Chợ họp một tháng sáu phiên vào các ngày 4, 9, 14, 18, 24, 28 (âm lịch). Cứ đến phiên chợ, kẻ bán người mua khắp nơi trong vùng đổ về đông nghịt. Các hàng đồ đồng từ Đại Bái đưa lên; thóc gạo từ Nghi An gánh tới; lụa tơ tằm Ngăm Điền; hàng vàng mã Đông Hồ; hàng vải dệt Đại Mão đưa sang... Ngoài các hàng đó, thì thúng mủng Đông Côi, bị làng Tỏi, hoa quả rau tươi Văn Thai, Phú Lộc, giát giường, mành trúc từ Xuân Lai cách xa trên 10 km cũng chẳng phiên nào vắng mặt. Nhưng đông vui nhất, nhiều hàng hóa nhất trong năm là ngày phiên 28 tháng Chạp được gọi là phiên chợ Tết. Cái chợ là trung tâm kinh tế hàng hóa của làng đã trở thành ngày hội, mang phong vị hồn quê, đậm đà bản sắc văn hóa một vùng Kinh Bắc. Cứ mỗi lần đọc lại bài thơ “Chợ Tết” của thi sĩ Đoàn Văn Cừ, trong tôi lại thấy hiện lên quang cảnh giống như chợ Tết ở quê tôi hồi trước. Cũng có: Anh hàng tranh kĩu kịt quẩy đôi bồ/ Tìm đến chỗ người đông ngồi giở bán/ Một thầy khóa gò lưng trên tấm phản/ Tay mài nghiên hí hoáy viết thơ xuân… Và cũng có: Những mẹt cam đỏ chót tựa son pha/ Thúng gạo nếp đong đầy như núi tuyết…
Sau này khi tôi lớn lên, đất nước trải qua nhiều biến đổi, tôi học dần lên đại học rồi đi công tác xa nhà, nhưng Tết năm nào tôi cũng về quê, tuy vậy, chẳng mấy khi được về sớm để kịp đi chợ Tết. Từ năm đất nước đổi mới, quê hương tôi ngày một thay da đổi thịt, quang cảnh chợ Chằm cũng đã khác xưa. Xung quanh chợ đã xây tường bao, các dãy lều mái ngói đã thay cho những lều tranh tạm bợ. Ở hai đầu cổng chợ chạy dọc theo đường nhiều ngôi nhà cao tầng của các hộ kinh doanh đua nhau mọc lên thành phố chợ, đêm đêm đèn điện sáng trưng và ti vi nhấp nháy, xập xình tiếng nhạc.
Năm nay, từ chiều 23 Tết, bạn tôi ở quê đã điện thoại ra Hà Nội hẹn hò: Ông cố gắng thu xếp về quê sớm để còn đi chợ nhé và anh còn cười trong máy: Hay là lâu nay quen với nền văn minh siêu thị mà quên cái chợ Tết nhà quê rồi. Thế là tôi về quê “mai phục” từ chiều 27 để ngày hôm sau còn đi chợ sớm.
Ngày 28, mới bốn giờ sáng, trời rét ngọt, tôi đã bị đánh thức bởi tiếng lợn kêu eng éc bên hàng xóm. Chắc nhà này bán lợn cho cánh thợ thịt giết mổ sớm. Một lát sau thì các nhà xung quanh đã sáng đèn, đỏ lửa sửa soạn bữa ăn sáng rồi còn chuẩn bị mang hàng ra chợ. Các bà hàng gạo, đỗ lạc, gà qué, rau quả… ngồi theo từng dãy ngoài trời nên ai cũng muốn đi sớm để chiếm chỗ. Tôi có bà chị họ ở gần nhà, từ tối hôm trước đã sang chơi, “có nhời” với tôi rằng: “Sáng sớm mai chú dậy ra đón ngõ cho chị nhá! Chị nhờ cái vía của chú cho dễ bán hàng...”. Hàng Tết của chị chỉ có cây nhà lá vườn: Vài chục quả bưởi và mấy buồng chuối xanh bán cho người ta bày mâm ngũ quả. Tôi bỗng rưng rưng nhớ mẹ tôi xưa. Mẹ làm hàng xáo, phiên chợ nào mẹ cũng bảo tôi ra đón ngõ, chiều về tôi lại được mẹ cho quà, hôm thì mấy tấm mía, khi thì chiếc bánh đa rắc đầy vừng thơm phức.
Buổi sáng chưa tỏ mặt người, không gian còn mờ mờ trong sương đục mà dòng người đã nườm nượp đổ vào chợ từ các ngả. Những chiếc xe đạp thồ chất ngất những sọt lá dong, cải bắp, su hào, hành tỏi, gà chim... chen với người gánh bộ. Xe máy thồ hàng đủ loại xịt khói đen ngòm, bóp còi inh ỏi dẹp đường len lách. Mấy thửa ruộng bên ngoài cổng chợ thành bãi gửi xe dựng dày san sát. So với chợ tết ngày xưa thì hiện nay đông gấp nhiều lần, quang cảnh sầm uất, hàng hóa nhiều bát ngát và con người cũng đẹp tươi hơn. Bước vào đến đầu chợ, tôi đã bị cuốn hút bởi một dãy hàng hoa, cây cảnh muôn hồng ngàn tía chen nhau: đào, quất, cúc, hồng, lay ơn, thược dược... từ đâu đã đổ về đây nhiều thế. Nhờ cuộc sống khá giả mà nơi làng quê đã phát triển thêm một nét văn hóa đẹp. Trước kia, tôi chỉ biết có đào, quất Nhật Tân nổi tiếng, làm nên chợ hoa xuân Hà Nội. Đâu phải người nhà quê ngày xưa không thích chơi hoa, cứ vào dịp Tết, nhà ai có cây đào phai (loại đào ăn quả) cũng thường cắt tỉa mấy cành cho bà con hàng xóm hay chỗ thân tình xin về thờ Tết. Một số nhà có thú chơi hoa cũng ươm sẵn được mấy chậu cúc đại đóa nở vào đúng dịp đón xuân thì quý lắm. Còn ngoài chợ thì chỉ có bán những cành hoa giấy gấp sơ sài, nhuộm màu xanh đỏ trông chẳng giống hoa gì, thì bà con ta cứ mua về cắm bàn thờ cho vui mắt.
Những năm cha tôi còn sống, cụ rất yêu hoa, năm nào về Tết tôi cũng ra chợ hoa Hàng Lược chọn mua một cành bích đào, buộc sau xe đạp về quê. Suốt dọc đường, gặp bà con thôn quê ai cũng trầm trồ khen đẹp, rồi hỏi: Bao nhiêu tiền thế anh? Khi tôi nói giá thì ai cũng tròn mắt lắc đầu. Có chị còn so sánh: Một cành đào này bằng cả số gà ăn tết nhà em rồi đấy! Thế mà Tết năm nay người dân quê đã đua nhau mua quất, mua đào. Một cây quất đẹp vào loại nhất chợ cũng tới 500 nghìn đồng. Còn bích đào thì không chỉ bán cành mà còn cả những cây đào thế, gốc xù xì như cây cổ thụ. Chơi cây thế ở quê tôi bây giờ thường là các ông cán bộ, giáo viên về hưu, các cụ trong câu lạc bộ thơ và nhất là các nhà doanh nghiệp có cửa hàng đại lý ngoài phố làng… đang học làm sang. Tôi thích thú dừng lại nghe mấy vị đang cao đàm khoát luận bình phẩm các thế cây trước anh hàng cây thế. Nào là thế trực, thế hoành, thế bạt phong, song trụ, thế ngọa long, giao long, phượng vũ… ai cũng tỏ ra mình sành điệu.
Chợ quê nay
Bên cạnh hàng hoa là đến dãy hàng tranh và lịch tờ, có đủ loại tranh ta, tranh Thái, tranh Tầu, in các cô đào điện ảnh, các siêu sao bóng đá thế giới và các ca sĩ Hồng Nhung, Mỹ Linh, Lam Trường, Đan Trường... thu hút rất đông nam nữ thanh niên hâm mộ. Tôi nhìn mãi mới gặp mấy bộ tranh Đông Hồ có cặp vợ chồng nâng váy hứng dừa, có thầy đồ Cóc và đám cưới chuột được in trên giấy điệp tươi sáng tưng bừng màu sắc dân gian đang bị nằm khuất lấp chẳng mấy ai để ý. Tôi hỏi người hàng tranh: Loại tranh làng Hồ còn bán được không bác? Bác ta cười cười: Tranh này bây giờ kén người chơi ông ạ. Chỉ có các nhà trí thức ở thành phố về thăm quê tìm mua, bảo đấy là hồn vía dân tộc. Cũng có vị mua để đi công tác nước ngoài làm quà tặng cho Tây, còn đa số dân ta giờ lại thích treo tranh gái Hàn, gái Tây ăn mặc hở hang, nhìn bắt mắt hơn cái cô ả tốc váy hứng dừa của ta ấy chứ, (cười). Tôi không bàn về tương lai của loại tranh dân gian này, chỉ cảm thấy nuối tiếc cho một nền nghệ thuật đầy triết lý nhân sinh của ông cha ta.
Chợ Tết đông vui và tấp nập hơn xưa, chỉ hơi khác một chút, hình ảnh: “Những thằng cu áo đỏ chạy lon ton/ Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ”, hay “Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm/ Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đôi đỏ…” chỉ còn trong thơ của thi sĩ họ Đoàn. Thay cho hình ảnh ấy, giờ đây là các cháu học sinh phổ thông tuổi mới lớn, các trai thanh gái lịch là sinh viên các trường cao đẳng, đại học về quê nghỉ Tết, họ gặp nhau tay bắt mặt mừng, hẹn hò ríu rít. Thỉnh thoảng tôi lại thấy mấy chị người thành phố má phấn môi son tươi tốt nõn nà, theo chồng về chúc Tết họ hàng và đi xem chợ Tết quê.
Các hàng quà bánh hôm nay nhiều bát ngát. Quán “mộc tồn”, phở tái, lòng lợn tiết canh..., khách ẩm thực vào ra tấp nập, bia hơi rót sủi bọt tràn trề. Bên cạnh đó vẫn còn những món quà quê như bún riêu, bánh rán, bánh dầy... bây giờ chỉ dành cho những người buôn thúng bán bưng, hoặc những người nông dân mà mọi khoản chi tiêu chỉ trông vào hạt thóc. Tôi gặp lại một món quà mà bà ngoại tôi ngày xưa rất thích ăn, bà thường hát câu: Yêu em bánh đúc bẻ ba/ Mắm tôm quệt ngược cửa nhà anh xiêu. Chao ôi, một cô vợ chỉ nghiện món bánh đúc mắm tôm mà đã làm cho chàng trai xiêu cả cửa nhà. Tôi bước vào hàng bún riêu cua gọi một bát chỉ hết mười nghìn đồng, để tìm lại cái hương vị quê nhà thời thơ ấu. Mấy bà đang ăn đều dừng đũa nhìn tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, có bà hỏi bỗ bã: Trông bác trai lịch sự thế này mà lại vào ngồi ăn quà với chị em nhà quê chúng tôi à? Tôi cười: Vâng, bún riêu cua bây giờ là đặc sản đấy các bà ạ!
Tôi lâng lâng đi giữa chợ. Này là hàng quần áo đủ loại chất đầy ngồn ngộn, rồi các hàng gốm sứ, đồ đồng, đồ nhôm bày la liệt. Góc chợ bên kia, các chị hàng hương cũng ngồi một dãy dài, những nén hương được thắp chào hàng, khói trầm bay ngan ngát khiến cả không gian ấm áp hương xuân.
Đã quá trưa mà chợ vẫn đông, tôi tạt sang hàng rau quả thì gặp bà chị họ. Chị đã bán hết gánh chuối, bưởi, giờ đang lúi húi chọn mua bó lá dong và nắm lạt giang gói bánh chưng. Trong đôi quang thúng của chị đã xếp lỉnh kỉnh những hàng Tết: Mấy cân thịt lợn, măng, miến, vàng mã, hương vòng, hương thẻ và trầu cau cúng, lại cả mấy nắm cây mùi già và một chiếc chổi rơm còn thơm mùi nếp.
Thấy tôi, chị cười xởi lởi: Chú tốt vía thật đấy, sáng nay được chú đón ngõ, chị chỉ bán một lúc hết hàng, lại còn nhanh chân xuống đầu làng Bưởi Cuốc mua đón được một thúng cam về chợ bán lãi được năm chục nghìn đấy. Rồi chị nhờ tôi sáng mùng một Tết sang xông nhà hộ. Tôi vừa chớm bước chân đi thì chị gọi lại bảo: Này, anh Lành (chồng chị) cắt tóc ở cổng chợ đấy, chú ra cắt cái tóc mới mà ăn Tết.
Lại một nét quê kiểng còn sót lại. Tôi nhớ thuở bé, cứ đến hăm tám Tết, mẹ đưa tôi đi chợ làng, bao giờ bà cũng dẫn tôi ra hàng thợ cạo, cắt mái tóc bù xù như tổ quạ. Hồi ấy cắt tóc về, dù ngứa nhanh nhách tôi cũng chẳng bao giờ gội đầu ngay, tôi chờ đến tận chiều ba mươi Tết, mẹ vơ một đống lá vườn, kê bếp đun một nồi nước to hoa mùi già rồi kéo tôi ra tắm gội tất niên. Mẹ gọi đùa là “làm lông”. Sáng mùng một Tết, đầu tóc, quần áo vẫn còn phảng phất hương thơm...
Xế chiều, chợ vãn dần, trời lây rây mưa bụi, những hạt mưa li ti đậu như sương trên cỏ và những đám mạ xanh non. Dòng nước nông giang đã đổ về đỏ đậm phù sa. Các thửa ruộng bên đường đã được cày bừa nhuyễn như bột, nhiều ruộng mới cấy, lúa chưa kịp bén chân. Tết năm nay thời tiết đẹp, ai cũng yên lòng đón một mùa xuân đầy hi vọng.
Bút ký của Duy Khoát