Thứ Sáu, 22/11/2024 04:50:07 GMT+7
Lượt xem: 3555

Tin đăng lúc 24-12-2019

Phát triển công nghiệp hỗ trợ - Giải pháp cho ngành Dệt May phát triển bền vững

Dệt May là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam (VN). Xuất khẩu dệt may nước ta đang nằm trong top những nước xuất khẩu dệt may cao nhất thế giới và được kỳ vọng là sẽ tiếp tục tăng tốc khi VN đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA.
Phát triển công nghiệp hỗ trợ - Giải pháp cho ngành Dệt May phát triển bền vững
Ngành dệt may sẽ khó phát triển bền vững nếu thiếu CNHT

Tuy nhiên, để có thể tận dụng được các lợi thế mang lại từ những hiệp định này, các chuyên gia cho rằng, ngành Dệt May của VN phải đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu về quy tắc xuất xứ, mà giải pháp bền vững cần chú trọng xây dựng là CNHT dành cho ngành Dệt May trong nước.

 

Tiềm năng còn rất lớn

 

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ngành Dệt May VN đóng góp 10% giá trị sản xuất công nghiệp toàn quốc, tạo công ăn việc làm cho 2,7 triệu lao động, chiếm tỷ lệ 25% tổng số lao động trong ngành công nghiệp, là ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 2 cả nước. Trong giai đoạn 2009 – 2018, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may liên tục tăng trưởng với tốc độ trung bình ở mức 13,06%.

 

Trong 9 tháng năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt 29,24 tỷ USD, tăng 9,23% so với cùng kỳ, trong đó, tỷ trọng xuất khẩu của các DN đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 59% tổng giá trị. Thị trường xuất khẩu chủ lực là Mỹ, EU, Hàn Quốc và Nhật Bản.

         

Với những tiềm năng sẵn có trong bối cảnh hội nhập, cùng với việc VN đã ký và tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, ngành Dệt May được đánh giá là một trong những ngành sẽ được hưởng lợi nhiều từ các hiệp định này. Các chuyên gia cho rằng, nhờ hưởng lợi thuế quan từ CPTPP và EVFTA, hàng dệt may VN sẽ trở nên cạnh tranh hơn, tổng giá trị xuất khẩu có thể tăng thêm 4,04% và nhập khẩu tăng thêm 3,8% vào năm 2035, tổng số việc làm tăng thêm hàng năm khoảng 20.000 đến 26.000 lao động, đặc biệt, trong trường hợp đáp ứng được các điều kiện về nguyên tắc xuất xứ, Dệt May VN dự kiến tăng gấp đôi thị phần tại thị trường các nước CPTPP sau khi FTA này có hiệu lực kể từ năm 2019.

 

Tuy nhiên, theo TS.Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, mức độ tận dụng được những ưu đãi trên của VN đã được cải thiện rất nhiều những vẫn khá thấp. Tính tất cả các FTA thì VN mới chỉ vận dụng được khoảng 39% giá trị hàng xuất khẩu. Qua đó thấy rằng, tiềm năng của ngành này còn rất lớn.

 

 

Ngành dệt may sẽ khó phát triển bền vững nếu thiếu CNHT

 

Điểm nghẽn của ngành Dệt May

 

Rõ ràng triển vọng phát triển ngành Dệt May là rất tích cực, tuy nhiên, ngành này cũng sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn, chưa thể hưởng lợi nhiều ngay lập tức từ các hiệp định bởi các hàng rào phi thuế quan như: Chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ…, đặc biệt là chưa đáp đứng được yêu cầu quy định về nguyên tắc xuất xứ.

 

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May VN cho rằng, nguồn cung nguyên liệu ngành Dệt May chính là nút thắt lớn trong việc hưởng cơ hội mà EVFTA mang lại. Bởi ngành Dệt May VN chủ yếu chỉ thực hiện những công đoạn đơn giản như gia công và đến 90% nguyên phụ liệu cho ngành Dệt May đang phải nhập khẩu từ những thị trường chưa ký hiệp định FTA với EU. Do vậy, các tiêu chuẩn về quy tắc xuất xứ cao của EVFTA sẽ là thách thức rất lớn với các DN dệt may VN, đặc biệt là khâu dệt, nhuộm hoàn tất.

 

Trong khi đó, tại VN, khâu dệt, nhuộm hoàn tất lại chưa phát triển được do liên quan đến việc xử lý nước thải. Các dự án liên quan đến dệt, nhuộm hoàn tất đều không được các địa phương hoan nghênh. Bên cạnh đó, việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải trong dệt nhuộm là rất tốn kém, chính vì vậy, các DN chưa mặn mà đầu tư vào lĩnh vực này.

 

 

Ngành dệt may sẽ khó phát triển bền vững nếu thiếu CNHT

 

Phát triển CNHT phải là trọng tâm ưu tiên

 

Các chuyên gia cho rằng, để thao gỡ nút thắt giúp ngành Dệt May có thể tự chủ hơn về nguyên phụ liệu, cần coi phát triển CNHT là một ưu tiên trọng tâm. Phải có quy hoạch quốc gia về xây dựng những vùng nguyên liệu, chiến lược về phát triển các vùng nguyên liệu hoặc các nguồn nguyên liệu nhập khẩu thay thế. Song song với đó là chú trọng việc đào tạo nguồn nhân lực.

 

Bà Nguyễn Thị Xuân Thúy – Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển CNHT Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho rằng, thời gian qua, ngành Dệt May đã đạt được nhiều mục tiêu quan trọng, tuy nhiên cũng có những mục tiêu chưa đạt được, trong đó, quan trọng nhất là việc hình thành chuỗi giá trị và đáp ứng nhu cầu vải sử dụng trong nước cũng như xuất khẩu. Để giải quyết vấn đề này và nâng giá trị của Dệt May VN cao hơn trong chuỗi giá trị, cần tập trung vào việc xây dựng năng lực của các DN trong nước xuyên suốt toàn bộ chuỗi giá trị, bao gồm từ khâu kéo sợi, dệt vải đến khâu thiết kế nhằm liên kết toàn bộ ngành Dệt May. Cùng với đó là tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời, phải giải quyết được vấn đề môi trường. Ngoài ra, những vấn đề về thuế và hoàn thuế, khả năng tiếp cận nguồn vốn; quỹ đất của các DN dệt may, đặc biệt là đối với các DN dệt nhuộm, cũng cần quan tâm.

 

Phía các DN thì đề xuất, cần có những thêm cụm công nghiệp tập trung để thu hút các DN CNHT ngành Dệt May, trong đó, cụm công nghiệp sẽ chịu trách nhiệm xử lý nước thải tập trung còn xử lý cục bộ sẽ do các DN chịu  trách nhiệm. Nếu được vậy, những khó khăn của DN trong việc xử lý nước thải của khâu nhuộm hoặc các loại nguyên phụ liệu liên quan đến môi trường như xi mạ trong sản xuất nút kim loại hoặc các công đoạn của ngành May như mài, in sẽ được tháo gỡ. Như vậy giá thành sản phẩm sẽ cạnh tranh hơn và môi trường cũng được quản lý chặt chẽ hơn.

 

Có thể thấy, phát triển CNHT là yêu cầu tất yếu cho sự phát triển của ngành Dệt May VN trong bối cảnh hội nhập. Chỉ khi CNHT phát triển, các DN dệt may trong nước mới có thể tự chủ về nguyên phụ liệu, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong các sản phẩm xuất khẩu, đáp ứng được yêu cầu về quy tắc xuất xứ. Đây cũng chính là cơ sở để các DN dệt may VN tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu./.

 

Minh Vũ


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang