Sản xuất công nghiệp có nhiều khởi sắc
Theo thống kê, tính riêng 2 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh Phú Thọ tăng 8,85% so với cùng kỳ. Trong đó, nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,24%; nhóm ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng và điều hòa không khí tăng 14,44%;…
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng bao gồm: Gạch lát (tăng 67,28%); sản phẩm bằng plastic (tăng 12,36%); nước máy (tăng 11,88%); giấy và bìa các loại (tăng 11,73%); phân supe photphat (tăng 7,26%); sợi toàn bộ (tăng 5,56%); vải thành phẩm (tăng 2,83%); mỳ chính (tăng 2,77%); quần áo may sẵn (tăng 0,71%);...
Để sản xuất công nghiệp lấy lại đà tăng trưởng, tỉnh Phú Thọ đã triển khai nhiều giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, như: hỗ trợ giải quyết thủ tục thông quan cho doanh nghiệp; gia hạn nợ thuế, miễn, giảm tiền thuế, tiền thuê đất; miễn giảm tiền lãi, cơ cấu lại các khoản nợ vay; giảm tiền điện, nước, viễn thông cho doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp đã chủ động khắc phục tác động tiêu cực của dịch bệnh với việc áp dụng giờ làm linh hoạt, đáp ứng thời hạn đơn hàng, chủ động cắt giảm chi phí sản xuất... Nhờ vậy, các doanh nghiệp vẫn duy trì sản xuất, góp phần quan trọng vào việc gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu, tăng hoạt động dịch vụ và nguồn thu cho ngân sách địa phương.
Điển hình, năm 2021, giá trị xuất khẩu của Phú Thọ đạt 7,8 tỷ USD, tăng 70% so với năm 2020 - mức tăng kỷ lục, đưa Phú Thọ đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu cao trên cả nước.
Trong đó, nhóm doanh nghiệp chế xuất đạt 5,128 tỷ USD; nhóm doanh nghiệp FDI đạt 1,167 tỷ USD; nhóm doanh nghiệp còn lại đạt 434,1 triệu USD. Một số doanh nghiệp điển hình có giá trị xuất khẩu tăng cao như: Hanyang trên 4,8 tỷ USD; Namuga 700 - 800 triệu USD; Almus Vina trên 400 triệu USD,…
Bên cạnh việc số lượng doanh nghiệp làm thủ tục xuất nhập khẩu tăng cao (năm 2021 có 113,1 nghìn bộ tờ khai hải quan), nguyên nhân quan trọng nhất để xuất nhập khẩu của Phú Thọ tăng cao là do địa phương này thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp thực hiện khâu đột phá về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ khóa XIX đã đề ra.
Việc đầu tư các doanh nghiệp FDI tập trung vào Phú Thọ (chủ yếu các doanh nghiệp lắp ráp thiết bị điện tử, máy tính, công nghiệp phụ trợ,…) trong thời gian qua đảm bảo đúng định hướng, đóng góp cho tăng trưởng xuất khẩu; tác động đến việc tăng thu ngân sách và tạo việc làm cho người lao động tại chỗ.
Theo ghi nhận, 3 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Phú Thọ vẫn tăng trưởng dương, cao hơn so với cùng kỳ năm 2021.
Phát triển công nghiệp bền vững
Về phát triển công nghiệp, hiện trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 07 KCN đã được Chính phủ phê duyệt, bao gồm 04 KCN đã đi vào hoạt động, 03 KCN còn lại đang thu hút nhà đầu tư hạ tầng. Tổng diện tích đất quy hoạch cho 07 KCN nêu trên là 2285ha, tạo việc làm cho hơn 48 nghìn lao động, thu nhập bình quân khoảng 7,2 triệu đồng/người/tháng. Hiện tại, Sở Công thương Phú Thọ đang tiếp tục phối hợp với Ban quản lý các KCN và các cơ quan liên quan triển khai rà soát các KCN để tích hợp vào quy hoạch tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Về phát triển cụm công nghiệp (CCN), tính đến thời điểm hiện tại, Phú Thọ đã có 28 CCN đã được phê duyệt, bao gồm 22 CCN đã được thành lập, 17 CCN đã đi vào hoạt động với tổng 126 dự án đầu tư, hơn 490ha đất được quy hoạch, giải quyết việc làm cho hơn 20 nghìn lao động, thu nhập bình quân hơn 7 triệu đồng/tháng.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Sở Công thương Phú Thọ cho biết, các nhà đầu tư lựa chọn Phú Thọ bởi các ưu thế, như: Có quỹ đất sạch phát triển công nghiệp, giá thuê đất được cho là hợp lý với 07 KCN và 28 CCN; nguồn nhân lực dồi dào và ngày càng được nâng cao trình độ; hệ thống hạ tầng đồng bộ, đáp ứng yêu cầu sản xuất. Phú Thọ cũng đang đẩy mạnh triển khai các dự án giao thông trọng điểm, như tuyến cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, đường liên vùng kết nối đường Hồ Chí Minh với Quốc lộ 70B, Quốc lộ 32C tỉnh Phú Thọ đi tỉnh Yên Bái… Bên cạnh đó, Phú Thọ có môi trường ổn định, an ninh, trật tự xã hội được đảm bảo; địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư.
Ngoài ra, Sở Công thương Phú Thọ đã kịp thời theo dõi tình hình sản xuất của các doanh nghiệp để có phương án tham mưu đề xuất, tháo gỡ khó khăn cho DN trong quá trình sản xuất kinh doanh. Đồng thời, Sở này luôn bám sát, nắm bắt tình hình, tiến độ triển khai thực hiện các KCN, CCN, các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Theo đó, phối hợp xây dựng, hoàn thiện kế hoạch phát triển các KCN, CCN của tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021-2025.
Với tiềm năng phát triển lớn, năm 2022, Phú Thọ hướng tới mục tiêu thu hút 30-40 nghìn tỷ đồng, trong đó, đầu tư FDI chiếm từ 500 triệu USD trở lên. Đến năm 2025, dự kiến có khoảng 220 doanh nghiệp FDI hoạt động; tạo việc làm mới cho 40.000-50.000 lao động.
Khi công nghiệp được chú trọng sẽ thu hút được lượng lớn các chuyên gia, người lao động làm việc và sinh sống, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Đón sóng quy luật tất yếu này, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã thay đổi tầm ngắm, hướng mục tiêu từ các địa phương khác sang Phú Thọ. Thời gian qua, nhiều chủ đầu tư lớn như Sông Hồng Thủ Đô; Tập đoàn T&T; Tập đoàn TH; Tập đoàn FLC… đã và đang đầu tư vào thị trường này, ông Hùng cho hay.
Theo Diendandoanhnghiep.vn