Chủ Nhật, 24/11/2024 00:51:35 GMT+7
Lượt xem: 2577

Tin đăng lúc 10-02-2018

Phát triển công nghiệp may ở Nghệ An theo hướng xuất khẩu, tạo thương hiệu

Cùng với các lĩnh vực khác, hiện nay Nghệ An đã thu hút nhiều doanh nghiệp may xuất khẩu đầu tư và hoạt động trên địa bàn tỉnh, giải quyết nhiều việc làm cho lao động nữ và làm thay đổi diện mạo kinh tế vùng nông thôn.
Phát triển công nghiệp may ở Nghệ An theo hướng xuất khẩu, tạo thương hiệu
Một góc dây chuyền may chi nhánh Hanosimex ở huyện Nam Ðàn (Nghệ An).

"Ly nông, không ly hương"

 

Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, Hồ Thị Thủy (20 tuổi), ở xã Tân Sơn, huyện Quỳnh Lưu loay hoay tìm kiếm việc làm. Thủy định vào nam hoặc ra bắc tìm việc, nhưng bố mẹ khuyên nhủ cho nên em quyết định tìm việc ở gần nhà, rồi lo chuyện chồng con. Nghe lời bố mẹ, Thủy xin làm tại nhà máy may thuộc Chi nhánh Tổng công ty Dệt may Hà Nội (Hanosimex) tại khu công nghiệp Nam Giang, huyện Nam Ðàn. Sau 5 tháng làm việc, Thủy đã vững vàng chuyên môn với thu nhập khoảng năm triệu đồng/tháng.

 

Ðối với Hoàng Thị Huyền, 30 tuổi, ở xã Nam Thanh (Nam Ðàn) việc trở về quê làm việc tại công ty may là điều mơ ước của em cũng như gia đình. Bảy năm vào Ðồng Nai làm việc, Huyền vẫn sợ nhất là cảnh chen lấn tàu xe mỗi lần về quê ăn Tết. Tuy khá xinh đẹp nhưng Huyền vẫn đơn chiếc, bởi gương các anh chị lấy nhau, rồi đành "rứt ruột" gửi con về quê cho bố mẹ nuôi do hoàn cảnh bắt buộc mà ngại chuyện chồng con. Khi Hanosimex đầu tư nhà máy tại Nam Ðàn, Huyền đã ngay lập tức nộp đơn xin việc. Ba năm trở về quê làm việc, chị cũng kịp xây dựng tổ ấm cho mình. Ðiều quan trọng nhất đối với Huyền là hằng ngày đi làm công nhân có thu nhập ổn định, chiều tối về chăm con trong vòng tay yêu thương của gia đình, người thân.

 

Cũng như Thủy, Huyền, nhiều công nhân khác trong các nhà máy may trên địa bàn Nghệ An đều chung một tâm sự: Nhờ nhà máy đặt trên quê hương mà họ có cơ hội trở thành công nhân, có công việc và thu nhập ổn định; có điều kiện thoát ly khỏi cảnh "chân lấm, tay bùn" mà không phải xa quê…

 

Nam Ðàn là huyện đầu tiên trong tỉnh Nghệ An thu hút được các doanh nghiệp may xuất khẩu. Ðó là Chi nhánh Hanosimex và Công ty TNHH Havina Kim Liên với gần 5.000 lao động đang làm việc; trong đó lao động nữ chiếm hơn 90%. Phần lớn các lao động đều ở huyện Nam Ðàn, và các vùng lân cận Hưng Nguyên, Thanh Chương… Giám đốc hành chính Công ty TNHH Havina Kim Liên Yoon Ki Beom cho biết: Không chỉ phần lớn là lao động nữ ở các vùng nông thôn mà công ty còn ưu tiên tiếp nhận nhiều cặp vợ chồng trẻ hay có quan hệ họ hàng vào làm việc tại công ty. Ðây chính là động lực để họ động viên nhau làm việc tốt hơn. Ðể khuyến khích, động viên người lao động yên tâm làm việc, ngoài tiền lương chế độ bảo hiểm đầy đủ, Havina còn hỗ trợ làm nhà ở, tiền thuốc chữa bệnh cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn hay thưởng lễ, Tết bằng xe máy, xe đạp điện, ti-vi, điện thoại… Chỉ tính riêng năm 2017, công ty đã chi gần 3,3 tỷ đồng để làm công tác hỗ trợ phúc lợi cho công nhân; từ năm 2013 đến nay, công ty đã hỗ trợ xây dựng 45 nhà ở cho các công nhân có hoàn cảnh đặc biệt ở Nam Ðàn, Hưng Nguyên và Thanh Chương với mức hỗ trợ từ 80 đến 95 triệu đồng/nhà. Chị Nguyễn Thị Hằng, 48 tuổi, ở xã Kim Liên (Nam Ðàn) cho biết: Gia cảnh của chị hết sức khó khăn, phải nuôi mẹ già và người anh bị dị tật bẩm sinh cùng với hai con nhỏ trong lúc chồng không có công việc ổn định, phải đi làm ăn xa. Sau khi vào làm tại công ty được một năm, chị đã được công ty hỗ trợ gần 100 triệu đồng làm nhà ở. Giờ đây cuộc sống của gia đình đã ổn định hơn nhiều.

 

Theo lãnh đạo huyện Nam Ðàn, từ khi thu hút được các doanh nghiệp (DN) dệt may về địa bàn thì địa phương đã giải được bài toán lao động dư thừa, chủ yếu là lao động nữ ở nông thôn với kết quả "ly nông mà không ly hương"; giải quyết phần nào nạn thất nghiệp và các tệ nạn xã hội, những bất ổn về an ninh trật tự; góp phần nâng cao mức sống và làm thay đổi bộ mặt kinh tế vùng nông thôn.

 

Phát triển mạng lưới may xuất khẩu, có thương hiệu

 

Với tiềm năng về thị trường và sức hấp dẫn về nguồn nhân lực sẵn có, hạ tầng giao thông cảng biển tương đối thuận lợi cho sản xuất và xuất khẩu cùng chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, ngành dệt may Nghệ An đã phát triển từ thời bao cấp. Ðặc biệt, giai đoạn 2011 - 2016, Nghệ An đã thu hút nhiều nhà đầu tư có thương hiệu trong và ngoài nước như: Hanosimex, Vinatex, Venture (Hà Lan), Tập đoàn Hyujin, KIDO (Hàn Quốc)... với các dây chuyền sản xuất sản phẩm may mặc xuất khẩu quy mô lớn như: Nhà máy may Havina Kim Liên có gần 4.000 công nhân; Nhà máy may Prex Vinh (Ðô Lương) 3.000 công nhân, Chi nhánh Hanosimex Nam Ðàn 1.500 công nhân... Ðến nay, Nghệ An có 15 DN (chủ yếu may xuất khẩu) trải khắp địa bàn khu vực nông thôn, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gần 20 nghìn công nhân, chủ yếu là phụ nữ nông thôn. Chưa kể một số nhà máy đang triển khai xây dựng, dự kiến cuối năm 2018 sẽ đi vào hoạt động, như Nhà máy may Minh Anh ở xã Quang Sơn (Ðô Lương), công suất 60 triệu sản phẩm/năm, dự kiến thu hút khoảng 5.000 lao động; Nhà máy may Mạnh Thành (Tân Kỳ)... Trình độ tay nghề, ý thức của công nhân và năng suất lao động đã được nâng lên đáng kể. Sức cạnh tranh của sản phẩm ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu khắt khe của các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản… với số lượng năm sau cao hơn năm trước. Hằng năm, các DN này đã đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế cho Nghệ An khi sản xuất khoảng 20 nghìn tấn sợi, 16,5 triệu sản phẩm dệt kim và khoảng 22 triệu sản phẩm may xuất khẩu với giá trị đạt hơn 170 triệu USD và chiếm 1/10 giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh (khoảng 4.300 đến 4.500 tỷ đồng). Phần lớn các DN dệt may trên địa bàn hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định nhờ chủ động trong tìm kiếm khách hàng, ký kết nhiều đơn hàng với các tập đoàn nước ngoài.

 

Tuy nhiên, các nhà máy dệt may ở Nghệ An hiện vẫn chủ yếu là gia công cho nên giá trị gia tăng thấp, thu nhập của công nhân còn thấp so mặt bằng chung; sản xuất sợi chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu của các hãng thời trang nổi tiếng (đặt hàng chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Ðông, châu Phi). Công nghiệp hỗ trợ cho ngành như sản xuất nguyên phụ liệu, thiết bị, đào tạo nghề, thiết kế,... phát triển yếu. Trong khi đó, số DN sử dụng nhiều lao động (trong đó có ngành dệt may) đầu tư vào Nghệ An tăng nhanh cho nên đã xuất hiện tình trạng khan hiếm công nhân nữ; đã có hiện tượng tranh giành, lôi kéo lao động giữa các DN, ảnh hưởng đến việc duy trì ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các DN may và một số khu công nghiệp có DN may đầu tư hạ tầng thiếu đồng bộ, chưa có nhà trẻ, nhà ở cho công nhân ở xa, gây khó khăn trong sinh hoạt và cuộc sống...

 

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Nghệ An Nguyễn Huy Cương, tỉnh đang hướng tới xây dựng dệt may trở thành một trong những ngành công nghiệp xuất khẩu chủ yếu và có khả năng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước ngày càng cao, tạo nhiều việc làm; nâng cao khả năng cạnh tranh, hội nhập kinh tế vững chắc. Nghệ An ưu tiên phân bố các DN dệt may ở các vùng thuận lợi về nguồn cung cấp lao động, giao thông, cảng biển để bảo đảm cho ngành phát triển bền vững, hiệu quả trên cơ sở công nghệ hiện đại, hệ thống quản lý chất lượng, lao động, môi trường theo các chuẩn mực quốc tế. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, trong lĩnh vực dệt may, thu hút đầu tư và xây dựng được một số thương hiệu nổi tiếng; ưu tiên các dự án có khả năng dịch chuyển từ sản xuất gia công sang gia công từng phần, sản xuất bán thành phẩm hoặc thiết kế - sản xuất - cung cấp sản phẩm và dịch vụ liên quan để tiến tới sản xuất sản phẩm với thương hiệu riêng. Ðồng thời, thu hút các dự án đầu tư sản xuất sợi, dệt; một số nhà máy sản xuất xơ sợi nhân tạo để từng bước chủ động đáp ứng nhu cầu của ngành dệt về chủng loại, chất lượng, số lượng, nhằm mục tiêu tăng tỷ lệ nội địa hóa với công nghệ phù hợp theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm và ít gây ô nhiễm môi trường. Ðầu tư các cụm công nghiệp dệt may đồng bộ hiện đại theo hướng chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất nguyên liệu, phụ liệu và may sản phẩm dạng FOB, ODM. Ðịa phương và DN phối hợp đầu tư đồng bộ về hạ tầng, xây dựng các công trình phúc lợi công cộng như: nhà trẻ, trường mầm non, bếp ăn tập thể và phòng ở tập thể cho các công nhân ở xa, bảo đảm ổn định cuộc sống và sinh hoạt...

 

Nguồn Nhandan


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang