Chưa có nguồn thay thế
Cơ cấu nguồn điện của Việt Nam rất đa dạng với thủy điện, nhiệt điện than, nhiệt điện khí, điện gió, điện mặt trời… Hiện nay, nguồn thủy điện đã khai thác gần hết, chỉ còn một số dự án mở rộng và các công trình thủy điện vừa và nhỏ có công suất dưới 30 MW. Từ nay đến năm 2030, Việt Nam chưa có điện hạt nhân, nên phải xây dựng một số nhà máy nhiệt điện than để nâng công suất nguồn, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, năm 2016, dự báo tốc độ tăng trưởng sản lượng điện vẫn ở mức trên 10%/năm, gần gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng GDP cả nước.
Đặc biệt, theo tính toán của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, từ nay đến năm 2025 xu hướng phát triển phụ tải điện ở phía Nam sẽ rất “nóng”. Nhưng ở khu vực này chỉ có cụm Phú Mỹ, Nhơn Trạch, Cà Mau (công suất khoảng 10.000 MW) và mới đưa được Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1, Duyên Hải 3, Vĩnh Tân 2 vận hành. Thời gian qua, việc đảm bảo bù đắp nguồn điện này được thực hiện bằng cách truyền tải điện công suất cao qua các đường dây 500 kV từ miền Bắc và miền Trung vào miền Nam.
Tính toán cân bằng cung - cầu điện toàn quốc giai đoạn 2017 - 2020 cho thấy, miền Nam sẽ không thể tự cân đối cung - cầu nội miền, sản lượng điện thiếu hụt hàng năm khoảng 10 - 15% tổng nhu cầu (khoảng 2.000 MW). Do đó, miền Nam luôn phải nhận điện qua hệ thống truyền tải điện từ miền Bắc, miền Trung vào miền Nam với nhu cầu khoảng 15 tỷ kWh năm 2017 và sẽ tăng tới 21 tỷ kWh vào năm 2019. Tuy nhiên, hiện tại năng lực truyền tải điện vào miền Nam cao nhất cũng chỉ đạt được 18,5 tỷ kWh/năm .
Đến giai đoạn 2025 - 2030, các tỉnh phía Nam cần bổ sung khoảng 30.000 MW nguồn điện tại chỗ mới đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế. Trong khi đó, nguồn thủy điện trong nước đã khai thác hết. Như vậy, để đảm bảo điện cho khu vực này chỉ còn 2 con đường: Thứ nhất, chấp nhận phát triển nhiệt điện than và thứ 2 nhập khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) để chạy bằng tuabin khí. Tuy nhiên, việc nhập khí LNG để phát triển điện thường dành cho các nước phát triển vì giá thành sản xuất điện cao... Nếu cân đối giá điện, công nghệ đầu tư xây dựng, sự ổn định trong vận hành và cả chế độ chạy nền, chạy lưng, chạy đáy thì nhiệt điện than đều đáp ứng được.
Trên thực tế, để đáp ứng nhu cầu phụ tải ngày càng tăng cao ở miền Nam phải dựa vào nhiệt điện than và LNG. Cả hai nguồn điện này đã và đang được vận hành song song, nhằm đa dạng hóa các nguồn năng lượng, hạn chế rủi ro cho hệ thống điện.
Phát triển nhiệt điện than góp phần đảm bảo cung cấp điện cho miền Nam
Phải làm tốt công tác bảo vệ môi trường
Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp cho phát triển kinh tế, quá trình vận hành nhà máy nhiệt điện than cũng tác động nhất định tới môi trường sinh thái. Chính vì vậy, khi phát triển nhiệt điện than, các chủ đầu tư luôn phải quan tâm và thực hiện nghiêm các giải pháp bảo vệ môi trường.
Trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, Chính phủ đã nêu rõ các giải pháp về giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường, trong đó yêu cầu sử dụng chất thải tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện than để sản xuất VLXD và các ngành công nghiệp khác nhằm giảm diện tích bãi thải, tuân thủ theo đúng quy định. Đồng thời, khuyến khích sử dụng công nghệ đốt than hiện đại, giảm ô nhiễm môi trường như, buồng đốt than phun thông số hơi siêu tới hạn, trên siêu tới hạn, công nghệ tầng sôi tuần hoàn, chu trình tuabin khí hỗn hợp, công nghệ xử lý chất thải… thực hiện đầy đủ quy trình theo dõi, quan trắc, đo đạc và quản lý các chỉ tiêu môi trường; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định bảo vệ môi trường của doanh nghiệp ngành Điện.
Khi xây dựng NMNĐ than, có 3 yêu cầu bắt buộc đối với các chủ đầu tư là: Khắc phục tối đa các khí thải độc hại NOx, SOx và lắp đặt lọc bụi tĩnh điện để tạp chất không đào thải ra môi trường; Xây dựng được các cảng cấp than, băng chuyền than phải hợp lý để tránh rơi vãi than; Xử lý các chất thải tro, xỉ.
Hiện nay các NMNĐ than ở Việt Nam đã sử dụng dụng công nghệ tiên tiến, hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường. Bản thân trong lò đã khử được chất độc như COx, SOx, NOx. Trên ống khói nhà máy được lắp thêm thiết bị lọc bụi tĩnh điện, giảm được lượng bụi bẩn thoát ra môi trường.
Bãi tro, xỉ của NMNĐ Duyên Hải 1 được lu lèn và phun ẩm để tránh phát tán ra môi trường
Về vấn đề xử lý tro, xỉ của các NMNĐ, tháng 9/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1696/QĐ-TTg về một số giải pháp thực hiện xử lý tro, xỉ, thạch cao của các NMNĐ, nhà máy hóa chất phân bón để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, đến nay, việc thực hiện quyết định này vẫn còn những vướng mắc nhất định. Nhiều công ty sản xuất xi măng, gạch không nung có khả năng sử dụng tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện than, nhưng lại chưa có đủ điều kiện tiếp nhận, xử lý chất thải theo quy định.
Trước mắt, các NMNĐ than vẫn xử lý tốt khối lượng tro, xỉ thải ra, đảm bảo không phát tán, gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, về lâu dài, Bộ Xây dựng cần chủ trì xây dựng và sớm ban hành các Quy chuẩn kỹ thuật đối với tro xỉ làm VLXD, qua đó, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi sử dụng tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện làm VLXD.
Có thể nói, với công nghệ hiện đại cộng với việc các NMNĐ thực hiện nghiêm túc các giải pháp về đảm bảo môi trường, việc phát triển nhiệt điện than không đáng lo ngại như dư luận nêu ra. Trên thế giới, nhiệt điện than vẫn chiếm tỷ trọng rất cao. Bình quân trong cơ cấu nguồn, nhiệt điện than chiếm gần 50%.
Nguồn Evn.com.vn