Mục tiêu lớn
Năm 2015, Phú Thọ dự kiến đào tạo 4.650 lao động theo nhu cầu của các cơ sở công nghiệp nông thôn, hỗ trợ cho 2.100 học viên tham gia các khóa bồi dưỡng về khởi sự doanh nghiệp. Đến năm 2020, sẽ đào tạo khoảng 15.000 lao động.
Trên nguyên tắc đào tạo gắn với nhu cầu của các cơ sở, Trung tâm Khuyến công Phú Thọ phối hợp với các đơn vị thụ hưởng tổ chức các lớp đào tạo. Thực hiện các hoạt động kiểm tra, đánh giá và cấp giấy chứng nhận cho người lao động tham gia. Nhằm đưa hoạt động đào tạo sát với nhu cầu thực tiễn, ngoài nội dung đào tạo nâng cao tay nghề giúp cơ sở mở rộng sản xuất, dựa trên lợi thế địa phương, tỉnh còn tổ chức truyền nghề và phát triển nghề mới. Bước đầu lựa chọn hình thức sản xuất vệ tinh, gia công, sau đó thành lập doanh nghiệp “hạt nhân” bảo đảm năng lực, tự phát triển cho các nghề, làng nghề mới. Phương thức này đã được triển khai có hiệu quả trong thời gian qua.
Với nội dung xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, theo kế hoạch, Phú Thọ dự kiến tổ chức xây dựng 20 mô hình và nhân rộng thêm 15 mô hình. Về kinh phí, sẽ hỗ trợ 120 cơ sở ứng dụng thiết bị máy móc hiện đại vào sản xuất. Đặc biệt, tỉnh cũng xây dựng 5 mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp.
Có thể thấy mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất và đào tạo nghề là hai nội dung trọng điểm của khuyến công Phú Thọ. Đây sẽ là nền tảng cho sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khuyến khích các cơ sở doanh nghiệp trong tỉnh hiện đại hóa sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh… Đây cũng là con đường ngắn giúp ngành công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Ngoài ra, khuyến công Phú Thọ cũng đưa ra kế hoạch dài hơi nhằm hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, hỗ trợ liên doanh, liên kết phát triển cụm công nghiệp và di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường.
Năm 2014, Trung tâm Khuyến công, tư vấn và Tiết kiệm năng lượng tỉnh Phú Thọ đã hỗ trợ 14 cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư mới, đầu tư mở rộng sản xuất, ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại vào sản xuất; đào tạo nghề cho hơn 1.500 lao động và hỗ trợ xây dựng 25 website bán hàng. |
Hỗ trợ có trọng tâm
Tổng nguồn ngân sách triển khai Chương trình khuyến công đến năm 2020 của Phú Thọ là 108,278 tỷ đồng. Để vận dụng tối đa hiệu quả nguồn vốn này, tránh lãng phí và bảo đảm cho các hoạt động đi vào trọng tâm, trọng điểm, Phú Thọ xác định đối tượng ưu tiên thụ hưởng rất rõ ràng.
Trong năm nay, nguồn vốn được ưu tiên dành cho các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản, cơ khí, hóa chất phục vụ nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, ưu tiên các đề án sử dụng nguyên liệu tại chỗ, sử dụng lao động tại các huyện có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và địa bàn các xã, điểm về xây dựng nông thôn mới.
Giai đoạn 2016-2020, ngoài các đối tượng trên, Phú Thọ ưu tiên phát triển các sản phẩm lợi thế và sản phẩm công nghiệp phục vụ như: Giấy, hóa chất, phân bón, chế biến chè, may mặc… Đặc biệt ưu tiên cho các đề án sản xuất sản phẩm phục vụ du lịch. Các đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ và áp dụng sản xuất sạch hơn cũng được hưởng nhiều ưu đãi từ nguồn vốn khuyến công.
Để thực hiện, Phú Thọ sẽ rà soát, điều chỉnh các văn bản pháp luật liên quan nhằm tạo cơ chế thoáng nhất cho khuyến công và các đối tượng thụ hưởng, kết hợp lồng ghép chương trình khuyến công với các chương trình khác mở rộng nguồn lực, tạo sức hút mạnh mẽ hơn. Áp dụng nhiều phương thức hỗ trợ phát triển thị trường cho sản phẩm công nghiệp nông thôn và tổ chức, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn đội ngũ làm công tác khuyến công.
Theo Báo Công Thương điện tử