Bước phát triển mới của PTSC
Vừa qua, tại Singapore, nhân chuyến thăm chính thức Singapore của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, PTSC và Sembcorp Utilities Pte. Ltd. (SCU) đã ký thỏa thuận hợp tác đầu tư, xuất khẩu điện sang Singapore từ nguồn năng lượng tái tạo ngoài khơi tại Việt Nam. Sự kiện đánh dấu bước phát triển mới của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) nói chung và PTSC nói riêng trong lĩnh vực mới là năng lượng tái tạo.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc thiết lập mối quan hệ “Đối tác kinh tế số, kinh tế xanh” giữa Việt Nam và Singapore, Tập đoàn Sembcorp Industries (tập đoàn có vốn sở hữu của Chính phủ Singapore) đã trao đổi, thống nhất cùng Petrovietnam giao cho SCU và PTSC triển khai thực hiện việc hợp tác.
Theo nội dung thỏa thuận, PTSC và SCU sẽ hợp tác đầu tư trang trại điện gió ngoài khơi tại Việt Nam với công suất ban đầu dự kiến khoảng 2,3 GW và xuất khẩu điện trực tiếp sang Singapore qua đường cáp ngầm cao thế dưới biển. Thỏa thuận quy định chi tiết về cơ chế hợp tác, cơ chế ra quyết định, tỷ lệ vốn góp giữa các bên, kế hoạch triển khai các công việc chuẩn bị, triển khai dự án cũng như kế hoạch thành lập công ty liên doanh khi đạt đầy đủ các điều kiện. Sau khi ký thỏa thuận hợp tác, PTSC và SCU sẽ tiến hành thuê các đơn vị tư vấn quốc tế chuyên nghiệp để bắt tay ngay vào việc triển khai nghiên cứu và thực hiện dự án.
Một trong những khó khăn của dự án là tuyến đường cáp ngầm đưa điện từ Việt Nam đến Singapore khá dài. Tuy nhiên, trên thế giới đã có nhiều dự án tương tự được triển khai, như dự án cáp ngầm North Sea Link dài 720km, công suất 1.400 MW, kết nối lưới điện và chia sẻ nguồn điện từ năng lượng tái tạo giữa Na Uy và Vương quốc Anh. Với thiết kế hệ thống lưu trữ điện năng (ESS) đủ lớn, cũng như áp dụng một số giải pháp về kỹ thuật để giảm thiểu tổn thất điện năng trong quá trình vận chuyển, lãnh đạo PTSC tin tưởng có thể vượt qua được trở ngại này.
Với xu hướng chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, nhu cầu về điện sạch của các quốc gia sẽ ngày càng gia tăng. Chính phủ Singapore đang tham gia liên kết lưới điện Lào - Thái Lan - Malaysia - Singapore (LTMS) và đã tiến hành nhập khẩu điện từ Lào qua lưới điện LTMS. Các nước ASEAN cũng đang triển khai chương trình liên kết lưới điện. Vì vậy, việc hợp tác xuất khẩu điện sạch từ Việt Nam sang Singapore cũng sẽ góp phần vào việc hiện thực hóa chương trình liên kết lưới điện, mở ra cơ hội cho các nước có liên quan cùng tham gia cũng như có thể xuất khẩu điện sạch từ năng lượng gió ngoài khơi của Việt Nam sang các nước khác, mang lại lợi ích cho các quốc gia và làm tăng hiệu quả đầu tư của dự án.
Thay đổi để tìm kiếm cơ hội
Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc (COP26) tháng 11-2021 tại Vương quốc Anh, Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải ròng về 0 (Net Zero) vào năm 2050, giảm 30% lượng phát thải khí metan vào năm 2030, nâng tỷ lệ năng lượng tái tạo lên trên 30%. Để hiện thực hóa nội dung này, việc phát triển năng lượng sạch để thay thế cho năng lượng hóa thạch đang được Chính phủ, các bộ, ngành, các nhà đầu tư trong và ngoài nước hết sức quan tâm.
Petrovietnam là tập đoàn kinh tế nhà nước duy nhất có lợi thế về kinh nghiệm và nguồn lực trong thiết kế, chế tạo, vận hành các công trình biển để tham gia vào chuỗi cung ứng và phát triển các dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi và sản xuất hydro. Trong đó, PTSC là doanh nghiệp hàng đầu của Petrovietnam trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao. Với bề dày kinh nghiệm 30 năm thực hiện các dự án dầu khí lớn cả trong nước và ngoài nước, cùng nền tảng nguồn lực, phương tiện, đội ngũ lao động kỹ thuật chất lượng cao, PTSC hoàn toàn tự tin bước vào lĩnh vực năng lượng tái tạo đầy tiềm năng.
Chiến lược phát triển của PTSC đã được Petrovietnam ủng hộ, phê duyệt, cũng là hướng đi phù hợp với định hướng của Petrovietnam: “Xây dựng PTSC trở thành thương hiệu quốc tế uy tín với lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao là trụ cột cốt lõi và đồng thời phát triển các dịch vụ ra ngoài ngành, ngoài nước phù hợp với năng lực và thế mạnh riêng của PTSC, trong đó có lĩnh vực điện gió ngoài khơi”.
Tổng Giám đốc PTSC Lê Mạnh Cường chia sẻ mong muốn không chỉ tiếp tục chinh phục các khách hàng ngoài nước, ngoài ngành Dầu khí, không chỉ thu hẹp mình trong một thị trường truyền thống mà PTSC sẽ tích cực vươn tới các thị trường mới: “Chúng tôi tự đặt nhiệm vụ cho mình là Change for Chances - Thay đổi để tìm kiếm cơ hội. Thay đổi cơ cấu khách hàng từ đa số trong nước thành đa số nước ngoài; Thay đổi tỷ trọng doanh thu từ nội ngành chiếm đa số thành ngoài ngành chiếm đa số. Thay đổi cơ cấu doanh thu từ đa số trong nước thành đa số từ nước ngoài”.
Việc tham gia đầu tư, phát triển các dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi, mở đầu là thỏa thuận hợp tác cùng SCU vừa được ký kết, cũng chính là để PTSC hoàn thiện khả năng tham gia vào chuỗi giá trị năng lượng tái tạo ngoài khơi chuyên nghiệp, bao gồm khảo sát, thiết kế, chế tạo, lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng, từ đó phát huy được thế mạnh về năng lực, kinh nghiệm, mở rộng phạm vi hoạt động, hướng tới những thị trường lớn hơn, chinh phục những thử thách mới.
Nếu ví PTSC như một con tàu thì con tàu đó đã trải qua một hành trình dài 30 năm vượt qua nhiều sóng gió. Nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo, người lao động PTSC đã cùng đồng sức, đồng lòng trên con thuyền để có được PTSC ngày hôm nay. Với nguồn lực, cơ sở pháp lý đầy đủ, cùng truyền thống khát khao chinh phục những thử thách mới, năng lượng tái tạo ngoài khơi sẽ mở ra một thời kỳ phát triển mới cho PTSC theo đúng tinh thần “Trọn giải pháp - Vẹn niềm tin”, luôn tìm kiếm những giải pháp mới để giữ trọn niềm tin của khách hàng, đối tác, cổ đông, góp phần chung tay cùng Petrovietnam thực hiện mục tiêu Net Zero vào năm 2050.
Theo pvn.vn