Thứ Sáu, 22/11/2024 22:06:36 GMT+7
Lượt xem: 3999

Tin đăng lúc 15-11-2015

Phí và lệ phí: Đếm không xuể!

Theo thống kê sơ bộ, hiện cả nước có ít nhất 1.800 loại phí và lệ phí. Đó là chưa kể các loại quỹ bị “túm” vào phí càng tạo thêm gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp.
Phí và lệ phí: Đếm không xuể!
Nông dân trồng khoai lang ở tỉnh Vĩnh Long phải “cõng” nhiều khoản thu tại địa phương Ảnh: Ngọc Trinh

Bộ Tài chính đang yêu cầu các bộ và địa phương thống kê cụ thể các khoản thu (cả phí, lệ phí và các khoản thu khác được coi là phí) để rà soát, loại bỏ nếu không hợp lý. Từ nhiều năm nay, phí và lệ phí trở thành gánh nặng khó cởi bỏ đối với người dân, doanh nghiệp (DN).

 

Từ 301 “đẻ” ra 1.800

 

Đại diện Bộ Tài chính cho biết danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Pháp lệnh phí và lệ phí năm 2001 chỉ có 73 khoản phí và 42 lệ phí. Từ danh mục này, Chính phủ quy định chi tiết tại danh mục chi tiết phí, lệ phí ban hành kèm theo Nghị định số 24/2006/NĐ-CP thành 301 khoản phí và lệ phí, trong đó có 171 khoản phí và 130 lệ phí. Tuy nhiên, trên thực tế, khi xuống đến địa phương thì số khoản thuế, phí đã tăng lên rất nhiều lần.

 

Thống kê mới đây của nhóm chuyên gia thuộc Học viện Tài chính cho thấy hiện các khoản phí, lệ phí do HĐND các tỉnh, thành quy định chi tiết có thể lên tới 1.700-1.800 loại. TS Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính, cho rằng nếu rà soát kỹ thì con số trên có thể lớn hơn rất nhiều lần. Bởi theo thống kê sơ bộ, chỉ riêng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có tới hơn 700 khoản thu, nếu tính cả địa phương thì rất lớn.

 

Cũng theo TS Vũ Sỹ Cường, nguyên nhân dẫn đến tình trạng “đẻ” ra quá nhiều khoản thu như trên là do quy định từ danh mục cứng được ban hành, cho phép HĐND được quy định chi tiết các khoản thu cụ thể. Điều này dẫn đến thực tế là một loại phí kiểm dịch động - thực vật lại bao hàm bên trong đó hàng chục khoản thu như: kiểm tra thức ăn, chuồng trại, vệ sinh…

 

Đại diện Bộ Tài chính thừa nhận để thống kê được tất cả danh mục các khoản thu trên thực tế là không dễ dàng bởi ngay cơ quan này cũng không kiểm soát hết được các địa phương đang phát sinh những khoản thu gì. “Vì lý do này mà Bộ Tài chính yêu cầu các bộ và địa phương phải thống kê cụ thể để có sự sắp xếp hợp lý” - vị đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh.

 

Nhập nhằng các khoản thu

 

Nông dân là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi quá nhiều khoản thu, trong đó có nhiều loại quỹ ngoài danh mục các khoản phí và lệ phí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

 

Ông Ngô Văn Tua (58 tuổi; ngụ xã Thành Đông, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long), một nông dân trồng khoai lang, cho biết nông dân trồng khoai lang đang phải đóng quá nhiều loại quỹ, phí. “Tuy đã miễn được thuế đất nhưng hằng năm, chúng tôi phải đóng nhiều loại quỹ cho địa phương, như: quỹ người nghèo 30.000 đồng, quỹ an ninh quốc phòng 50.000 đồng, quỹ giao thông nông thôn 30.000 đồng... Hai năm nay, chúng tôi còn đóng thêm phí bảo trì đường bộ, quỹ phòng chống bão lụt 10.000 đồng. Khi bán khoai lang có lời thì không sao nhưng lúc giá giảm, mất mùa thì việc đóng các loại quỹ là cả vấn đề” - ông Tua bày tỏ. Ông Trần Văn Lành, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thành Đông, cho rằng gánh nặng từ các khoản phí, quỹ đối với nông dân là không nhỏ. Toàn xã Thành Đồng hiện có khoảng 1.400 hộ chủ yếu trồng khoai lang, trong đó có khoảng 75 hộ nghèo và 25 hộ cận nghèo. Bình quân hằng năm, mỗi hộ phải đóng phí và quỹ cho xã khoảng 180.000 đồng.

 

Trong khi đó, một số DN tại KCN Trà Nóc (TP Cần Thơ) than phiền họ thường xuyên bị hội, đoàn vận động đóng rất nhiều quỹ, như: quỹ phòng chống thiên tai, quỹ vì người nghèo, quỹ đền ơn đáp nghĩa… Giám đốc một DN ở KCN Trà Nóc than: “Chúng tôi đang gánh vác rất nhiều nghĩa vụ và nói thật, rất mệt mỏi vì những khoản thu buộc phải… tự nguyện này”.

 

Theo nhiều chuyên gia, việc loạn thu phí, lệ phí thực chất là do nhiều loại quỹ đang được tính gộp chung với phí, lệ phí như ở những trường hợp trên, đặc biệt là vùng nông thôn. Trường hợp khác là một số loại giá dịch vụ bị nhầm lẫn với phí, lệ phí; nhất là trong lĩnh vực giao thông. Phân tích cụ thể, một chuyên gia nói: “Ở nông thôn, nhiều loại quỹ bị “túm” vào phí như: quỹ phòng chống lụt bão, quỹ bảo vệ đê điều, quỹ vì người nghèo, quỹ chất độc da cam. Những khoản này chính quyền xã đòi thu tất, không đóng thì có thể bị bêu tên, làm khó. Còn với ngành giao thông, về bản chất, các trạm thu phí giao thông đường bộ là giá dịch vụ chứ không phải là phí. Nhưng điểm bất ổn của các loại phí cầu đường này là nó đang độc quyền, bắt người dân phải nộp mà không có sự lựa chọn nào khác”.

 

TS Vũ Sỹ Cường cho rằng dự thảo Luật Phí và lệ phí cần quy định chi tiết danh mục các khoản thu cho phù hợp thực tiễn thay vì chỉ liệt kê danh mục phí, lệ phí. Việc này có tác dụng ngăn chặn việc “đẻ” ra nhiều khoản thu mới.

 

Nguy cơ tận thu các loại thuế, phí

 

“Trong năm 2016, DN có thể phải đối mặt với nguy cơ tận thu nhiều hơn khi bội chi ngân sách lớn trong lúc nhu cầu chi tiêu ngân sách vẫn rất cao” - TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, nhận xét. Cụ thể, những khoản năm trước có thể chưa thu, nay bắt đầu thu sẽ làm giảm tiền mặt và vốn của DN, từ đó tác động rất mạnh đến cộng đồng DN. Vì sao lại có tình trạng tận thu? Theo ông Cung, ngân sách nhà nước đang có vấn đề đáng lo ngại, khi tốc độ tăng thu thấp hơn tốc độ tăng chi, nhất là chi thường xuyên; rồi tốc độ tăng chi đầu tư từ ngân sách thấp hơn tăng chi thường xuyên. Kết quả là bội chi ngân sách gia tăng, nợ công tăng nhanh ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô cả trong tăng trưởng dài hạn. Đáng nói là xu hướng này chưa có điểm dừng.

 

Theo T.Phương/nld.com.vn

 

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang