Chú trọng thu hút FDI
Theo ông Phạm Quang Minh – Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Phú Thọ, những năm qua, thu hút vốn FDI được tỉnh Phú Thọ đặc biệt quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện từ khá sớm. Cụ thể, năm 1997, Tỉnh ủy Phú Thọ đã ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về phát triển kinh tế đối ngoại, trên cơ sở đó, HĐND, UBND tỉnh đã cụ thể hóa triển khai thực hiện bằng các văn bản, như: Nghị quyết số 180/2009/NQ-HĐND ngày 24/7/2009 hỗ trợ đầu tư đối với các dự án đầu tư trên địa bàn; Quyết định số 04/QĐ-UBND ngày 12/1/2012 về hỗ đầu tư và quy hoạch khu, cụm công nghiệp, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài trên địa bàn.
Theo đó, đến hết năm 2020, địa phương đã thu hút được 226 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký trên 1,99 tỷ USD, trong đó 89 dự án tại các khu công nghiệp (KCN), với tổng vốn đăng ký trên 1,1 tỷ USD và 137 dự án ngoài KCN, có tổng vốn đăng ký gần 900 triệu USD.
10 tháng đầu năm 2021, dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), tỉnh Phú Thọ cũng thu hút được 12 dự án FDI đăng ký mới, 16 dự án FDI đăng ký tăng vốn và 6 lượt dự án được nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần với tổng vốn đăng ký đạt gần 500 triệu USD, xếp thứ 14/63 tỉnh, thành cả nước về thu hút FDI từ đầu năm đến nay.
Đối tác đầu tư chủ yếu vào tỉnh Phú Thọ tính đến thời điểm này là các quốc gia như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Hoa Kỳ, Ấn Độ. Lĩnh vực đầu tư của doanh nghiệp FDI tập trung vào sản xuất linh kiện điện tử; công nghiệp dệt may; sản xuất bao bì, hạt nhựa; chế biến thực phẩm…
Theo đánh giá của Sở KH&ĐT tỉnh Phú Thọ, hoạt động của doanh nghiệp FDI những năm qua đã mang lại nhiều kết quả nổi bật, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy đầu tư, xuất nhập khẩu và tăng thu ngân sách trên địa bàn, đóng góp tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng tỷ trọng công nghiệp. Đặc biệt, tỷ trọng giá trị tăng thêm của khu vực FDI so với giá trị tăng thêm công nghiệp trên địa bàn năm 2020 chiếm 50,5%, tăng so với con số 35,4% của năm 2015.
“Hoạt động của khu vực FDI cũng góp phần tạo việc làm, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Sự có mặt của các doanh nghiệp FDI cũng góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa năng suất và công nghệ, phát triển công nghiệp hỗ trợ, từng bước tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu và tăng năng suất lao động.” – ông Phạm Quang Minh thông tin.
Bên cạnh lợi thế về hạ tầng kinh tế-xã hội, hạ tầng giao thông, tỉnh Phú Thọ còn có lợi thế vị trí địa lý và chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn
Cải thiện chất lượng dòng vốn FDI
Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng ông Phạm Quang Minh cho rằng, thu hút FDI vào địa phương thời gian qua vẫn chưa đạt được kỳ vọng, hiệu quả thấp hơn so với tiềm năng của địa phương, các dự án FDI đầu tư vào địa phương chủ yếu có quy mô nhỏ, công nghệ thấp, tiêu hao năng lượng và thâm dụng lao động. Cụ thể, gần 21% dự án FDI đầu tư trên địa bàn có quy mô dưới 1 triệu USD.
Hiệu quả sản xuất, kinh doanh của khu vực FDI vẫn chưa đạt được yêu cầu, chưa tương xứng với năng lực, đóng góp của khu vực FDI vào tăng trưởng kinh tế và ngân sách còn thấp, đời sống người lao động tại các KCN còn nhiều khó khăn…
Theo đó, để thu hút được những dự án FDI thật sự có chất lượng, bên cạnh phát huy lợi thế so sánh, tiềm năng và thế mạnh nổi trội của địa phương về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên và văn hóa độc đáo, đa dạng, Chính quyền tỉnh thời gian qua luôn quyết tâm cao trong cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh. Đặc biệt, để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư đến triển khai dự án, tỉnh Phú Thọ sẵn sàng quỹ đất rộng với những địa hình khác nhau như: Đồng bằng, trung du, miền núi, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai các dự án phát triển công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ.
Khi đầu tư vào tỉnh Phú Thọ, nhà đầu tư sẽ luôn được chính quyền đồng hành, sát cánh trong suốt quá trình tìm hiểu và triển khai dự án, với phương châm thành công của doanh nghiệp cũng chính là thành công của tỉnh. Cùng với đó, địa phương cũng tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính đảm bảo nhanh nhất, thuận lợi nhất, công khai, minh bạch, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của nhà đầu tư.
Tỉnh Phú Thọ đang tập trung ưu tiêu thu hút đầu tư vào các lĩnh vực: Nông-lâm nghiệp (ưu tiên các dự án đầu tư vùng nguyên liệu gắn với chế biến, xuất khẩu: Chè, chuối, chăn nuôi bò, lợn chất lượng cao, chế biến gỗ xuất khẩu...); Công nghiệp (ưu tiên thu hút các ngành công nghiệp mới, chế tạo, lắp ráp các sản phẩm công nghệ cao, điện tử, sản xuất phần mềm ứng dụng, dược phẩm, mỹ phẩm, các ngành công nghiệp phụ trợ…); Thương mại, dịch vụ (ưu tiên các dự án đầu tư lĩnh vực khách sạn, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, các trung tâm thương mại bán buôn, bán lẻ...). |
Theo Congthuong.vn