Diễn biến phức tạp
Thông tin từ EVN cho biết, 9 tháng đầu năm, ở 5 tổng công ty điện lực đã ghi nhận hơn 14.000 vụ trộm cắp điện, truy thu hơn 60 tỷ đồng. Cụ thể, Tổng công ty Điện lực miền Trung phát hiện hơn 8.500 vụ, truy thu gần 1,4 triệu kWh; Tổng công ty Điện lực miền Bắc có gần 3.000 vụ, truy thu trên 5 triệu kWh; Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) phát hiện 1.651 vụ, truy thu trên 1,6 triệu kWh, Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh cũng xuất hiện hơn 1.076 vụ, truy thu 3,3 triệu kWh.
Bên cạnh các vụ trộm cắp điện, tình trạng vi phạm HLATLĐ cũng diễn ra hàng nghìn vụ trên khắp cả nước, đó là chưa kể vi phạm trên lưới điện truyền tải quốc gia. Tại khu vực miền Nam, năm 2014, chỉ riêng lưới điện 22kV, 110kV đã xảy ra 188 sự cố và gây ra 38 vụ tai nạn điện. Trong 9 tháng đầu năm 2015, lưới điện 110kV xảy ra 11 sự cố, lưới điện 22kV xảy ra 49 vụ sự cố và gây ra 18 vụ tai nạn điện. Tại Hà Nội, trong 9 tháng đầu năm 2015, lực lượng chức năng cũng đã phát hiện 883 vụ.
Thống kê cho thấy, so với năm 2014, số vụ vi phạm dù đã giảm nhưng vẫn còn rất nhiều và ngày càng phức tạp. Đơn cử như trộm cắp điện, ngoài hành vi câu móc trực tiếp trước công tơ, can thiệp trực tiếp vào bên trong công tơ làm sai lệch hệ thống đo đếm... đối tượng trộm cắp còn có các chiêu thức tinh vi như dùng các thiết bị bên ngoài đảo sơ đồ đấu dây, dùng máy tạo dòng, nam châm cực mạnh... để sản lượng điện giảm. Còn các vi phạm HLATLĐ cũng xuất phát từ chủ quan của người dân như xây dựng công trình; phương tiện cơ giới thi công; lắp đặt biển hiệu, biển quảng cáo...
Còn nhiều bất cập
Để tránh thất thoát điện năng, nâng cao hiệu quả kinh doanh, ngành điện đã thực hiện nhiều biện pháp như: đẩy mạnh phối hợp với các đoàn thể tuyên truyền, tích cực đầu tư hệ thống đo xa hiện đại, tăng cường kiểm tra lưới điện, phối hợp với chính quyền xử lý hành chính và truy thu tiền điện.
Có thể khẳng định, hành vi trộm cắp điện và vi phạm HLATLĐ là vi phạm pháp luật, gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản; ảnh hưởng đến hệ thống lưới điện, chất lượng điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân, doanh nghiệp; thất thu cho nhà nước hàng tỷ đồng. Vấn đề đặt ra là tại sao chúng ta đã có hệ thống luật pháp; đã tích cực tuyên truyền, biết rõ nguyên nhân nhưng vi phạm vẫn diễn ra.
Một số chuyên gia cho rằng, nhiều vụ việc không thể xử lý triệt để do vướng mắc, bất cập về văn bản pháp lý hoặc chế tài chưa đủ sức răn đe. Đơn cử, hành vi trộm cắp dưới 20.000 kWh chỉ bị phạt từ 2 - 50 triệu đồng. Trường hợp trộm cắp điện từ 20.000 kWh trở lên có thể bị xử lý hình sự nhưng việc giám định tư pháp, xác định thời gian, số lượng điện năng lại gặp nhiều khó khăn vì sản phẩm vô hình; thiết bị dùng để trộm cắp dễ tẩu tán, phi tang...
Hay như quy định về kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện, trường hợp không xác định được thời điểm trộm cắp điện thì thời gian vi phạm, giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện để tính bồi thường thiệt hại không quá 12 tháng là chưa sát với thực tế.
Để hạn chế tối đa các vi phạm Luật Điện lực, trước hết phải rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định cho phù hợp với tình hình thực tế, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, đặc biệt cần có sự chung tay của toàn xã hội. |
Theo Báo Công Thương Điện Tử