Trong những năm qua, ngành dịch vụ dầu khí đã gặp phải nhiều khó khăn, thử thách khi giá dầu xuống thấp, công việc bị thu hẹp. Các đơn vị dịch vụ trong Tập đoàn liên tục phải đối mặt với sức ép giảm giá từ các khách hàng thuê sử dụng dịch vụ, ảnh hưởng trực tiếp đến việc giữ vững thị phần cũng như phát triển tìm kiếm các hợp đồng mới trong và ngoài nước.
Năm 2018, mặc dù đà suy giảm của giá dầu đã chững lại, thậm chí có thời điểm tăng cao, nhưng sự tăng giá này không bền vững và bất ổn định, vì vậy hoạt động cung cấp dịch vụ của các đơn vị trong Tập đoàn vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, bằng sự quyết tâm, sự nỗ lực của mình, một số đơn vị dịch vụ đã có các giải pháp tích cực để ứng phó với tình hình khối lượng công việc hạn chế và giá dịch vụ suy giảm, một số đơn vị đã đẩy mạnh tìm kiếm đơn hàng, phát triển dịch vụ dầu khí ra nước ngoài và bước đầu đạt kết quả tích cực. Doanh thu dịch vụ toàn Tập đoàn năm 2018 đạt 199,5 nghìn tỷ đồng, bằng 130% kế hoạch năm và chiếm tỷ trọng 31,83% trong tổng doanh thu toàn Tập đoàn, tăng 15% doanh thu so với năm 2017. Đây là mức tăng cao nhất doanh thu dịch vụ của Tập đoàn trong những năm gần đây.
Trong Tập đoàn hiện nay, các đơn vị dịch vụ đã xây dựng được cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, đủ năng lực để tự thực hiện các dự án, công trình trọng điểm, chủ động hơn trong công tác triển khai đầu tư và kiểm soát tiến độ các dự án; không ngừng khẳng định năng lực, kinh nghiệm cũng như chất lượng dịch vụ cung cấp cho các nhà thầu dầu khí tại Việt Nam. Với đội ngũ chuyên gia lành nghề giàu kinh nghiệm, các đơn vị đã thay thế được nhiều chức danh phải thuê chuyên gia nước ngoài, đủ khả năng làm tổng thầu thực hiện các công trình mà trước đây phải thuê nhà thầu nước ngoài hoặc nhà thầu ngoài ngành thực hiện
Có thể nhắc đến thành công của dự án Biển Đông 01, kỳ tích của ngành Dầu khí Việt Nam, như là minh chứng rõ ràng nhất cho sức mạnh nội lực của ngành Dầu khí và con người dầu khí Việt Nam. Dự án hoàn toàn do người Việt Nam đảm nhận tất cả các công việc từ xây lắp đến vận hành khai thác. Chỉ tính riêng về công tác dịch vụ cho dự án này, hai giàn khai thác Hải Thạch và Mộc Tinh và một giàn xử lý trung tâm có tổng trọng lượng 70 ngàn tấn hoàn toàn do người Việt Nam thiết kế, xây lắp trong nước và vận hành.
Tàu dịch vụ hoạt động tại dự án Biển Đông 01
Cùng với dự án Biển Đông 01, công trình thiết kế, chế tạo giàn khoan tự nâng Tam Đảo 03 và Tam Đảo 05 đã ghi tên Việt Nam vào một trong số ít nước chế tạo thành công giàn khoan hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời khẳng định thương hiệu của dịch vụ chế tạo cơ khí của ngành Dầu khí.
Không chỉ nâng cao chất lượng dịch vụ trong nước, các đơn vị dịch vụ cũng ngày càng khẳng định uy tín, chất lượng khi tham gia cung cấp dịch vụ cho các nhà thầu dầu khí quốc tế. Đơn cử như PV Drilling liên tiếp trúng thầu cung cấp các dịch vụ khoan cho các khách hàng nước ngoài như cung cấp giàn khoan tự nâng PV DRILLING I & PV DRILLING VI phục vụ cho một số chiến dịch khoan tại Malaysia vào tháng 3/2019; trước đó vào tháng 2/2019, giàn PV DRILLING II đã bắt đầu chiến dịch khoan tại Malaysia. Điều đặc biệt là giàn PV DRILLING VI hiện đang được nhiều khách hàng trong nước và nước ngoài ưa chuộng. Sau khi hoàn tất chương trình khoan cho Vietsovpetro tại mỏ CTC1-WHP (mỏ Cá Tầm) vào cuối tháng 4/2019, giàn chuyển sang khoan cho Công ty dầu khí ENI tại khu vực miền Trung (Block 114/bể Sông Hồng) vào cuối tháng 6/2019.
Bên cạnh đó, PTSC cung cấp dịch vụ xây lắp các công trình dầu khí biển cũng như dịch vụ vận tải biển; Liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro) cung cấp dịch vụ xây lắp các công trình dầu khí, vận hành các công trình khai thác; Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế Dầu khí - CTCP (PVE) cung cấp dịch vụ thiết kế các công trình dầu khí trong và ngoài nước...
Các dịch vụ do các doanh nghiệp dầu khí cung cấp ngày càng được nâng cao cả về lượng và chất, đồng thời luôn chủ động cân đối và tập trung đầu tư nguồn lực, cơ sở vật chất kỹ thuật nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu của thị trường trong nước và khu vực. Các doanh nghiệp của ngành Dầu khí liên tục nhiều năm được đánh giá nằm trong top các doanh nghiệp có tỷ lệ nội địa hóa cao cũng như được trao giải thưởng “Sản phẩm, dịch vụ thương hiệu Việt tiêu biểu” như: PV GAS, BSR, PV Shipyard, BIENDONG POC…
Trong chiến lược phát triển dài hạn, ổn định của ngành dịch vụ dầu khí, PVN cũng yêu cầu các đơn vị trong Tập đoàn tiếp tục mở rộng hợp tác hỗ trợ giữa các đơn vị trong Tập đoàn với nhau, cũng như các đơn vị, doanh nghiệp trong nước cùng phát triển. Cùng với đó liên kết giữa các đơn vị trong Tập đoàn và trong nước trong việc cùng tạo ra hệ thống sản phẩm dịch vụ/hàng hóa chung. Đồng thời, kiên quyết không sử dụng dịch vụ nước ngoài đối với các dịch vụ mà các đơn vị trong Tập đoàn, trong nước thực hiện được. PVN cũng đặt mục tiêu giữ vững doanh thu dịch vụ chung trong toàn Tập đoàn đạt 30% tổng doanh thu của Tập đoàn.
Để đạt được những mục tiêu này, Tập đoàn đã xây dựng quy hoạch cho việc phát triển các ngành dịch vụ để quy hoạch này trở thành định hướng cho tất cả các đơn vị dịch vụ xây dựng và phát triển kế hoạch đầu tư tiếp theo của các đơn vị. Bên cạnh đó, các đơn vị dịch vụ dầu khí cũng cần đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao khả năng cạnh tranh; đẩy mạnh việc sử dụng dịch vụ trong nước trên cơ sở công khai minh bạch trong đấu thầu cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ dầu khí. Ưu tiên sử dụng và hạn chế tối đa nhập khẩu các loại vật tư, thiết bị, nguyên nhiên vật liệu, hàng hóa… có liên quan đến dịch vụ dầu khí của đơn vị có khả năng cung cấp; dịch vụ/hàng hóa của các đơn vị trong Tập đoàn, của các doanh nghiệp trong nước sản xuất được, có tỷ lệ nội địa hóa cao.
Trong thời gian tới, ngành Dầu khí nói chung và khối dịch vụ dầu khí nói riêng tiếp tục phải đối mặt với khó khăn, thách thức và chịu nhiều tác động khách quan đặc biệt là các hoạt động đầu tư, tìm kiếm, thăm dò khai thác dầu khí còn hạn chế, khối lượng công việc ít, giá dịch vụ thấp... Mặc dù vậy, Tập đoàn và các đơn vị trong Tập đoàn đã quyết tâm thực hiện tốt công tác phát triển vực dịch vụ dầu khí theo mục tiêu của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 theo Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 23/7/2015. Đồng thời, tiếp tục tập trung sức mạnh tổng hợp của các đơn vị trong Tập đoàn nhằm đẩy mạnh lĩnh vực dịch vụ dầu khí, góp phần quan trọng vào sự phát triển của Tập đoàn.
Theo PVN