sản xuất của đa số các DN còn nhiều hạn chế như: Công nghệ lạc hậu, khả năng cạnh tranh thấp, nguyên vật liệu phụ thuộc phần lớn vào các nhà cung cấp nước ngoài. Đây cũng là những yếu tố khiến DN VN tham gia chuỗi cung ứng còn thấp.

 

Tại Hội thảo báo cáo kết quả nghiên cứu “Thúc đẩy phát triển CNHT Việt Nam” do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương và Viện Nghiên cứu Mitsubishi (MRI - Nhật) tổ chức mới đây, TS Yoichi Sakurada - chuyên gia của MRI, thẳng thắn chỉ ra thực tế là các trung tâm hỗ trợ DN nhỏ và vừa của Việt Nam hiện chỉ tập trung hỗ trợ hành chính, chứ không tư vấn về công nghệ, kỹ thuật như ở Nhật, nên không đáp ứng được nhu cầu của DN, dẫn đến lãng phí rất lớn về tài chính và nhân lực. Kết quả, sau 20 năm, ngành CNHT của Việt Nam vẫn chỉ dừng lại ở mức độ “chập chững”, DN chưa đủ lực để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

 

Ông Nguyễn Hoàng – Chủ tịch Hiệp hội DN ngành CNHT Hà Nội cho biết, với sức ép và thị phần lớn như hiện nay, các DN CNHT VN vẫn có thể chiếm lĩnh thị trường nếu có những giải pháp nỗ lực cộng hưởng với nhau để cùng tham gia sản xuất các sản phẩm CNHT, đặc biệt là cần có sự hỗ trợ lớn của Nhà nước. Hiện Hiệp hội đang đề xuất với Chính phủ sử dụng nguồn vốn ODA, hoặc vốn vay ưu đãi thương mại nước ngoài để cho các DN CNHT vay vốn để đầu tư mua máy móc thiết bị để sản xuất. Bên cạnh đó, tham mưu cho Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc ban hành các chính sách sát với thực tế để hỗ trợ tốt cho các DN, tạo ra sân chơi chung cho cộng đồng DN CNHT kết nối với nhau, cùng sản xuất ra các sản phẩm, hàng hóa cung cấp được cho các tập đoàn sản xuất lớn.

 

Theo quy hoạch phát triển công nghiệp đến năm 2020, phấn đấu sản phẩm CNHT đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho hoạt động SX tiêu dùng nội địa, xuất khẩu 25% giá trị SX công nghiệp, đến 2030 sản phẩm CNHT đáp ứng 70% nhu cầu cho SX tiêu dùng nội địa, chiếm khoảng 14% giá trị SX toàn ngành công nghiệp. Để làm được điều này, bên cạnh việc các DN CNHT của VN cần phải nỗ lực cao trong việc đổi mới công nghệ, chủ động đưa ra các giải pháp thích hợp với tình hình thực tế, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và nâng cao sức cạnh tranh, thì rất cần sự hỗ trợ hơn nữa của Nhà nước để ngành CNHT trong nước phát triển./.

 

Đức Minh


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang