Quán triệt, thực hiện nghiêm
Theo báo cáo của Tổng cục QLTT, qua triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát, phòng chống buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ, lực lượng QLTT thường xuyên phối hợp với cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương để đưa tin, bài viết tuyên truyền về lĩnh vực phòng, chống các hành vi vi phạm về pháo nhằm vận động người dân và doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về kinh doanh, buôn bán hàng hóa; đã vận động, ký cam kết không thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật về pháo nổ đối với 61.000 lượt tổ chức, kinh doanh có nguy cơ sai phạm về pháo nổ trên toàn quốc.
Qua công tác kiểm tra, kiểm soát, lực lượng QLTT đã phát hiện xử lý nhiều vụ việc vận chuyển, buôn bán, tàng trữ pháo nổ. Điển hình, ngày 27/12/2020, Cục QLTT Lạng Sơn phối hợp với các cơ quan chức năng tại trạm kiểm soát liên hợp Dốc Quýt đã phát hiện và thu giữ 400kg pháo nổ nhập lậu; ngày 13/01/2021, Cục QLTT Bắc Ninh phối hợp với Công an tỉnh Bắc Ninh bắt giữ 200kg pháo nổ trên quốc lộ 1A từ Lạng Sơn vận chuyển vào nội địa tiêu thụ...
Trước đó, thực hiện các văn bản như: Chỉ thị số 406/CT-TTg ngày 8/8/1994 của Thủ tướng Chính phủ về việc cấm sản xuất, buôn bán, đốt pháo; Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo; Thông tư liên tịch số 06/2008/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 25/12/2008 giữa Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép thuốc nổ và thuốc pháo; Công văn số 02/BCĐ389-VPTT ngày 28/01/2019 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Tổng cục QLTT đã ban hành Văn bản số 110/TCQLTT-CNV ngày 17/01/2020 về tăng cường kiểm tra, kiểm soát xử lý việc buôn bán, vận chuyển, tàng trữ pháo nổ; Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 11/01/2021.
Theo đó, lực lượng QLTT các tỉnh, thành phố đã triển khai tăng cường công tác quản lý địa bàn, nắm bắt tình hình hoạt động buôn bán, vận chuyển, tàng trữ pháo nổ trên địa bàn quản lý; chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng: Công an, Biên phòng, Hải quan kiểm tra, xử lý kịp thời, triệt để các vụ việc buôn bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo nổ, đặc biệt chú trọng các địa bàn khu vực cửa khẩu, biên giới và các tuyến đường từ khu vực cửa khẩu, biên giới vào nội địa. Cùng với đó, tăng cường công tác theo dõi, kiểm tra, xử lý việc kinh doanh, buôn bán pháo nổ trên môi trường mạng xã hội facebook, youtube đang có chiều hướng sôi động và phổ biến trong thời gian vừa qua. Lực lượng QLTT các tỉnh, thành phố cũng phối hợp các cơ quan thông tin truyền thông thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn pháp luật về nội dung các văn bản nêu trên; đồng thời, phát động phong trào toàn dân tham gia phát hiện, tố giác, không bao che, tiếp tay cho các đối tượng buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát
Có thể nói, các hoạt động kiểm tra, kiểm soát của lực lượng QLTT đã góp phần thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp của Nhà nước và từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của người dân, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này, đảm bảo trật tự an toàn xã hội và tính mạng, sức khỏe của nhân dân.
Qua đó, tình trạng vi phạm về pháo đã được kiềm chế, ngăn chặn, ý thức chấp hành của người dân đã được nâng lên rõ rệt, các vụ tai nạn về pháo đã giảm hẳn, góp phần đảm bảo an nình trật tự, ổn định phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tuy nhiên tình hình vi phạm về pháo vẫn diễn biến khá phức tạp, các vụ việc vi phạm về pháo có chiều hướng năm sau cao hơn năm trước. Những năm trước đây, tình trạng đốt pháo trái phép chủ yếu xảy ra tại các tỉnh đồng bằng Bắc bộ, Bắc Trung bộ thì nay đã có xu hướng lan rộng vào các tỉnh Miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Hoạt động mua bán, tàng trữ, vận chuyển pháo trái phép chủ yếu diễn ra ở các tỉnh biên giới phía Bắc giáp Trung Quốc; Bắc Trung bộ giáp Lào và Tây Nguyên; nguồn pháo phổ biến được sản xuất tại Trung Quốc và Thái Lan. Các đối tượng qua biên giới mua và vận chuyển trái phép vào Việt Nam bằng các phương tiện giao thông đường bộ, đường biển. Thường ngay sau mỗi dịp Tết Nguyên đán, các đối tượng đã có xu hướng tổ chức mua bán, vận chuyển pháo vào nội địa để cất giữ, tiêu thụ.
Ngay sau khi nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 11/01/2021, lực lượng QLTT đã tăng cường triển khai kiểm tra, kiểm soát, kiên quyết xử lý các hành vi hoạt động sản xuất, buôn bán, kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ pháo tiềm ẩn nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, có chiều hướng gia tăng.
Cụ thể, thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát thực tế thị trường, QLTT đề xuất các cơ quan chức năng liên quan tham mưu trình Chính phủ xem xét, sửa đổi bổ sung văn bản pháp luật để kịp thời khắc phục khó khăn, bất cập, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về quản lý sử dụng pháo cũng như hạn chế tới mức thấp nhất việc lợi dụng kẽ hở pháp luật để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới pháo.
Lực lượng QLTT các tỉnh, thành phố bám sát các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ ngành chức năng về quản lý, sử dụng pháo để tổ chức thực hiện nghiêm, hiệu quả công tác phối hợp kiểm tra, xử lý các sai phạm về pháo. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng pháo. QLTT phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng và cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình đẩy mạnh tuyên truyền với nhiều hình thức, nội dung biện pháp, tuyên truyền đa dạng, phong phú, sâu rộng tới tận thôn, bản, tổ dân phố, cụm dân cư, tổ chức ký cam kết với từng đối tượng trọng điểm.
Để thực hiện hiệu quả các nội dung của Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ, QLTT cũng kịp thời động viên khen thưởng các cá nhân/tổ chức có thành tích xuất sắc, đồng thời kỷ luật, xử lý làm rõ trách nhiệm đối với những tập thể/cá nhân buông lỏng quản lý để xuất hiện hoặc tái diễn hoạt động buôn bán, vận chuyển tàng trữ pháo nổ xảy ra trên địa bàn mình quản lý.
Theo Congthuong