Thứ Sáu, 22/11/2024 19:49:29 GMT+7
Lượt xem: 1041

Tin đăng lúc 25-12-2021

Phát triển hạ tầng internet: Bảo đảm kết nối để chuyển đổi số

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), cứ tăng thêm 10% thuê bao băng rộng thì tổng sản phẩm nội địa sẽ tăng trưởng tương ứng 0,1%. Với nhu cầu chuyển đổi số ngày càng cao, việc phát triển hạ tầng băng rộng để bảo đảm kết nối internet sẽ ngày càng có vai trò quan trọng. Hơn thế, đây là điều kiện cần khi xây dựng chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Phát triển hạ tầng internet: Bảo đảm kết nối để chuyển đổi số
Các doanh nghiệp viễn thông đã đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng băng rộng, triển khai thử nghiệm mạng 5G tại 16 tỉnh, thành phố. Trong ảnh: Kỹ sư VNPT Hà Nội kiểm tra hệ thống mạng 5G bảo đảm phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số.

H tng kết ni quc tế còn thp

 

Theo thống kê từ Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), từ tháng 1-2020 đến tháng 10-2021, lưu lượng internet băng rộng (gồm di động và cố định) của nước ta đã tăng hơn 40%. Có thời điểm giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 ở nhiều địa phương như tháng 8-2021, tăng trưởng lưu lượng internet băng rộng di động lên tới 95%. Hiện, các nhà mạng có 70,9 triệu thuê bao băng rộng di động (tăng hơn 4% so với năm 2020) và 18,79 triệu thuê bao băng rộng cố định (tăng 14,59% so với năm 2020).

 

Số liệu mới nhất từ Cục Viễn thông cũng cho thấy, đến tháng 10-2021, cả nước có gần 71 triệu người sử dụng internet (chiếm hơn 2/3 dân số). Đây là tài nguyên có giá trị lớn phục vụ cho phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

 

Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực về tăng trưởng người dùng, tăng trưởng lưu lượng dữ liệu, những tác động từ các sự cố cáp quang biển quốc tế đã ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng internet trong nước. Theo ông Hoàng Đức Dũng, Trung tâm Khai thác toàn cầu (Tổng công ty Mạng lưới Viettel), trong 5 năm gần đây, trung bình mỗi năm các tuyến cáp quang biển mà doanh nghiệp trong nước tham gia đầu tư bị đứt 10 lần, thời gian khắc phục trong 1 tháng. Vì vậy, các nhà cung cấp dịch vụ luôn phải dự phòng 20-25% dung lượng để bảo đảm kết nối trong trường hợp sự cố cáp xảy ra, làm tăng chi phí đầu tư cũng như chi phí vận hành, khai thác.

 

Thực tế, hạ tầng cáp quang biển Việt Nam hiện có 5 tuyến đang hoạt động: AAG (Asia-America Gateway), SMW3 (Sea-Me-We 3), IA (còn gọi là Liên Á - Intra Asia), APG (Asia Pacific Gateway) và AAE-1 (Asia Africa Europe -1). 2 tuyến SJC 2 và ADC dự kiến sẽ được đưa vào khai thác trong năm 2022-2023. Trong khi đó, các nước trong khu vực, như Singapore có đến 30 tuyến cáp quang biển; Malaysia có 22 tuyến; Thái Lan có 10 tuyến. Các nước phát triển khác như Mỹ có 93 tuyến, Anh 56 tuyến, Pháp 23 tuyến, Nhật Bản 27 tuyến. So với các nước trong khu vực, mức độ bảo đảm về hạ tầng quốc tế phục vụ kết nối internet cho người dùng Việt Nam hiện ở mức thấp.

 

 

Những tác động từ các sự cố cáp quang biển quốc tế đã ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng internet trong nước. Trong ảnh: Nhân viên kỹ thuật sửa chữa một tuyến cáp quang biển.

 

Phát trin bng ni lc

 

Theo Cục Viễn thông, trong năm 2021, các doanh nghiệp viễn thông đã đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng băng rộng. Đến nay, mạng 5G đã được triển khai thử nghiệm tại 16 tỉnh, thành phố; mạng 4G đã phủ sóng tới 99,8% dân số; mạng cáp quang đã phủ đến 100% xã, phường. Việc các nhà mạng tăng cường đầu tư hạ tầng mạng lưới đã góp phần cải thiện tốc độ băng rộng cố định của Việt Nam, đạt 68,50Mbps trong tháng 11-2021, đứng thứ 42/181 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 14 bậc so với năm 2020. Trong khi đó, tốc độ băng rộng di động đạt 35,14Mbps, đứng thứ 48/141 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 9 bậc so với năm 2020. Về tốc độ băng rộng, trong khu vực, Việt Nam xếp cao hơn Philippines, Malaysia, nhưng thấp hơn Thái Lan, Singapore… Việc phát triển mạng băng rộng góp phần mở ra những không gian mới cho doanh nghiệp; phục vụ xã hội ngày một tốt hơn, nhất là giai đoạn phục hồi sau dịch Covid-19.

 

Để giải bài toán kết nối, ông Hoàng Đức Dũng cho rằng cần có giải pháp tăng cường cơ sở hạ tầng kết nối internet quốc tế ngang hàng với các nước khác trong khu vực. Đại diện Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) cũng đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông tạo điều kiện để doanh nghiệp chủ động đầu tư các dự án hạ tầng internet quốc tế tại Việt Nam.

 

Đồng tình với vấn đề doanh nghiệp đặt ra, song Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Phong Nhã cho rằng, với thực trạng hiện nay, nhà mạng vẫn có những cách để bảo đảm chất lượng cung cấp dịch vụ cho người dùng. Phương án trước mắt là đặt dung lượng dự phòng lớn hơn so với nhu cầu thông thường. Cùng với đó, doanh nghiệp viễn thông cũng cần có những giải pháp lâu dài như tăng tiêu dùng dữ liệu trong nước hay xây dựng trung tâm dữ liệu trong nước nhằm giảm mức độ ảnh hưởng khi các tuyến cáp quang biển gặp sự cố...

 

Cùng quan điểm, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC - Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Hồng Thắng nhận định, việc đẩy mạnh sử dụng các sản phẩm công nghệ trong nước cũng sẽ giúp giảm thiểu ảnh hưởng khi đường truyền cáp quang biển quốc tế có vấn đề. Đây cũng là hướng đi bền vững hơn để phát triển những sản phẩm công nghệ Việt Nam.

 

Theo ông Nguyễn Phong Nhã, Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu trong từng năm đối với việc phát triển hạ tầng băng rộng. Theo đó năm 2022, Việt Nam phấn đấu nâng thứ hạng, vào nhóm 70 nước trong bảng xếp hạng IDI của ITU (chỉ số phát triển công nghệ thông tin - truyền thông của Liên minh Viễn thông quốc tế). Đến năm 2025, Việt Nam phấn đấu mạng 5G phủ sóng 25% dân số; tối thiểu 80% hộ gia đình có cáp quang; số thuê bao băng rộng di động/100 dân đạt 100%; số thuê bao băng rộng cố định trên 100 dân đạt tối thiểu 30%.

 

“Với tinh thần năm 2022 là năm của không gian mới, sáng tạo mới, Cục Viễn thông sẽ cùng các doanh nghiệp quyết tâm đưa viễn thông Việt Nam đi cùng nhịp với các nước phát triển trên thế giới, tạo tiền đề vững chắc cho việc phát triển kinh tế số, xã hội số”, ông Nguyễn Phong Nhã khẳng định.

 

Theo Hanoimoi.com.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang