Theo số liệu của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Việt Nam nằm trong top những quốc gia có lượng rác thải sinh hoạt được phát sinh hàng đầu thế giới. Cụ thể trong số liệu Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia năm 2019, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên toàn quốc khoảng 64.658 tấn/ngày, tương đương 23,6 triệu tấn/năm, tăng 46% so với năm 2010; chất thải rắn công nghiệp phát sinh khoảng 25 triệu tấn/năm.
Với lượng lớn rác thải như vậy, nhưng quá trình xử lý ở Việt Nam vẫn chủ yếu ứng dụng công nghệ chôn lấp truyền thống với tỷ lệ lên đến 71%, 13% sử dụng công nghệ đốt, còn lại là các giải pháp khác. Đối với khu vực đô thị, số lượng rác thải chôn lấp mới chỉ được đưa đến bãi chôn tập trung chuyên sâu đạt khoảng 60 - 65%, trong khi phần còn lại được xả thải trực tiếp xuống ao hồ, sông ngòi, bên đường. Trong khi đó ở khu vực nông thôn, rác thải đa phần không được thu gom mà được vứt tràn ngập khắp nơi. Vấn đề này lâu dài dẫn đến xuất hiện nước rỉ rác, gia tăng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến mạch nước ngầm cũng như môi trường sinh sống của người dân.
Trước thực trạng này, Tập đoàn Công nghệ T-Tech Việt Nam, đứng đầu là TS. Nguyễn Đình Trọng đã tiến hành nghiên cứu, tìm hiểu công nghệ đốt rác kiểu mới với mục tiêu nâng cao chất lượng xử lý rác thải. Trong đó tập trung vào việc xử lý nguồn khí thải phát sinh từ công nghệ đốt, giảm thiểu ảnh hưởng môi trường, ô nhiễm không khí mà các phương pháp đốt truyền thống chưa khắc phục được.
Về cơ bản, sản phẩm lò đốt rác thải tạo khí sạch của Tập đoàn T-Tech được thiết kế đặc biệt gồm buồng sấy rác, buồng đốt rác, 2 buồng đốt khí và bụi, buồng lưu khí và tản nhiệt, buồng bẫy bụi, hệ thống ống khói bằng inox chịu được axit và môi trường độc hại, có chiều cao trên 20m đã tạo nên một dây chuyền khép kín từ khâu sấy rác, đốt rác đến lọc bụi và hấp thụ khí độc. Hơn nữa, lò được phát triển từ vật liệu chịu lửa đặc biệt nên có khả năng chống chịu nhiệt độ lên đến 1.750 độ C, giúp cho lò có độ bền cao, khả năng ổn định lâu dài. Trong quá trình vận hành, lò đốt còn sử dụng khí tự nhiên CNC, giúp cho khí thải được sinh ra từ lò đốt là khí sạch, đáp ứng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 61-MT:2016/BTNMT.
Đồng thời, quá trình xây dựng không cần diện tích lớn, hoạt động không phát sinh ô nhiễm thứ cấp trong khi giá trị đầu tư chỉ dao động từ 1/4 - 1/2 so với công nghệ nhập khẩu. Ngoài ra, việc được nghiên cứu và sản xuất trực tiếp trong nước cũng giúp cho quá trình triển khai lò đốt rác thải tạo khí sạch có thể dễ dàng lắp ráp đồng bộ, hoàn chỉnh, thuận tiện trong việc vận hành, bảo dưỡng và nâng cấp.
Đối với quá trình hoạt động, rác thải trước khi được đưa vào lò sẽ được lọc với tỷ lệ chôn lấp dưới 10%. Sau đó lượng rác thải còn lại sẽ được đưa vào lò đốt để cho ra các loại sản phẩm tái chế khác nhau. Chẳng hạn các chất thải vô cơ như gạch, ngói, vật liệu xây dựng cùng tro xỉ sau khi đốt được phối trộn với xi măng, đá mạt để sản xuất gạch không nung. Còn rác thải là rau củ quả và các loại rác hữu cơ sạch được phân loại để ủ làm phân hữu cơ cao cấp. Ngoài ra, lượng rác thải hữu cơ này cũng được tái sử dụng với tỉ lệ 5% cho mục đích ủ lấy khí gas, tăng nhiệt trị cho lò đốt, đảm bảo chất lượng khí thải đầu ra khi đốt ở nhiệt độ cao.
Riêng các sản phẩm như nilon, nhựa sẽ được tái chế để giảm thiểu dioxin/furan trong quá trình đốt rác, đồng thời giúp tăng thêm thu nhập cho ngân sách của nhà máy. Trong khi đó, các sản phẩm như giấy vụn, bao bì các tông, củi, gỗ sẽ được lọc làm nguyên liệu đốt, hoặc nguyên liệu tái chế.
TS Nguyễn Đình Trọng cho biết, lò đốt rác model CNC do T-Tech nghiên cứu và chế tạo có nhiều công suất khác nhau: Từ 7,2 tấn/ngày đêm đến 500 tấn/ngày đêm, thậm chí có thể lắp đặt nhiều dây chuyền cùng lúc để có thể xây dựng một nhà máy xử lý rác có công suất lên đến 2.000 tấn/ngày đêm.
Nhờ vào hiệu quả được chứng minh, chi phí đầu vào thấp cùng khả năng vận hành đơn giản, lò đốt rác thải tạo khí sạch của Tập đoàn Công nghệ T-Tech Việt Nam đã được đưa vào sử dụng tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước: Bắc Giang, Hà Giang, Long An, Trà Vinh, Nam Định, Nghệ An, Phú Yên, Ninh Bình, Hà Nội… Đây là thành quả xứng đáng với tâm huyết của ông Nguyễn Đình Trọng và các kỹ sư Tập đoàn Công nghệ T-Tech Việt Nam trong hành trình giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phát triển kinh tế xanh, bền vững.
Với khả năng ứng dụng linh hoạt, tối ưu trong quá trình khai thác nên chi phí vận hành lò đốt rác thải tạo khí sạch khá thấp, đạt khoảng 50.000 – 150.000 đồng/tấn rác khi sử dụng thường xuyên. Con số này thấp hơn khá nhiều so với mức bình quân lên tới 400.000 đồng/tấn của các phương pháp xử lý rác thải khác. |
Theo scp.gov.vn