Cùng với thế mạnh là kinh tế cửa khẩu và hoạt động thương mại sôi động, trên địa bàn huyện còn có nhiều thuỷ điện lớn nhỏ đã thúc đẩy phát triển kinh tế cho địa phương, góp phần đáng kể vào tăng trưởng của tỉnh. Ngoài ra, Phong Thổ còn có nhiều mỏ đá xây dựng, gạch tuy-nen, suối khoáng nóng… Điều đó tạo đã cho huyện phát triển nền kinh tế công nghiệp vừa và nhỏ, về sản xuất vật liệu xây dựng, khai khoáng và du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tại địa phương.
Nhận thức rõ điều đó, Đảng bộ chính quyền và nhân dân Phong Thổ đang ra sức thi đua, tận dụng mọi cơ hội và nguồn lực, làm thức dậy những tiềm năng to lớn mà tạo hoá ban tặng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Trong các chương trình, mục tiêu kinh tế của huyện, chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) vẫn được Đảng bộ, chính quyền tập trung quan tâm hàng đầu, bởi đó chính là mục tiêu nâng cao chất lượng đời sống nhân dân trong mỗi xã, phường, mỗi bản làng, thôn xóm.
Huyện Phong Thổ hiện có 9 dân tộc anh em cùng chung sống, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 90%. Toàn huyện có 16 xã đều nằm trong khu vực đặc biệt khó khăn, trong đó có 12 xã vùng cao biên giới. Khi bắt tay vào xây dựng NTM từ năm 2011, huyện Phong Thổ gặp rất nhiều khó khăn, một số cán bộ lãnh đạo cấp xã và người dân chưa có nhận thức đầy đủ về xây dựng NTM, quá trình thực hiện còn lúng túng trong chỉ đạo, chưa xây dựng được kế hoạch để hoàn thiện các tiêu chí, việc tuyên truyền vận động nhân dân chưa rõ ràng, cụ thể và chưa sâu rộng. Song hành với đó là đời sống kinh tế và thu nhập của nhân dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, chưa có nhiều mô hình phát triển sản xuất, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, hệ thống cơ sở hạ tầng, đường giao thông, chợ, trạm y tế, nhà văn hoá thôn ở các xã gần như chưa có… Vì vậy, việc huy động nội lực sức dân để xây dựng NTM gặp nhiều khó khăn.
Từ thực tế đó, lãnh đạo huyện đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả như: Phân công, gắn trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng NTM của xã trực tiếp phụ trách các thôn, bản để thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM; lồng ghép các chương trình, dự án nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, có hiệu quả kinh tế cao.
Xác định người dân đóng vai trò chủ thể trong thực hiện xây dựng NTM, huyện Phong Thổ đã đẩy mạnh tuyên truyền cho bà con nhân dân hiểu về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước gắn với chương trình xây dựng NTM. Tập trung mọi nguồn lực, rà soát tư liệu sản xuất, tiềm năng, lợi thế của từng vùng, thôn, bản, để xác định các cây trồng, vật nuôi phù hợp, mang lại giá trị kinh tế cao; phát huy tiềm năng lao động tại chỗ, tạo việc làm cho người dân địa phương, giúp người dân có thêm thu nhập, giảm nghèo bền vững, tạo điều kiện cùng tham gia xây dựng NTM.
Sau gần 10 năm xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn huyện vùng cao biên giới Phong Thổ ngày càng được khởi sắc. Đời sống người dân đã từng bước được cải thiện, hệ thống cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng khang trang, đường giao thông nông thôn được bê tông hóa. Đến nay, huyện có 4 xã đạt chuẩn NTM. Tiêu chí bình quân toàn huyện tăng từ 2,588 tiêu chí/xã năm 2011 lên 11,76 tiêu chí/xã năm 2019. Thu nhập của người dân tăng từ 12 triệu đồng/người năm 2015 lên 28 triệu đồng năm 2020, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ hơn 40% năm 2015 xuống còn hơn 24% năm 2020.
Trong quá trình thực hiện, nhân dân đã hiến hơn 70 ha đất, đóng góp gần 237.000 ngày công lao động làm đường giao thông, nhà văn hóa bản và các công trình khác. Trong năm 2020, huyện Phong Thổ đã bê tông hóa được hơn 25 km đường giao thông nông thôn; nâng cấp, sửa chữa 16 công trình thủy lợi; 97% tỷ lệ người dân có lưới điện quốc gia... Tình hình an ninh trật tự, an ninh nông thôn và an ninh biên giới, tôn giáo được đảm bảo, không còn những điểm nóng và tình trạng khiếu kiện đông người trên địa bàn huyện.
Với quan điểm không chạy theo thành tích, làm đến đâu chắc chắn đến đó, lấy chất lượng cuộc sống của người dân làm thước đo cho mỗi công trình, mỗi mục tiêu. Điều này rất sát đúng với nguyện vọng của nhân dân. Thực tế đã chỉ ra, có nhiều địa phương, các công trình chỉ vì chạy đua với thành tích mà chất lượng không đảm bảo, vừa khánh thành xong, với thời gian ngắn đã hư hỏng, xuống cấp. Riêng với Phong Thổ thì hoàn toàn khác. Ông Vương Thế Mẫn, Phó Bí thư huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ nhấn mạnh: “Xây dựng NTM là một quá trình lâu dài, do đó yêu cầu đặt ra phải có từng bước đi cụ thể, vững chắc, không chạy theo thành tích. Đứng trước những khó khăn, Đảng bộ, chính quyền huyện Phong Thổ đã rà soát lại quy hoạch, nắm thực trạng về mọi tiêu chí trên địa bàn; từ đó, lập quy hoạch xây dựng NTM; xác định các vùng sản xuất, các công trình hạ tầng cần đầu tư, sắp xếp lại dân cư và lĩnh vực môi trường, văn hoá, y tế, giáo dục phải được quan tâm thiết yếu trong quy hoạch NTM. Phong Thổ đang tiếp tục đẩy mạnh chương trình xây dựng NTM. Qua đó, đánh giá lại quá trình thực hiện để rút ra những bài học kinh nghiệm quý trong xây dựng NTM, nhằm đề ra các giải pháp cụ thể để ứng phó với những khó khăn bất cập trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Tiếp tục xây dựng lộ trình đạt chuẩn NTM cho các xã trong huyện”.
Với phong cách lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành sâu sát với thực tế, gần dân, không xa dân, gắn bó với dân của lãnh đạo các cấp, chính quyền từ huyện đến xã, cùng với sự đoàn kết chung lòng, dốc sức của mọi tầng lớp nhân dân trong toàn huyện, chúng tôi tin rằng trong thời gian tới, Phong Thổ sẽ gặt hái được nhiều thành tựu cao hơn nữa về phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng NTM, đưa Phong Thổ ngày càng phát triển và toả sáng trên vùng biên cương giữa đại ngàn Tây Bắc.
Xuân Trường